Chế độ ăn cho người mắc bệnh sương mù não

Sương mù não không phải là một chẩn đoán y tế, mà là mô tả các triệu chứng của bệnh nhân có cảm giác giống như bị bao phủ bởi một màn sương mù dày đặc, không thể nắm bắt được, cảm thấy bối rối hoặc mất phương hướng và gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc nhớ lại ký ức.

Thuật ngữ sương mù não thường được gọi là "rối loạn chức năng nhận thức". Điều này mô tả các vấn đề như kém tập trung, chậm xử lý thông tin, suy giảm trí nhớ, kém nhạy bén trong suy nghĩ và lý luận cũng như hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ.

Nguyên nhân gây sương mù não

Dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua khiến nhiều người lo lắng kéo dài dẫn đến stress, thậm chí sang chấn tâm lý nặng nề gây ra một loạt các rối loạn tâm thần. Gần đây, số người có hiện tượng giảm trí nhớ, suy nghĩ chậm chạp sau khi mắc COVID-19 đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Sau mắc COVID-19, một số bệnh nhân có triệu chứng "sương mù não" ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin. Trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân, BS Hoàng nhận thấy những bệnh nhân có hiện tượng sương mù não chiếm khoảng 20-30% bệnh nhân đến khám.

Có nhiều nguyên nhân gây sương mù não, có thể kể đến như:

  • Thứ nhất là sương mù não liên quan đến lo lắng, căng thẳng khi bị COVID-19. Sau khi khỏi, nhiều người vẫn lo lắng, căng thẳng vấn đề hậu COVID làm co thắt các mạch máu khiến cho lượng máu lên não giảm gây các triệu chứng nhớ nhớ quên quên, chậm chạp trong suy nghĩ.
  • Nguyên nhân thứ 2 gây sương mù não liên quan đến tình trạng thiếu máu, rối loạn đông máu, tình trạng vi huyết khối sau mắc COVID-19.
  • Nguyên nhân thứ 3 có thể do viêm của hệ thần kinh do COVID và hậu COVID-19.

Tình trạng sương mù não có thể xảy ra như một triệu chứng của một căn bệnh tiềm ẩn, tác dụng phụ của thuốc, dị ứng tiềm ẩn, thiếu ngủ, mất nước và thậm chí là ăn quá nhiều.

Khi bị sương mù não, bạn thường cảm giác mệt mỏi về tinh thần làm cạn kiệt năng lượng của bạn, khiến bạn kém tập trung và ngăn cản bạn tập trung suy nghĩ. Tình trạng sương mù não kéo dài có thể khiến thị lực suy giảm, mắt nhìn mờ, mỏi mắt, đau đầu, giảm hiệu suất trí tuệ,… ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày.

 

Một số thực phẩm giúp đẩy lùi các triệu chứng của sương mù não

Những người gặp triệu chứng sương mù não cần tăng cường luyện tập thể dục thể thao để tăng cường lượng máu lưu thông. Bạn có thể tập gym, tham gia các lớp yoga, đạp xe, chạy, vận động nhẹ nhàng hoặc làm việc nhà cũng được tính là vận động.

Mọi người nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý. Cần bổ sung các loại thực phẩm chống oxy hóa, các loại thực phẩm bổ gan, bổ não để cơ thể hồi phục tốt. Điều quan trọng là giữ cho bộ não của bạn được cung cấp đủ năng lượng, được nuôi dưỡng và cung cấp oxy bằng các loại thực phẩm phù hợp.

Uống đủ nước

Nước rất quan trọng đối với tất cả các hoạt động của các tế bào bào và toàn bộ hệ thống cơ thể con người. Nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong chức năng của não - khoảng 75% các quá trình hoạt động trong não diễn ra khi có nước.

Uống đủ lượng nước cũng sẽ giúp tinh thần minh mẫn và tập trung hơn, giúp ngăn ngừa chứng đau đầu và giúp loại bỏ chất thải tế bào tích tụ trong máu và di chuyển lên não.

Tăng cường thực phẩm giàu omega-3

Omega-3 là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho não và hệ thần kinh. Chúng được gọi là thiết yếu vì cơ thể chúng ta không tạo ra chúng, vì vậy con người cần lấy chúng từ chế độ ăn uống hàng ngày.

Omega-3 có rất nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có thể giúp giảm viêm, bảo vệ màng tế bào, cải thiện nhận thức và trí nhớ, đồng thời hỗ trợ ổn định tâm trạng.

Các nguồn omega-3 tốt nhất là cá béo (cá hồi, gan cá tuyết, cá trích, cá thu và cá mòi), động vật có vỏ (tôm, hàu, trai và sò điệp) hoặc dầu nhuyễn thể. Bạn cũng có thể nhận được omega-3 từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như hạt lanh, hạt chia hoặc quả óc chó; tuy nhiên, quá trình chuyển hóa của chúng sang dạng có thể hấp thụ thấp hơn nhiều so với nguồn từ động vật.

Thực phẩm giàu flavonoid

Flavonoid là các hợp chất có nguồn gốc thực vật có đặc tính chống oxy hóa. Chúng quét sạch chất thải tế bào độc hại có hại trong cơ thể được gọi là các gốc tự do. Các gốc tự do làm hỏng các tế bào não và DNA thông qua một quá trình gọi là oxy hóa, góp phần gây ra các triệu chứng liên quan đến sương mù não.

Flavonoid được tìm thấy trong một số loại trái cây và rau có khả năng cải thiện trí nhớ và chức năng não, do đó giúp giảm các triệu chứng liên quan đến sương mù não. Các loại trái cây như nho, lựu, dâu tây và việt quất đã được chứng minh là cải thiện nhiều khía cạnh của trí nhớ và học tập, chẳng hạn như thu nhận trí nhớ nhanh và chậm, trí nhớ làm việc ngắn hạn, trí nhớ tham chiếu dài hạn cũng như khả năng lưu giữ và truy xuất dữ liệu trí nhớ.

Thực phẩm giàu quercetin

Quercetin là một flavonol (một loại phụ của flavonoid) được tìm thấy trong thực vật và được biết đến với đặc tính chống oxy hóa. Điểm độc đáo của quercetin là khả năng ngăn chặn giải phóng histamine 1 - tác nhân chính gây dị ứng có thể gây ra triệu chứng sương mù não.

Thực phẩm giàu quercetin bao gồm bạch quả, hành tây, hẹ, táo đỏ, cải xoăn, trái cây họ cam quýt, ớt chuông (xanh và vàng), măng tây, hạnh nhân, hạt dẻ cười và kiều mạch.

Socola đen

Ca cao có trong socola đen là một flavonol, đã được chứng minh là làm tăng lưu lượng máu đến não, cung cấp cho não nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và oxy dồi dào. Các nghiên cứu đã chỉ ra flavonol có trong ca cao cải thiện chức năng nhận thức và kiểm soát huyết áp ở người lớn tuổi, hỗ trợ tim, cải thiện sự tập trung, thậm chí có thể giúp ổn định tâm trạng.

Ngoài các biện pháp nâng cao thể trạng như tập thể dục, chế độ ăn uống, thực hiện các chiến lược làm giảm căng thẳng như: ngủ đủ giấc và đúng giờ, thư giãn; suy nghĩ tích cực, chế độ , tránh các chất tác động tâm thần như rượu, bia, chất kích thích,... nếu tình trạng sương mù não không thuyên giảm, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị thích hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top