ĐẠI CƯƠNG
Sóng F (F- Wave): các xung điện truyền trong sợi thần kinh theo hai chiều. Khi kích thích dây thần kinh, các xung điện truyền tới thân tế bào nằm trong tuỷ sống và kích thích thân tế bào. Thân tế bào bị kích thích này sẽ hình thành các xung điện truyền ngược lại trên cùng một dây thần kinh đến các sợi cơ. Đây gọi là sóng F.
Phản xạ Hoffmann (phản xạ H) là phản xạ đơn của synap thần kinh và thường chỉ đo được ở vài cơ. Phản xạ H được tạo ra so với kích thích sợi Ia của thần kinh chày hoặc giữa, đi qua hạch rễ sau, và chuyển qua synap trung tâm đến sừng trước tủy rồi đi tới cơ theo sợi trục vận động alpha.
CHỈ ĐỊNH
Chỉ định đo phản xạ H
Phản xạ H là tiêu chuẩn chẩn đoán sớm để chẩn đoán hội chứng Guillain Barre - Gián tiếp chẩn đoán xem có hiện tượng chèn ép tủy trên khoanh tủy chi phối.
Chẩn đoán bệnh lý rễ S1 (chênh lệch thời gian tiềm 2 bên > 1,5ms), cổ 7.
Ứng dụng trong du hành trong không gian trong trạng thái không trọng lượng kéo dài. Điều này có thể làm giảm chức năng vận động của hai chân sau chuyến bay dài ngày: ứng dụng phản xạ H để nghiên cứu về tính chịu kích thích của tủy sống.
Chỉ định đo sóng F
Sóng F có thể cho biết tình trạng không những các dây thần kinh vận động (motor nerves), mà còn cho biết tình trạng của dây thần kinh vận động gần và sừng trước tủy trong tủy sống.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
01 bác sĩ, 01 kỹ thuật viên (KTV).
Vật tư sử dụng trong đo Điện cơ.
Người bệnh
Người bệnh được giải thích về cách tiến hành thủ thuật.
Hồ sơ bệnh án
Cần ghi rõ tên tuổi địa chỉ, giới tính, chẩn đoán lâm sàng, ngày giờ ghi điện cơ.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Kiểm tra hồ sơ
Đối chiếu hồ sơ bệnh án và người bệnh.
Kiểm tra người bệnh
Người bệnh ở tư thế thư giãn cơ và chuẩn bị máy.
Thực hiện kỹ thuật
Đo tốc độ.
Sóng F
Đặt điện cực tương tự trong đo dẫn truyền vận động nhưng điện cực kích thích phải để cực âm hướng về gốc chi, còn cực dương ở hướng ngọn dây thần kinh. Cường độ kích thích trên mức tối đa (120%). Sóng F xuất hiện một cách ngẫu nhiên sau sóng M (sóng cơ) tại những điểm với các hình dạng khác nhau.
Phản xạ Hoffman
Đặt điện cực ghi ở cơ dép, kích thích điện vào thân dây thần kinh ở hố khoeo, vị trí đặt điện cực như trong đo dẫn truyền vận động nhưng điện cực âm ở phần gốc (quay điện cực kích thích 180°). Cường độ kích thích trên tối đa tìm sóng F rồi giảm dần tìm phản xạ H hoặc cường độ kích thích rất nhỏ tìm phản xạ H rồi tăng dần cho đến phát hiện sóng F.
ĐÁNH GIÁ, GHI HỒ SƠ VÀ BÁO CÁO
Tình trạng người bệnh sau khi ghi điện cơ đồ.
Ngày giờ ghi điện cơ đồ.
Nhận xét kết quả
Sóng F
Hình dạng khác và thấp hơn sóng M và luôn thay đổi, thường dưới 5% của M. Nếu thời gian tiềm của sóng F kéo dài một cách bất thường thì có thể đoạn bệnh lý nằm ở đoạn gốc dây thần kinh, các đám rối thần kinh hoặc rễ trước.
Tổn thương đám rối cánh tay, sóng F tại dây giữa và trụ có thời gian tiềm dài ra và tần số giảm xuống. Trong hội chứng Guillain Barre giai đoạn sớm thời gian tiềm sóng F kéo dài ra rõ rệt hoặc mất hẳn thậm chí ngay cả khi dịch tủy bình thường.
Phản xạ H
Cường độ thấp, thời gian tiềm không thay đổi, hình dạng gần giống M và ổn định. Biên độ cao 50%-100% tối đa M.
Tăng cường độ kích thích biến mất và thay bằng F, trên 1,5ms. Phản xạ H ở cơ dép/cơ sinh đôi cẳng chân giúp khả năng khảo sát tổn thương rễ S1, ở cơ gấp cổ tay quay cho thông tin về dẫn truyền cảm giác hướng tâm đoạn gần gốc của rễ cổ 6 và 7.
Mất phản xạ H là dấu hiệu sớm để chẩn đoán hội chứng Guillain Barre.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vũ Anh Nhị, Lê Minh, Lê Văn Thính, Nguyễn Hữu Công (2010). "Bệnh học Thần kinh - Cơ (Sau Đại học)". Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 245 trang.
Nguyễn Hữu Công (1998). "Chẩn đoán điện và bệnh lý thần kinh - cơ". Nhà xuất bản Y học, 165 trang.
Nguyễn Hữu Công (2013). "Chẩn đoán điện và ứng dụng lâm sàng". Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 125 trang.
Junkimura (2001). "Electrodiagnosis in diseases of nerver and muscles.
Principles practice". 991 pages.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh