Viêm ruột thừa chỉ tình trạng sưng viêm của ruột thừa, gây đau đớn khó chịu cho người bệnh. Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa thường không quá lâu. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên nguy hiểm.
Bệnh viêm ruột thừa là căn bệnh cấp tính nên không có thời gian ủ bệnh dài. Bệnh nhân có dấu hiệu viêm ruột thừa khi gặp cơn đau bụng, chủ yếu là ở vùng mạn sườn phải. Cơn đau từ vùng quanh rốn, lan xuống hố chậu phải, có thể từ âm ỉ đến dữ dội.
Cơn đau này có thể kéo dài từ 1 – 12 tiếng nếu không được xử lý. Trong thời gian đầu, cơn đau chỉ có mặt ở khu vực bên phải của bụng. Sau lan sang vùng thượng vị, rồi tiến đến hố chậu phải. Đau bụng kéo dài kèm theo thành bụng cương cứng. Sau cùng sờ vào bất cứ chỗ nào trên bụng bệnh nhân đều cảm thấy đau đớn.
Trong vòng 24 giờ tiếp theo, nếu bệnh nhân vẫn chưa được đi điều trị thì các triệu chứng khác sẽ bắt đầu xuất hiện. Cụ thể là sốt, sốt cao, nôn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón…
Trong 48h tiếp theo, viêm ruột thừa sẽ xuất hiện biến chứng vỡ ruột nếu không được đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời. Tỉ lệ biến chứng xảy ra là rất cao, rơi vào khoảng 65%. Do đó, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu đau bụng, đau bụng kèm sốt, nôn… hoặc các dấu hiệu bất thường vùng bụng, cần được đưa đến cơ sở y tế uy tín để khám. Không tự ý can thiệp hoặc cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, tránh kéo dài gây biến chứng.
Ruột thừa bị sưng viêm và bị tấn công bởi các vi khuẩn có hại. Trường hợp không can thiệp kịp thời sẽ tạo thành mưng mủ, nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng. Những biến chứng thường gặp nếu người bệnh không kịp thời cấp cứu và cắt bỏ trong vòng 24h cụ thể là:
– Viêm phúc mạc toàn bộ: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm ruột thừa. Vùng ruột thừa bị viêm và nhiễm khuẩn, mưng mủ dẫn đến vỡ ra. Dịch tràn vào ổ bụng gây nhiễm độc nặng, bệnh nhân sốt rét nặng, đau bụng, tụt huyết áp, không còn sức lực. Nếu không xử trí kịp có thể ổ bụng sẽ bị hủy hoại nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
– Áp xe ruột thừa: Hiện tượng viêm nhiễm, mưng mủ từ vùng ruột thừa bị vỡ ra. Nhưng may mắn hơn trường hợp viêm phúc mạc đó là dịch chưa tràn vào ổ bụng do các quai ruột, mạc nối liên kết bao bọc lại. Vùng áp xe này sẽ được điều trị bằng cách dẫn lưu để đưa hết dịch mủ ra ngoài. Áp xe khi vỡ ra sẽ dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc đã nêu ở trên.
– Đám quánh ruột thừa: Khi tình trạng viêm ruột thừa để lâu, tùy vào cơ thể người bệnh mà các quai ruột và mạc nối có thể tự động bao bọc vùng ruột bị viêm lại tạo thành đám quánh. Riêng biến chứng này thì bệnh viêm ruột thừa đã qua giai đoạn cấp cứu và nguy hiểm.
Viêm ruột thừa cần được điều trị ngay, trước khi xảy ra biến chứng. Vì khi đó việc xử lý sẽ phức tạp và lâu dài hơn, đồng thời còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Viêm ruột thừa sẽ không được điều trị triệt để nếu không can thiệp ngoại khoa. Tuy nhiên, cần xem xét vào tình trạng của bệnh nhân để có chỉ định phẫu thuật luôn hoặc là cần điều trị biến chứng trước.
Phẫu thuật là giải pháp hiệu quả và triệt để nhất để loại bỏ cơn đau ruột thừa. Vùng ruột thừa bị viêm sẽ được cắt bỏ bằng mổ mở hoặc mổ nội soi tùy thuộc vào tình trạng cũng như sự lựa chọn của bệnh nhân.
– Mổ mở: Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ phẫu thuật để mở 1 đường trên vùng bụng của bệnh nhân. Quan sát bằng mắt thường và cắt bỏ hết phần ruột thừa bị viêm. Khi xác định đã hoàn thành việc cắt bỏ, bác sĩ tiến hành đóng vết mổ bằng chỉ khâu. Sau mổ mở, bệnh nhân khá đau và vết mổ cũng lâu lành, để lại sẹo dài theo đường mổ, từ 5 – 7cm.
– Mổ nội soi: Ngược lại với mổ mở, mổ nội soi chỉ cần 3 vết rạch rất nhỏ trên thành bụng (chỉ 3 – 5mm) để đưa dụng cụ nội soi vào. Bác sĩ sẽ quan sát rõ phần viêm ruột thừa qua màn hình siêu âm kết nối với thiết bị nội soi được đưa vào và tiến hành cắt bỏ. Với kích thước rất nhỏ, vết mổ của bệnh nhân rất nhanh sẽ khép lại. Thời gian hồi phục nhanh hơn, bệnh nhân ít đau đớn và gần như không để lại sẹo.
Cần xử lý các biến chứng viêm ruột thừa trước khi tiến hành cắt bỏ hết phần ruột thừa bị viêm.
– Nếu có biến chứng viêm phúc mạc, bệnh nhân sẽ được dùng ống dẫn lưu để dẫn hết dịch ra ngoài. Đồng thời cần phẫu thuật mở để làm sạch khoang bụng trước khi cắt bỏ phần ruột thừa viêm.
– Nếu bệnh nhân gặp biến chứng áp xe, cũng cần dùng ống dẫn lưu dẫn dịch ra ngoài. Sau khi xác định tình trạng ổn định thì mới tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
– Với biến chứng đám quánh ruột thừa, đây là cơ chế bao bọc tự nhiên xuất phát từ sức đề kháng tốt của bệnh nhân. Khi có đám quánh thì bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp cứu, thường sẽ có chỉ định dùng kháng sinh để làm ổn định tình hình chứ không cần phải cắt bỏ nữa. Tuy nhiên, viêm ruột thừa chưa được cắt vẫn có thể tái phát. Do đó bệnh nhân thường được hẹn ngày phẫu thuật sau 3 – 6 tháng kể từ ngày dùng thuốc.
Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa là rất nhanh chóng. Khi có dấu hiệu cần đưa đến bệnh viện ngay vì chỉ cần sau 24 – 48h là có thể xuất hiện biến chứng nặng nề. Riêng với bệnh viêm ruột thừa, tuyệt đối không nên chần chừ khi đã có chỉ định phẫu thuật. Vì chỉ có phẫu thuật mới loại bỏ hoàn toàn được cơn đau, ngăn chặn kịp thời các biến chứng và giúp người bệnh khỏe mạnh trở lại.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh