Bánh Doughnut trông rất ngon mắt, nhưng lại chứa rất nhiều chất béo dạng trans (trans fat) – loại chất béo nổi tiếng là không tốt cho sức khỏe bởi có thể gây ra nhiều phản ứng sinh học tiêu cực cho cơ thể, dẫn đến tình trạng thay đổi cảm xúc. Theo WebMD, một chế độ ăn giàu chất béo dạng trans có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của bạn. Thay vào đó, bạn có thể thử thay thế các bữa ăn giàu chất béo bằng các bữa ăn giàu protein hơn.
Chắc hẳn ai cũng thích cảm giác nhấp một ngụm soda mát lạnh và sủi bọt. Nhưng, điều đáng buồn là, soda càng có nhiều đường, thì cơ thể bạn lại càng bị viêm nặng. Bạn thắc mắc tình trạng viêm liên quan gì đến tâm trạng đúng không? Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Psychiatry, một tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, chỉ ra rằng, trầm cảm có liên quan với mức độ viêm cao tại não. Nếu bạn là tín đồ hảo ngọt, bạn có thể thay việc uống soda bằng việc nhấm nháp một chút socola đen – loại không có đường và là một loại siêu thực phẩm cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tinh thần nói riêng.
Khoai tây không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở lượng muối có trong món khoai tây chiên. Một chế độ ăn nhiều muối có thể gây đầy hơi, dù đầy hơi không phải là một vấn đề y tế quá nghiêm trọng nhưng có thể sẽ khiến bạn ở trong tâm trạng không tốt. Để giúp bạn chống lại một chế độ ăn nhiều muối, bạn hãy uống thật nhiều nước. Hoặc tốt nhất, hãy thay thế một chế độ ăn nhiều muối bằng một chế độ ăn khác, ít muối hơn, sẽ tốt cho cả sức khỏe và tâm trạng của bạn.
Mặc dù chưa có mối liên quan được định nghĩa chính xác giữa caffein và bệnh trầm cảm, nhưng loại chất kích thích phổ biến này có thể khiến tình trạng mất ngủ của bạn nặng hơn, và theo Mayo Clinic, thì thiếu ngủ và lo lắng về tình trạng mất ngủ của mình, có thể làm tăng triệu chứng của bệnh trầm cảm. Hãy cố gắng hạn chế, chỉ uống 1 ly cà phê một ngày, và trong một ngày, thì bạn nên uống cà phê càng sớm càng tốt.
Quá nhiều đồ uống có cồn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của bạn. Theo Royal College of Psychiatrists, đồ uống có cồn có thể gây ra sự mất cân bằng các chất hóa học trong não, và làm tăng nguy cơ bị trầm cảm. Thêm vào đó, uống quá nhiều đồ uống có cồn có thể gây ra các vấn đề liên quan đến xã hội, dẫn đến sự tách biệt với xã hội và có thể gây ra trầm cảm. Bản thân việc say xỉn cũng có thể sẽ khiến những ngày tiếp theo của bạn luôn ở trong trạng thái ủ rũ và lo âu. Bạn chỉ nên uống 1-2 ly rượu vang đỏ vào buổi tối.
Các bữa ăn chế biến sẵn, chỉ cần quay lò vi sóng một vài phút là ăn được, rất thuận tiện, nhưng theo tạp chí y khoa British Journal of Psychiatry, tiêu thụ lượng lớn thực phẩm chế biến sẵn có liên quan tới việc tăng nguy cơ trầm cảm. Thay vào đó, hãy thử món mỳ luộc và thêm một chút sốt cà chua tươi và ăn cùng một chút rau đông lạnh. Bạn vẫn có thể có một bữa tối ngon lành, bổ dưỡng mà cũng chỉ mất khoảng 20 phút để chuẩn bị.
Nếu bạn bị bệnh celiac, ăn gluten – một loại protein có trong lúa mỳ và ngũ cốc (như lúa mạch, yến mạch) có thể sẽ khiến tâm trạng bạn thay đổi, ngoài việc có ảnh hưởng không tốt đến đường ruột của bạn. Tuy nhiên, kể cả khi bạn không mắc bệnh celiac, bạn vẫn có thể mắc phải tình trạng không dung nạp gluten và khi đó, gluten có thể sẽ làm tăng cao nguy cơ trầm cảm của bạn. Nếu bạn không chắc gluten có phải là yếu tố ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn không, hãy thử cắt giảm gluten trong bữa ăn khoảng 1 tuần và xem xem, liệu các triệu chứng trầm cảm của bạn có được cải thiện hay không.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh