✴️ Bệnh tâm thần: cách phát hiện và phòng ngừa

Nội dung

Cách phát hiện sớm bệnh tâm thần

Việc phát hiện bệnh sớm hay muộn liên quan đến kết quả điều trị.

– Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh.

– Nếu phát hiện muộn, bệnh tiến triển mạn tính, khó hồi phục.

Việc phát hiện bệnh thường do người thân trong gia đình, người cùng cơ quan, đơn vị, trường học…

Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng từ các triệu chứng nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh đến các triệu chứng loạn thần. 

Giai đoạn đầu thường biểu hiện các triệu chứng nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết dễ phản ứng, khó tập trung, trễ nải trong học tập và công tác. 

Có người buồn chán thiếu quan tâm, xa lánh mọi người. Về sau biểu hiện các triệu chứng loạn thần như ảo giác là tri giác như có thật một sự vật và hiện tượng không có trong thực tế khách quan như nghe tiếng nói mà xung quanh không có ai, lời nói đó có thể khen, chê hoặc mệnh lệnh cho bệnh nhân hoặc bệnh nhân nhìn thấy nhiều người đuổi theo, nhìn thấy thú dữ nhưng thực tế không có, có người biểu hiện hoang tưởng.

Hoang tưởng là những ý tưởng, quan niệm sai lầm, phi lý mà người bệnh cho là đúng, không thể giải thích căn nguyên được, chỉ khi nào bệnh thuyên giảm thì họ mới nhận ra được.

Có nhiều loại hoang tưởng, ví dụ: có người luôn thấy người khác theo dõi, đầu độc, ám hại mình. Có người cho mình có nhiều khuyết điểm, nhiều tội lỗi không đáng sống. Có người lại cho mình tài giỏi, có nhiều phát minh khoa học luôn đòi gặp gỡ cấp trên để trình bày.

Có người cho là mình mắc bệnh hiểm nghèo mà thực ra không có, có người buồn chán nằm vùi đầu suốt ngày, có người vui vẻ quá mức múa hát làm huyên náo, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá, xung động tấn công.

Bệnh tâm thần có chữa được không?

Xưa kia người bị bệnh tâm thần không được xem như người bệnh, bị hắt hủi, đánh đập, không được quan tâm chữa trị chăm sóc khiến người bệnh càng trở nên sa sút, đi lang thang.

Ngày nay với tiến bộ của khoa học, người bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa trị khỏi hoặc thuyên giảm nhiều, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường trong gia đình và xã hội.

Gia đình và người thân cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế, không cúng bái phù phép, không giấu bệnh; Tuân thủ y lệnh của thầy thuốc quản lý và cho uống thuốc đúng liều lượng và thời gian cần thiết. Có trường hợp phải điều trị duy trì hàng năm như vậy người bệnh có thể khỏi hoặc ổn định và sống hòa nhập trong cộng đồng.

Phòng bệnh tâm thần như thế nào?

Bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác nếu có kiến thức về bệnh có thể phòng ngừa được. Cần có các biện pháp loại trừ nguyên nhân gây bệnh tâm thần bao gồm nhiều lĩnh vực.

Phòng chống các nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não như: phòng chống các bệnh nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não và các bệnh nhiễm độc thần kinh như nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông đề phòng chấn thương sọ não.

Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường trong sạch. Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa cha mẹ hoặc anh chị em, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng.

Trong cơ quan, đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau. Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ nặng nề cần có thái độ quan tâm, an ủi, đối xử đúng mức giúp tìm cho họ lối thoát

Đối với bệnh tâm thần nguyên nhân chưa rõ không thể đề phòng tuyệt đối được thì chủ yếu phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời đề phòng biến chứng và tiến triển mạn tính. Đối với bệnh tâm thần mạn tính cần tích cực điều trị thuốc men và phục hồi chức năng, hạn chế tái phát và tiến triển xấu sa sút tâm thần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top