✴️ Viêm ruột thừa – nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý

1.Viêm ruột thừa là gì, nguyên nhân gây bệnh

Ruột thừa là bộ phận nhỏ kích thước to bằng ngón tay cái nằm ở vùng bụng dưới bên phải, dính với manh tràng.

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm ở ruột thừa do sự tác nghẽn gây ra. Nguyên nhân gây tắc có thể do tình trạng có dị vật, sỏi phân, khối u hoặc sự phì đại các nang bạch huyết. Khi bị tắc nghẽn vi khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi và khiến ruột thừa bị sưng, đau. Đây là 1 trong những tình trạng cấp cứu cần xử lý kịp thời.

Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu

Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu

 

2.Biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa

Vì là 1 trong những tình trạng cấp cứu nên viêm ruột thừa cần được phát hiện kịp thời. Nếu không được xử lý nhanh chóng, tình trạng viêm này sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh:

 

2.1.Viêm phúc mạc – biến chứng viêm ruột thừa

Một trong những biến chứng nguy hiểm không thể kể đến đó là viêm phúc mạc do viêm ruột thừa. Biến chứng này xuất hiện do bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Viêm phúc mạng có thể ở phần nửa bụng dưới hoặc viêm toàn thể. Khi bị biến chứng viêm phúc mạc người bệnh sẽ sốt cao trên 39 độ, rét run, đau đớn dữ dội, huyết áp tụt, bí trung tiện đại tiện, chướng bụng… Nếu không được điều trị biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

 

2.2.Biến chứng đám quánh ruột thừa

Biến chứng này xảy ra khi tình trạng ruột thừa bị viêm được bao bọc bởi các cấu trúc xung quanh do người bệnh có sức đề kháng tốt. Khi bệnh tiến triển thành đám quánh ruột thừa người bệnh sẽ thấy các triệu chứng như đau, sốt giảm dần. Khi thăm khám hố chậu phải sẽ có thể sờ thấy 1 khối cứng chắc, đau nhẹ khi ấn vào. Hầu như không có hoặc có rất ít mủ. Đám quánh ruột thừa có thể tiến triển thành ổ áp xe hoặc có thể tan dần.

Viêm ruột thừa có thể gây biến chứng nguy hiểm

Viêm ruột thừa có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

 

2.3.Áp xe ruột thừa – biến chứng nguy hiểm

Đây là 1 trong những biến chứng khác của viêm ruột thừa nếu không được điều trị. Sau khi bị viêm ruột thừa bị vỡ mủ và được các các mạc nối bao lại và hình thành ổ áp xe. Thông thường ổ áp xe ruột thừa sẽ hình thành sau khoảng 4 – 5 ngày. Tương tự như đám quánh ruột thừa, khi bị áp xe sẽ sờ thấy 1 khối cứng ở hố chậu phải. Khi ấn vào bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau đớn. Khối cứng này cũng có khả năng di động kém.

 

3.Triệu chứng của viêm ruột thừa

Do có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm nên cần phải nhận biết tình trạng viêm ruột thừa kịp thời. Bạn có thể dựa vào các dấu hiệu điển hình như sau để nhận biết bệnh:

 

3.1.Cơn đau ruột thừa

Đau là 1 trong những dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa điển hình. Triệu chứng này thường sẽ xuất hiện đầu tiên. Tuy nhiên việc nhận biết và phân biệt cơn đau ruột thừa với đau bụng thông thường cũng rất quan trọng. Thông thường cơn đau ruột thừa sẽ xuất hiện ở vùng trên rốn. Sau 1 thời gian cơn đau sẽ tăng dần mức độ và về khu trú tại vị trí hố chậu phải. Cơn đau sẽ âm ỉ liên tục và ngày càng tăng.

Ngoài ra vị trí cơn đau ruột thừa cũng có thể thay đổi dựa vào vị trí của ruột thừa. Với ruột thừa sau manh tràng sẽ gây đau vùng hông lưng. Ruột thừa thể tiểu khung gây đau vùng hạ vị. Đau dưới phần hạ sườn phải trong trường hợp ruột thừa dưới gan.

Đau là triệu chứng viêm ruột thừa điển hình

Đau là triệu chứng viêm ruột thừa điển hình

 

3.2.Sốt

Khi bị viêm ruột thừa người bệnh sẽ bị sốt nhẹ thường là khoảng 38 độ. Đây là phản ứng với tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên trong các trường hợp ruột thừa đã có biến chứng viêm phúc mạc người bệnh có thể sốt cao. Vì vậy nếu cảm thấy đau bụng kèm theo sốt cần chú ý để đi khám và kiểm tra.

 

3.3.Rối loạn tiêu hóa

Cùng với đau sốt, người bệnh sẽ có 1 số biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi ruột thừa bị viêm. Các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa điển hình như chán ăn, buồn nôn, nôn tiêu chảy và đôi khi có táo bón. Khi xuất hiện các dấu hiệu này kèm theo đau bụng và sốt thì cần đề phòng tình trạng viêm ruột thừa.

 

4.Chẩn đoán viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có các cơn đau đa dạng và khó chẩn đoán. Do đó để chẩn đoán chính xác bệnh cần dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của người bệnh kết hợp với các xét nghiệm, siêu âm… cụ thể:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng bạch cầu, bạch cầu tăng phản ánh vấn đề nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Mục đích của việc làm này là để loại trừ nguyên nhân do viêm nhiễm đường tiết niệu…
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm để kiểm tra tình trạng sưng viêm của ruột thừa, chụp X quang để phát hiện các dị vật hoặc sỏi hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT)…

 

5.Điều trị viêm ruột thừa

Để điều trị viêm ruột thừa bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm. Việc phẫu thuật cần được thực hiện sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi. Phương pháp này có ưu điểm là an toàn, hạn chế xâm lấn giúp người bệnh nhanh hồi phục. Tuy nhiên trong trường hợp người bệnh không thể tiến hành phẫu thuật nội soi hoặc ruột thừa đã gây biến chứng bác sĩ sẽ chỉ định mổ mở.

Việc điều trị viêm ruột thừa bằng kháng sinh ít có tác dụng đồng thời cũng dễ gây tái phát do đó thường không được sử dụng.

Trên đây là các thông tin chi tiết về tình trạng viêm ruột thừa như nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị. Đau ruột thừa là tình trạng khẩn cấp và có thể đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng vì vậy việc nhận biết dấu hiệu là vô cùng cần thiết. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường như đau bụng, sốt, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy… thì nên đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top