Tiền đình đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng. Cụ thể, bộ phận này giúp duy trì trạng thái thăng bằng khi cơ thể hoạt động phối hợp các bộ phận như mắt, tay, chân, thân mình…để cử động.
Rối loạn tiền đình là tình trạng khả năng tiếp nhận và truyền dẫn thông tin của tiền đình bị rối loạn, thường là do tắc nghẽn dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương. Điều này khiến tiền đình mất đi khả năng giữ thăng bằng, cơ thể không đứng vững, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đầu óc quay cuồng, buồn nôn…
Các triệu chứng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cho người bệnh rất khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Rối loạn tiền đình thường được phân chia thành 2 loại tùy vào đặc điểm bao gồm:
– Rối loạn tiền đình ngoại biên: Xuất hiện do tổn thương hệ tiền đình ngay tại vùng tai trong. Các triệu chứng thường xuất hiện rầm rộ, bệnh nhân chóng mặt và mất thăng bằng nhanh chóng nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng.
– Rối loạn tiền đình trung ương: Rối loạn tiền đình trung ương thường do các tổn thương nhân tiền đình ở thân não, tiểu não. Nhóm bệnh này ít gặp và các triệu chứng không rầm rộ. Tuy nhiên, nhóm bệnh này thường nguy hiểm và khó chữa hơn so với rối loạn tiền đình ngoại biên.
Triệu chứng của rối loạn tiền đình phụ thuộc vào loại rối loạn tiền đình và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Đối với rối loạn tiền đình ngoại vi, người bệnh thường có biểu hiện rõ nhất là chóng mặt có hệ thống: Các vật quay xung quanh người bệnh hoặc ngược lại, biểu hiện rõ nhất khi người bệnh thay đổi tư thế, nhất là khi đứng lên ngồi xuống đột ngột hay khi vừa ngủ dậy. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp một số triệu chứng như:
– Cơ thể mất thăng bằng, choáng váng, đầu óc quay cuồng
– Rối loạn thị giác: Hoa mắt, chóng mặt, mất phương hướng
– Ù tai, có thể suy giảm thính lực nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm
– Cảm giác buồn nôn hoặc nôn
– Hạ huyết áp, người mệt mỏi, mất ngủ và thiếu tập trung
Đối với rối loạn tiền đình trung ương, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:
– Chóng mặt mức độ nhẹ, không dữ dội, có cảm giác bồng bềnh như trên sóng
– Bệnh nhân thường không thể đi thẳng, hay đi theo hình ziczac hoặc như người say rượu
– Không thể thực hiện động tác chính xác như khi lật sấp bàn tay, chỉ ngón tay
– Đôi khi có thay đổi giọng nói khi phát âm một số âm khác nhau
Để điều trị rối loạn tiền đình một cách hiệu quả, đầu tiên người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Theo đó, một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới rối loạn tiền đình bao gồm:
– Do các bệnh lý về tim mạch gây tắc nghẽn mạch máu, làm giảm lưu lượng máu lưu thông đến não
– Do căng thẳng, mất ngủ, áp lực công việc làm tổn thương hệ thần kinh,nhất là khi dây thần kinh số 8 bị tổn thương sẽ khiến hệ thống tiền đình nhận tín hiệu sai lệch gây rối loạn
– Do hậu quả từ các bệnh lý về não như u não, u dây thần kinh, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa…
– Suy giảm chức năng ở một số cơ quan khác nhau do tuổi tác
– Thừa cân hoặc nhẹ cân quá mức cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn tiền đình
– Bị mất máu nhiều, do uống rượu bia, cơ thể bị nhiễm độc hoặc do sử dụng một số loại thuốc
– Sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, do thời tiết chuyển mùa hay do lối sống ít vận động
Để đảm bảo sức khỏe cũng như cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình hiệu quả, người bệnh cần lưu ý một số điều như sau:
– Tuân thủ tuyệt đối theo sự hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng và đầy đủ theo đơn. Các loại thuốc và liều lượng sử dụng của từng người là khác nhau. Do vậy bạn nên đến thăm khám tại các chuyên khoa để được kiểm tra, xét nghiệm cận lâm sàng. Từ đó xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của bệnh.
– Tập các bài tập phục hồi chức năng giúp tăng cường hoạt động phối hợp các bộ phận trên cơ thể. Việc này giúp não nhận biết tín hiệu và xử lý các tín hiệu từ tiền đình hiệu quả hơn.
– Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp tuần hoàn máu não được ổn định hơn. Đồng thời giảm bớt áp lực, căng thẳng cho người bệnh.
– Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Tránh làm việc quá sức gây căng thẳng, mệt mỏi.
– Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Để cải thiện chứng rối loạn tiền đình, bạn nên ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
Trên đây là những thông tin về rối loạn tiền đình là gì triệu chứng ra sao mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý, những kiến thức này không thể thay thế việc thăm khám tại các chuyên khoa nội thần kinh. Hãy đi khám thường xuyên để điều trị sớm và đúng hướng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh