✴️ Các nguyên nhân gây khó thở về đêm và cách khắc phục

Nội dung

1. Những lý do gây nên hiện tượng khó thở về đêm

Khó thở là cảm giác gặp khó khăn trong việc hít thở. Nhiều người thường mô tả về điều này theo cách họ cảm thấy không thể thở được, hơi thở rất ngắn, cố gắng hít thở mà không được, lồng ngực như bị thắt chặt lại rất căng tức,... khó thở về đêm thường liên quan đến các vấn đề về tim, phổi hoặc tâm lý của người bệnh, điển hình gồm:

- Vấn đề về phổi

+ Bệnh hen suyễn

Sở dĩ hen suyễn có thể khiến người bệnh bị khó thở về đêm là bởi sự tích tụ của chất nhầy trong cổ họng; tư thế ngủ gây áp lực cho cơ hoành; hormone thay đổi vào ban đêm và môi trường ngủ có điều kiện thuận lợi kích thích hen suyễn. Ngoài ra, trào ngược dạ dày cũng có thể kích thích bệnh lý này và gây nên triệu chứng khó thở.

Người bị hen suyễn thường xuyên có những cơn khó thở, nhất là buổi đêm

+ Thuyên tắc phổi

Khi máu đông hình thành trong phổi sẽ sinh ra bệnh thuyên tắc phổi. Đây là một cấp cứu và có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào.

+ Tắc nghẽn phổi mãn tính

Đường thở bị tắc nghẽn hoặc hẹp do phổi tắc nghẽn sẽ khiến người bệnh khó thở, tức ngực, ho nhiều, thở khò khè,...

+ Viêm phổi

Không chỉ bị khó thở, bệnh nhân viêm phổi còn ho nhiều, mệt mỏi, đau ngực,...

- Vấn đề về tim

Bệnh lý về tim khiến cho hoạt động bơm máu của tim bị cản trở nên người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó thở về đêm. Điển hình trong đó phải kể đến suy tim, chấn thương tim, rối loạn nhịp tim,...

- Dị ứng

Những biểu hiện của dị ứng thường trầm trọng hơn vào ban đêm nên nếu môi trường ngủ có chứa chất gây dị ứng như: lông thú, nấm mốc, phấn hoa, bụi,... sẽ tạo điều kiện cho cơn khó thở xuất hiện.

- Vấn đề tâm lý

Những người thường xuyên bị hoảng loạn, lo lắng sẽ dễ bị khó thở về đêm vì nó kích hoạt phản ứng chống stress. Trong tình thế này rất nhiều người cảm thấy buồn nôn, khó hít thở, thậm chí còn ngất xỉu.

 

2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị

2.1. Chẩn đoán

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng khó thở về đêm và nó không giống nhau ở tất cả bệnh nhân, vì thế, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, làm một số kiểm tra nhằm xác định điều này. Các biện pháp thường được dùng để chẩn đoán tình trạng khó thở buổi đêm là:

- Khám lâm sàng đánh giá bệnh nhân khó thở, đặc biệt là về ý thức của bệnh nhân, chủ yếu gồm:

+ Xác định kiểu thở, đếm nhịp thở của người bệnh.

+ Phát hiện dấu hiệu suy hô hấp: tim và nhịp tim, co kéo các cơ hô hấp phụ.

+ Khám tỉ mỉ để phát hiện các dấu hiệu thực thể về tim mạch, hô hấp, thần kinh,...

Thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa giúp tìm ra nguyên nhân khó thở về đêm

- X-quang ngực.

- Điện tâm đồ.

- Đo nồng độ oxy trong máu.

- Kiểm tra mức độ căng thẳng tâm lý của người bệnh.

- Hỏi tiền sử giấc ngủ.

2.2. Điều trị

Sau khi đã thực hiện các biện pháp làm cơ sở đưa ra kết luận về nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở về đêm, tùy vào từng căn nguyên cụ thể mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Ví dụ như:

- Với những vấn đề về phổi: kết hợp luyện tập và chế độ dinh dưỡng để phục hồi chức năng phổi; mở đường thở bằng thuốc giãn phế quản; liệu pháp thở oxy;...

- Với trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, viêm xoang, cảm lạnh: rửa mũi bằng nước muối sinh lý; xử lý nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh;...

- Với bệnh nhân ung thư phổi hoặc suy tim: thực hiện phẫu thuật, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch để loại bỏ khối u; dùng thuốc hoặc các biện pháp khác để hỗ trợ bơm máu và vận chuyển oxy giảm gánh nặng cho tim.

2.3. Biện pháp hỗ trợ tại nhà

Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa, người bị khó thở về đêm cũng có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tại nhà sau:

- Cải thiện chế độ ăn uống sao cho hợp lý

Có một chế độ ăn đầy đủ vitamin và khoáng chất là điều cần thiết để nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Trong chế độ ăn này hãy tăng cường bổ sung chất béo thực vật để hạn chế tăng CO2 trong máu và cung cấp nguồn năng lượng cao cho cơ thể. Chất béo từ mỡ động vật cần được hạn chế tối đa bởi nó chứa hàm lượng cholesterol cao gây mỡ máu, ảnh hưởng đến hô hấp.

- Thể dục thể thao vừa sức

Tập luyện thể dục thể thao là biện pháp cải thiện hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe rất tốt. Tuy nhiên, với những người gặp vấn đề về hô hấp thì nên chọn những môn thể thao vừa sức, thực hiện vào buổi sáng để hít thở không khí trong lành là cách hiệu quả để cải thiện tình trạng khó thở.

- Giữ tinh thần thoải mái

Để tinh thần luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng là chất xúc tác làm trầm trọng những cơn khó thở. Vì thế, muốn cải thiện tình trạng này, hãy giữ cho mình suy nghĩ lạc quan, tâm trạng vui vẻ để tinh thần được thư giãn ở mức tốt nhất.

- Thay đổi tư thế

Với những trường hợp khó thở về đêm xảy ra do tư thế nằm thì có thể ngồi dậy, thòng 2 chân xuống đất. Đây là cách cải thiện tình trạng khó thở tương đối hiệu quả.

- Tránh một số điều:

+ Hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích.

+ Chất gây dị ứng và ô nhiễm.

+ Vận động mạnh quá sức.C

Nếu bạn không biết chính xác tình trạng khó thở về đêm của mình xuất phát từ nguyên nhân nào hay khi nó xuất hiện kèm triệu chứng: cơn khó thở ngày càng trở nên nghiêm trọng, đau hoặc tức ngực,... thì tốt nhất hãy tìm đến sự trợ giúp y tế. Có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý gây nên tình trạng này và nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn, vì thế, cần được điều trị khắc phục càng sớm càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top