✴️ Mất ngủ mãn tính và những hệ lụy với sức khỏe

1. Thế nào là mất ngủ mãn tính?

Hiện nay, mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc rất phổ biến bắt gặp ở rất nhiều lứa tuổi do nhiều nguyên nhân khác gây nên. Mất ngủ mãn tính là tình trạng mất ngủ kéo dài trên 1 tháng và thường xuyên xảy ra, lặp đi lặp lại. Người bệnh thường rơi vào tình trạng khó vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ suốt đêm. Họ thường thức dậy rất sớm, trằn trọc và khó đi vào giấc ngủ sâu. Còn mất ngủ cấp tính là tình trạng mất ngủ dưới 1 tháng trong thời gian ngắn.

Theo ước tính, có tới 10-15% dân số gặp phải tình trạng mất ngủ. Ở Mỹ tỷ lệ gặp phải ở nhóm người mắc bệnh cao huyết áp là 44%  nhiều hơn so với người bình thường chỉ có 19,3%.

Mất ngủ mãn tính gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

2. Nguyên nhân gây mất ngủ kinh niên

2.1. Mất ngủ mãn tính do các yếu tố bệnh lý

– Các bệnh lý về xương khớp: Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng ít nhiều khi người bệnh mắc phải bị đau nhức xương khớp, thoái hóa các đốt sống, loãng xương,… Những căn bệnh này gây nên tình trạng đau nhức, khó chịu về đêm.

– Các bệnh lý về hô hấp như: hen phế quản gây khó thở, ho nhiều cũng làm suy giảm chất lượng giấc ngủ.

– Bệnh lý về tim mạch: huyết áp cao, suy tim, thiếu máu cơ tim,…gây đau tức vùng ngực, khó thở.

– Bệnh lý về tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng,…

– Bệnh tâm thần: bệnh nhân thường dễ bị mất ngủ hơn người bình thường do yếu tố thần kinh bị ảnh hưởng.

– Bệnh đường tiết niệu: sỏi thận, soi bàng quang, đái tháo đường,… gây tiểu nhiều về đêm.

 

2.2. Mất ngủ mãn tính do tác động của môi trường sống

Một số yếu tố tác động tới giấc ngủ của chúng ta như: nơi ồn ào, đông người, chật chội, nơi mất vệ sinh và an toàn trật tự xã hội,…

 

2.3. Mất ngủ do chế độ sinh hoạt

Đôi khi mất ngủ chỉ do chúng ta ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Nhiều lúc do người bệnh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, chè,…làm ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ.

 

2.4. Mất ngủ do rối loạn tâm sinh lý

– Do bệnh nhân thay đổi hormone trong thời kỳ kinh nguyệt

– Do bị stress, căng thẳng trong học tập, công việc, người bệnh thường lo lắng và suy nghĩ nhiều dẫn tới khó ngủ

 

2.5. Mất ngủ do chức năng các cơ quan trong cơ thể bị suy giảm

Đây là nguyên nhân chính gây ra mất ngủ và rất khó tránh khỏi. Đặc biệt tình trạng này gặp nhiều ở người lớn tuổi, do tuổi cao các chức năng trong cơ thể cũng dần suy giảm, đặc biệt ở hệ thần kinh trung ương. Vì thế, người già thường mất ngủ, khó ngủ và trằn trọc cả đêm.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn tới mất ngủ kéo dài như:

– Người bệnh khi bị mất ngủ thường cảm thấy lo lắng, bất an cho giấc ngủ của mình. Điều này cũng là nguyên nhân khiến bệnh tình nặng hơn

– Cố gắng để ngủ nhưng không thể ngủ, thậm chí có người còn thức trắng đêm. Nhưng khi thức quá lâu như vậy sẽ khiến người bệnh rất mệt mỏi, có thể thiếp đi lúc nào không hay. Lúc này tình trạng mất ngủ lại càng nặng nề và tồi tệ hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài như: yếu tố bệnh lý, yếu tố môi trường,…

 

3. Triệu chứng của hiện tượng mất ngủ kinh niên

Khi người bệnh bị mất ngủ mãn tính thường xuất hiện một số triệu chứng như:

– Thức khuya, trằn trọc khó ngủ, dễ thức giấc và khó ngủ lại

– Cơ thể mệt mỏi do thiếu ngủ sau khi thức dậy

– Luôn lờ đờ, thiếu tỉnh táo và buồn ngủ vào ban ngày

– Luôn lo lắng, khó chịu, dễ cáu gắt, nóng giận

– Hay căng thẳng, stress

– Thiếu tập trung trong công việc

– Đôi khi xuất hiện ảo giác nhìn thấy những thứ không có thực

Ở mỗi bệnh nhân, những triệu chứng này thường xuất hiện khác nhau phụ thuộc vào tình trạng mất ngủ của người bệnh. Tuy nhiên khi thấy có bất kì dấu hiệu bất thường nào, người bệnh nên tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị sớm nhất.

 

4. Đối tượng dễ mắc bệnh mất ngủ thể mãn tính

Mất ngủ kinh niên sẽ không bỏ qua một ai và xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Thế nhưng, đối tượng thường dễ bị mất ngủ thể mãn tính là:

– Những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý nội khoa

– Người luôn làm việc trong môi trường căng thẳng, stress kéo dài

– Người thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, chè, thuốc lá,…

 

5. Phương pháp điều trị mất ngủ kéo dài

Để việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn, trước hết người bệnh cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh, sau đó mới có phác đồ điều trị phù hợp như:

– Liệu pháp tâm lý: đây là một liệu pháp có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh mất ngủ hiện nay

– Giảm căng thẳng, stress bằng việc tập yoga, ngồi thiền, tập dưỡng sinh,…

– Cần có chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt phù hợp để loại bỏ những tác động gây bệnh

Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc có tác dụng an thần để hỗ trợ trong việc điều trị. Tuy nhiên thuốc sẽ để lại một số tác dụng ngoài ý muốn. Vì vậy. khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tốt nhất nên đi khám tại chuyên khoa nội thân kinh để được bác sĩ các bác sĩ chẩn đoán và kê đơn phù hợp.

Mất ngủ sẽ không quá nghiêm trọng nếu chúng ta phát hiện và điều trị sớm, bởi nếu kéo dài sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống

 

6. Phòng ngừa mất ngủ

Một số biện pháp có thể giúp chúng ta phòng ngừa bệnh mất ngủ thể mãn tính là:

– Thay đổi chế độ sinh hoạt hằng ngày bằng việc đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Điều này sẽ giúp bạn đi vào thói quen sinh hoạt hằng ngày.

– Không ngủ trưa quá nhiều vì nếu ngủ nhiều sẽ giúp bạn khó khăn hơn trong việc đi ngủ vào ban đêm.

– Nên ngủ trong phòng yên tĩnh, tránh tiếng ồn, ánh sáng,..để không cản trở giấc ngủ. Nên sử dụng rèm cửa cản nắng để ngăn chặn ánh sáng.

– Tránh sử dụng các chất kích thích, hạn chế cafe, rượu bia và thuốc lá,…trước khi đi ngủ

– Tránh làm việc căng thẳng, áp lực và tránh những stress mệt mỏi trong công việc và học tập.

Như vậy bài viết vừa rồi đã cung cấp một số thông tin về bệnh mất ngủ mãn tính. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp mọi người phòng ngừa được căn bệnh này. Bởi chỉ cần thay đổi thói quen sống và chế độ dinh dưỡng cũng sẽ giảm thiểu các yếu tố gây bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top