Bệnh gì gây đau đớn nhiều nhất?

Đau hậu phẫu

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tới khoảng một nửa số người tiến hành phẫu thuật ngực đều tiến triển thành các cơn đau mãn tính sau này, theo bác sỹ Lynn Webster thuộc Hiệp hội nghiên cứu các cơn đau Hoa Kỳ.

Trong tương lai, các nhà khoa học có thể phát triển những biện pháp giúp nhận biết những người có nguy cơ bị đau nhất sau phẫu thuật thông qua các kiểu gen. Do vậy, họ cho rằng các bệnh nhân không nên cố chịu đựng cơn đau bởi việc kiểm soát tốt các cơn đau cấp tính sau khi mổ có thể giúp giảm nguy cơ những cơn đau lâu dài về sau.

 

Sỏi thận

Ai đã từng bị một lần đau do sỏi thận sẽ không thể quên được cảm giác đau dữ dội này. Cơn đau do những viên sỏi thận gây ra (có kích thước dao động từ một hạt muối cho tới hạt ngọc trai) thường xảy ra, đột ngột, dữ dội, nhất là ở phần lưng, bụng dưới và háng của bệnh nhân. Trong hầu hết trường hợp, bác sỹ sẽ kê thuốc giảm đau và khuyên bệnh nhân nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là loại bỏ được sỏi thận để cắt hoàn toàn những cơn đau trong tương lai. Do vậy, ngay trong cơn đau hoặc sau khi kết thức cơn đau, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

 

Đau thắt lưng mãn tính

Đau thắt lưng thường gây cảm giác đau rất khủng khiếp và mọi người đều ít nhất trải qua nó ở một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, cứ 10 người thì 9 người sẽ hồi phục rất nhanh, đối với số còn lại cơn đau sẽ trở thành mãn tính, dai dẳng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Mức độ nghiêm trọng của cơn đau ban đầu và nguyên nhân gây ra nó kết hợp với tâm trạng  lo lắng của bạn sẽ đóng vai trò quyết định xem liệu cơn đau sẽ kéo dài bao lâu. Hiện nay, hầu hết các trường hợp đau thắt lưng mãn tính được điều trị bằng thuốc giảm đau và sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu. Các bài tập sức mạnh vùng thắt lưng  thường đem lại hiệu quả khả quan nhất. Nhưng đôi khi, bạn sẽ cần đến đai thắt lưng cũng như một số biện pháp can thiệp mạnh hơn.

 

Viêm dây thần kinh ngoại biên

Chủ yếu là do biến chứng của bệnh tiểu đường gây tổn thương tại các đầu dây thần kinh tới ngón tay, bàn tay và ngón chân gây kích thích cơn đau. Cảm giác đau này được miêu tả là giống như nắm chặt hoặc dẫm trên những mảnh thủy tin sắc nhọn. Các thuốc làm giảm tình trạng kích thích các dây thần kinh có thể trợ giúp khá nhiều cho bạn, nhưng theo các chuyên gia, việc tập luyện phù hợp cũng rất quan trọng để giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm các cơn đau.

 

Đau do ung thư

Bất kể là cơn đau do khối u, đau do liệu pháp điều trị như hóa trị hay do sự kết hợp của cả hai, hầu hết bệnh nhân ung thư – nhất là những người đang ở giai đoạn ung thư tiến triển hoặc giai đoạn cuối – đều trải qua cảm giác đau đớn khủng khiếp mà không thuốc giảm đau nào có thể giúp ích.

Các bệnh ung thư thường gây đau nhiều nhất đó là ung thư tụy, ung thư não và ung thư mô liên kết (sarcoma). Các bác sỹ thường sẽ kê các loại thuốc giảm đau từ các thuốc giảm đau thông thường cho đến các thuốc giảm đau gây nghiện như morphin, dựa trên tính chất các cơn đau, vị trí đau và nhất là giai đoạn ung thư của bệnh nhân. 

 

Đau dây thần kinh sau zona

Những cơn đau kiểu này thường xuất hiện ở khoảng 10% bệnh nhân bị mắc zona, là một bệnh cũng do virus thủy đậu gây ra. (Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus sẽ tồn tại dưới dạng "ngủ" tại dây thần kinh và có thể hoạt động trở lại vào một thời điểm nào đó để gây bệnh zona về sau.).

Đau do zona đặc trưng bởi cảm giác nóng, rát bỏng tại chỗ có mụn rộp. Cảm giác đau này có thể xuất hiện ngay khi vết mụn nước đang có hoặc sau khi các ban đỏ trên da do zona đã biến mất. Tình trạng đau này rất khó điều trị và nhiều khi thuốc giảm đau cũng không hề giúp ích được gì cho bạn.

 

Đau dây thần kinh sinh ba

Nhiễm trùng, khối u và một số nguyên nhân khác có thể gây ra cơn đau trong các dây thần kinh sinh ba, gây cảm giác đau từ mắt, má, khu vực xung quanh quai hàm đến não. Các cơn đau kiểu này thường gây đau nhói như dao đâm, xảy ra cách nhau khoảng vài phút và ảnh hưởng nhiều nhất đến phần bên phải của khuôn mặt. Thuốc hay được sử dụng để giảm đau trong trường hợp này là thuốc chống động kinh.

 

Viêm bàng quang 

Các bệnh nhân cho biết cơn đau do viêm bàng quang thường gây ra cảm giác bỏng rát liên tục ở vùng chậu. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể đi tiểu tới 60 lần/ngày. Các biện pháp vật lý trị liệu, kích thích dây thần kinh và các loại thuốc giảm đau kháng viêm có thể giúp làm dịu tình trạng này.

 

Hội chứng đau cục bộ phức hợp

Cơn đau thường xảy ra ở các chi sau chấn thương như trật mắt cá chân hoặc gẫy tay. Tình trạng sưng đau thường khởi phát ở một khu vực nhỏ rồi lan xuống các chi, gây cảm giác đau đớn giống như “một ngọn đuốc đang cháy”.

Các bác sỹ vẫn chưa hiểu rõ tại sao một số bệnh nhân lại gặp phải tình trạng này, họ cho rằng một số yếu tố thuộc về gen di truyền có thể đóng vai trò nào đó, và phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới. Liệu pháp phục hồi chức năng, sử dụng thuốc điều trị và kích thích thần kinh có thể giúp kiểm soát tốt cơn đau

 

Đau đầu từng cơn

Những cơn đau đầu theo chu kỳ chưa rõ nguyên nhân, những cơn đau nửa đầu, thường gây ra tình trạng đau nhói một cách đột ngột, hay tập trung ở vùng quanh một mắt hay một bên đầu, đôi khi có cảm giác như có một lưỡi dao đâm xuyên qua đầu. Các cơn đau thường xảy ra hàng tuần hoặc hàng tháng, cá biệt có những bệnh nhân đau đầu hàng ngày trong một khoảng thời gian nào đó.

Theo các bác sỹ, đây được mệnh danh là cơn “đau đầu gây tự tử” bởi vì cơn đau khủng khiếp sẽ khiến bệnh nhân xuất hiện những suy nghĩ muốn tự tử để thoát khỏi những cơn đau. Trong những thời điểm đau khủng khiếp nhất, nhiều bệnh nhân thậm chí muốn đập đầu vào tường hoặc đấm vào đầu, khoan vào đầu với hy vọng chấm dứt cơn đau.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây đau đầu thường chưa được làm rõ, việc sử dụng các thuốc giảm đau steroid hoặc non - steroid, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc chống động kinh có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, hiệu quả không giống nhau ở các bệnh nhân và trong mỗi cơn đau. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top