Người bị mất ngủ thường dễ dàng nhận biết bệnh qua một số dấu hiệu điển hình như: trằn trọc, khó ngủ, giấc ngủ không sâu, hay tỉnh giấc một hoặc nhiều lần trong đêm và rất khó để ngủ lại. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra vào ban ngày đối với người phải làm việc ca đêm và ngủ ngày.
Thời gian diễn ra tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc ở mỗi người là khác nhau. Người bệnh có thể chỉ thức dậy trong vài phút sau đó ngủ tiếp được ngay nhưng cũng có thể mất khá nhiều thời gian để ngủ lại. Bên cạnh đó, dấu hiệu ngủ không sâu giấc còn thể hiện qua hiện tượng ngủ chập chờn, nửa tỉnh nửa mê hoặc mơ nhiều.
Có nhiều trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ khó nhận biết được tình trạng ngủ không sâu giấc. Nguyên nhân là do những người mắc hội chứng này sẽ thấy xuất hiện những lần thở hụt hơi lặp đi lặp lại và làm gián đoạn tới giấc ngủ ban đêm. Trong khi đó, những kích thích hô hấp này thường diễn ra trong thời gian ngắn và ở mức độ nhẹ nên rất khó nhận ra. Đôi khi, người bệnh này chỉ có thể nhận biết tình trạng ngủ không sâu giấc khi cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
Tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc đơn giản có thể chỉ là do căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, cụ thể đó là:
Bệnh mất ngủ có nguy cơ ảnh hưởng đến 23 – 24% người trưởng thành, đồng thời làm gia tăng nguy cơ căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, trầm cảm, suy giảm các chức năng có liên quan. Thậm chí mất ngủ kéo dài còn có thể trở thành mạn tính và gây ra một số ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là có khả năng dẫn đến tử vong.
Căng thẳng, stress, lo lắng và trầm cảm có thể làm cản trở nhịp sinh học và gây rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, sự lo lắng và căng thẳng kéo dài còn có nguy cơ làm người bệnh thức trắng cả đêm. Nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 90% những người thường xuyên bị lo âu, suy nghĩ nhiều thường khó ngủ và mất ngủ vào ban đêm.
Trầm cảm là một trong những bệnh lý tâm – thần kinh có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng của não bộ, bao gồm chu kỳ của giấc ngủ. Đồng hồ sinh học bị thay đổi có thể dẫn đến nhịp thức – ngủ diễn ra thất thường, làm người bệnh khó đi vào giấc ngủ hơn. Theo thống kê, có khoảng 50 – 90% những người mắc chứng trầm cảm thường rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên.
Mất ngủ, giấc ngủ không sâu khiến người bệnh mệt mỏi vào buổi đêm về sáng và có thể cảnh báo bệnh rối loạn tiền đình. Thức giấc mở mắt nhìn mọi vật xung quanh có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn… đều là những triệu chứng ban đầu của bệnh này.
Thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng lượng máu lên não bị giảm đi, làm giảm sự cung cấp oxy cùng các chất dinh dưỡng nuôi não, khiến tế bào thần kinh não thiếu năng lượng để hoạt động. Từ đó làm ảnh hưởng tới các hoạt động chức năng của não, bao gồm cả giấc ngủ. Chính vì vậy, tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, giảm chất lượng giấc ngủ là một trong những triệu chứng dễ nhận biết của chứng thiểu năng tuần hoàn não.
Hiện tượng ngáy, ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn hô hấp có liên quan tới tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Hội chứng ngưng thở khi ngủ đang diễn ra ngày càng phổ biến và gây nguy hiểm cho người bệnh, bởi tình trạng này có thể liên quan tới nhiều vấn đề sức khỏe khác (đặc biệt tập trung ở người trung niên).
Bệnh cường giáp xảy ra làm rối loạn quá trình trao đổi chất và kích thích hệ thống thần kinh. Điều này dẫn đến hiện tượng run rẩy, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, nhịp tim tăng nhanh kèm theo lo lắng. Các triệu chứng này làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
Người bị viêm khớp dạng thấp hay đau cơ xơ hóa là những đối tượng thường xuyên gặp tình trạng mất ngủ. Thông thường những người bị đau cơ xơ hóa đều xuất hiện các triệu chứng bệnh khác như hội chứng chân không yên hay chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này dẫn đến rối loạn giấc ngủ và gây ra bệnh mất ngủ. Ngoài ra, giấc ngủ kém chất lượng còn có thể làm tăng hormone căng thẳng, khiến cho tình trạng đau khớp trở nên tồi tệ hơn.
Hầu hết người bị trào ngược dạ dày thực quản đều có dòng axit và thức ăn chảy vào thực quản. Điều này dẫn đến hiện tượng ợ nóng và trào ngược axit khi ở tư thế nằm, đặc biệt xảy ra tập trung vào ban đêm. Tình trạng này không chỉ làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ mà còn có thể dẫn đến bệnh mất ngủ.
Người bệnh bị mất ngủ có thể thay đổi thói quen và lối sống để có một giấc ngủ tốt hơn. Một số lời khuyên cho giấc ngủ chất lượng bao gồm:
– Lên lịch đi ngủ và thức dậy vào giờ nhất định.
– Chọn gối ngủ vừa phải, tránh quá cao hay quá thấp.
– Đảm bảo giường đệm sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên ga gối để đảm bảo giấc ngủ ngon nhất.
– Duy trì tư thế ngủ đúng.
– Tắt tất cả nguồn ánh sáng xanh như điện thoại, tivi, máy tính… để tránh làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
– Tránh xa caffeine trong tất cả các loại thực phẩm và đồ uống.
– Tránh sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn giàu năng lượng hay đồ ăn vặt trước khi ngủ.
– Tập thể dục thể thao mỗi ngày nhưng không nên tập ngay trước khi đi ngủ.
– Bổ sung các loại thực phẩm giúp hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả.
– Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, lo lắng ra khỏi tâm trí để thư giãn vào giấc ngủ.
– Tự giảm bớt khối lượng công việc vào cuối ngày.
Nếu tình trạng mất ngủ ngủ không sâu giấc vẫn kéo dài mà không được cải thiện dù đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, người bệnh nên tới bệnh viện để thăm khám và điều trị phù hợp. Bởi đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo cho một số bệnh lý và tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh