Phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Hệ thần kinh thực vật của con người gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Hai hệ này bình thường sẽ có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hai hệ thống này về cơ bản gần như trái ngược nhau nhưng đôi khi có tác dụng hiệp đồng ở phạm vi hẹp.

 

Vì sao bị rối loạn thần kinh thực vật?

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như: các bệnh tự miễn, các cuộc tấn công hệ thống miễn dịch và thương tổn các bộ phận của cơ thể, dây thần kinh; Do sự tấn công hệ miễn dịch của một số bệnh ung thư; Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể; Tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc do xạ trị; Tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc tim mạch; Bệnh mạn tính như bệnh Parkinson; Một số bệnh truyền nhiễm: do virut và vi khuẩn, như ngộ độc thức ăn, bệnh bạch hầu… Rối loạn di truyền; Rối loạn tâm sinh lý: các sang chấn tinh thần, thủ dâm quá nhiều ở cả nam và nữ…

 

Biểu hiện của bệnh

Khi bị rối loạn thần kinh thực vật, tùy theo mức độ bệnh lý mà mỗi bệnh nhân biểu hiện ra các triệu chứng khác nhau, thậm chí nhiều người vẫn cuộc sống bình thường.

Đánh trống ngực, hồi hộp: Đây được coi là biểu hiện dễ nhận biết và thường gặp nhất. Nếu bạn thấy nhịp tim của mình nhanh bất thường, cảm giác như tim sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Cảm giác luôn hồi hộp, tình trạng này xảy ra liên tục dễ khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng; Khó thở: người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, hụt hơi và phải rướn người ra để thở hoặc hít thở sâu mới cảm thấy dễ thở hơn. Tình trạng khó thở sẽ tăng mạnh khi ở nơi đông đúc, ồn ào; Đau ngực: đau, nóng và rát ở vùng ngực, thậm chí là đau nhói hoặc đau thắt ngực; Chóng mặt: Cảm giác choáng váng, đứng không vững hoặc như muốn ngất xỉu, cơ thể lả đi; Tăng không khí: các triệu chứng ban đầu như tê cứng và ngứa ran ở vùng xung quanh miệng, sau đó người bệnh sẽ cảm thấy lo âu, hốt hoảng, thở gấp và dễ bị ngất; Tay chân run và đổ mồ hôi: triệu chứng này sẽ xuất hiện khi người bệnh bị hốt hoảng và nhịp tim đập nhanh; Cơ thể mệt mỏi: người bệnh luôn cảm thấy uể oải và thiếu sức sống; Mất ngủ: vì luôn ở tình trạng lo lắng, bồn chồn vô cơ dẫn đến việc trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Ngoài ra còn kèm theo một số triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô bong tróc, giảm ham muốn tình dục.

 

Rối loạn thần kinh thực vật có chữa được không?

Hiện nay, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay thì mới chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh.

Về thuốc tác dụng trên hệ thần kinh thực vật, các loại thuốc thường được dùng để điều trị rối loạn thần kinh thực vật gồm: Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ và các rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh động ruột, thuốc tim mạch, thuốc giảm tiết mồ hôi.

Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi hơn.

Rối loạn thần kinh thực vật cách điều trị cũng như đối phó phổ biến hiện nay với căn bệnh này vẫn là điều trị nội khoa và ngoại khoa. Ngoài việc dùng các loại thuốc đặc trị như sinh tố B, thuốc canxi, thuốc an thần, người bệnh có thể kết hợp cách chữa Đông y như châm cứu, liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh. Uống thuốc chống suy nhược cơ thể, thuốc hạ huyết áp cũng có tác dụng trong phác đồ điều trị. Về ăn uống, hạn chế thức ăn mặn, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đặc biệt là nên sống vui vẻ, lạc quan, thoải mái, không quá lo nghĩ, đồng thời đừng quên tập thể dục thường xuyên để rèn luyện sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top