Tắc ruột người già thường xảy ra do tình trạng tắc khối bã thức ăn. Những trường hợp người già bị suy tuy, bị cắt dạ dày, bị táo bón kéo dài hoặc đã rụng răng có nguy cơ cao bị tắc ruột do bã thức ăn. Vậy tắc ruột do bã thức ăn ở người già có nguy hiểm không và làm thể nào để tránh xảy ra tình trạng đó? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Tắc ruột do bã thức ăn ở người già là gì?
Tắc ruột do bã thức ăn ở người già là một dạng thuộc tắc ruột cơ học-loại tắc ruột phổ biến chiếm tới 95% số ca mắc hội chứng tắc ruột. Nguyên nhân thường gặp khiến người già bị tắc ruột do khối bã thức ăn là:
Do ăn quá nhiều loại thực phẩm có chứa chất xơ khó tiêu hóa như măng, mít,…
Do ăn quá nhiều trái cây có chứa chất tanin khi đói như quả hồng, hồng xiêm, ổi, sung, …
Do bị táo bón lâu ngày
Người già răng rụng làm giảm sức nhai khiến nhai không kĩ, thức ăn không được nghiền nhỏ nên khó di chuyển trong ống tiêu hóa và khó tiêu
Người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc mắc bệnh viêm tụy mạn khiến khả năng tiêu hóa thức ăn kém, lâu tiêu hóa được các chất khó tiêu hơn người trẻ
Giống như các trường hợp tắc ruột khác, tắc ruột do bã thức ăn ở người già cũng có những triệu chứng như: đầy hơi chướng bụng, đau bụng, không xì hơi hay đại tiện được, người mệt mỏi, …
Tắc ruột người già do bã thức ăn có nguy hiểm không?
Là một dạng thuộc tắc ruột cơ học nên tắc ruột người già do bã thức ăn là trường hợp ngoại khoa cấp cứu nguy hiểm. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bị tắc ruột do bã thức ăn mà không được điều trị phẫu thuật thông ruột, ngăn ngừa viêm nhiễm kịp thời thì người bệnh sẽ rất dễ bị biến chứng thủng ruột, hoại tử ruột và nguy hiểm hơn là viêm phúc mạc, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân đe dọa đến tính mạng.
Những lưu ý để phòng tránh tắc ruột do bã thức ăn ở người già
Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khuyến cáo, để tránh bị tắc ruột do khối bã thức ăn, người cao tuổi nên:
Nên ăn những thức ăn được nấu chín, ninh nhừ và nhai kĩ khi ăn
Hạn chế những thực phẩm dai, cứng, có nhiều chất xơ, khó tiêu hóa như: gân, sụn, măng khô …
Ưu tiên các loại rau có chất xơ hòa tan, tác dụng chống táo bón như: rau đay, mùng tơi, đậu bắp, …
Không ăn nhiều trái cây có nhiều chất chát tannin như: hồng xiêm, hồng giòn, ổi, sung,… đặc biệt không ăn khi đói và không nên ăn cùng với thức ăn có nhiều đạm.
Nên uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày.
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn để kích thích ruột và hệ tiêu hóa
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh