✴️ Rối loạn tiền đình nên nằm gối cao hay thấp?

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là bộ phận nằm sau ốc tai ở hai bên, đóng vai trò quan trọng cho sự điều chỉnh thăng bằng tư thế, điệu bộ và các cử động khác của cơ thể như cử động của mắt, đầu, thân mình.

Các triệu chứng ban đầu của rối loạn tiền đình thường ít khi xuất hiện, đa phần thường là mất ngủ hoặc người cảm thấy mệt mỏi. Thường khi bệnh nhân thay đổi tư thế, nhất là khi vừa ngủ dậy, đứng dậy sẽ có thấy mất thăng bằng, dễ ngã. Trường hợp nặng hơn, người bệnh thậm chí chỉ có thể nằm được ở một tư thế, không thể ngồi dậy, có cảm giác buồn nôn và nôn dữ dội gây mất nước. Khi tỉnh táo, người bệnh mặc dù không thấy đầu óc bị quay cuồng nhưng đầu vẫn có cảm giác nặng trĩu, sợ ánh sáng hay tiếng động mạnh.

Rối loạn tiền đình gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh

 

2. Tại sao bị rối loạn tiền đình?

Nguyên nhân của rối loạn tiền đình rất đa dạng, có thể liên quan đến một số bệnh lý mạn tính như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, huyết áp thấp gây ảnh hưởng đến động mạch thân nền làm cho máu lên não bị kém dẫn tới rối loạn tiền đình. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác:

– Do thói quen lạm dụng rượu bia, do căng thẳng thần kinh, stress

– Do bị viêm dây thần kinh số 8

– Co thắt động mạch cột sống do thoái hóa đốt sống cổ

– Do tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch làm giảm lưu lượng máu lên não

– Thường xuyên sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn

– Thay đổi thời tiết đột ngột do chuyển mùa, nhiễm độc thức ăn

– Thói quen ngồi nhiều, ít vận động

Áp lực từ cuộc sống, công việc khiến rối loạn tiền đình gia tăng nhanh ở người trẻ

 

3. Khi bị rối loạn tiền đình nên nằm gối cao hay thấp?

Câu trả lời là nên kê gối ở mức vừa phải, không nên để quá thấp hoặc quá cao. Như đã đề cập ở trên, rối loạn tiền đình có thể xuất phát từ việc thiếu máu não, nếu kê gối quá cao có thể làm cong đốt sống cổ, gây tắc hẹp mạch máu và làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn lên não, khiến tình trạng nặng nề hơn. Người bệnh cũng không nên để gối quá thấp để tránh khi trở mình hoặc thay đổi tư thế sẽ có cảm giác đầu óc quay cuồng, chóng mặt đột ngột.

Song song với đó, người bị rối loạn tiền đình cần cẩn trọng trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, không nên đột ngột thay đổi tư thế, đứng lên ngồi xuống quá nhanh, không đột ngột bước xuống giường ngay khi vừa dậy mà cần nằm nghỉ ngơi, khởi động nhẹ một chút để máu lưu thông rồi mới ra khỏi giường. Cần ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt, hạn chế ngồi trên mép hành lang, đi trong bóng tối hay trèo cao… để tránh té ngã khi bị chóng mặt bất thình lình.

Người bị rối loạn tiền đình nên hạn chế đi tàu xe vì người bị rối loạn tiền đình thường bị say tàu xe rất nặng và cần cẩn thận khi đi lại ở những nơi dễ trơn trượt như nhà vệ sinh, nhà tắm. Người bị rối loạn tiền đình cũng không nên đứng hay ngồi quá lâu ở một tư thế, nhất là đối với nhân viên văn phòng cần thường xuyên vận động để tránh biến chứng tăng nặng hơn.

 

4. Phương pháp phòng tránh rối loạn tiền đình

4.1. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Người mắc rối loạn tiền đình cần phải xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để đảm bảo sức khỏe, bao gồm:

– Tập thể dục thể thao mỗi ngày với các bài tập phù hợp sức khỏe bản thân

– Không nên đứng lên ngồi xuống liên tục hay đột ngột

– Nếu làm việc văn phòng, cứ 1 – 2 tiếng bạn nên đứng dậy, đi lại và vận động để thay đổi góc nhìn, tránh căng thẳng

– Ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng

– Hạn chế lái xe, trèo cao…

Người bị rối loạn tiền đình nên tập thể dục thể thao thường xuyên

 

4.2. Tránh stress, căng thẳng thần kinh

Căng thẳng và lo âu quá độ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiền đình hoặc làm gia tăng các triệu chứng của bệnh. Stress cũng làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng tai cũng như các cơ quan khác của hệ tiền đình. Chính vì vậy, người bệnh cần chủ động điều chỉnh lối sống bằng cách sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chú ý ngủ đủ giấc để giảm stress và giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình hiệu quả.

 

4.3. Chế độ ăn uống có lợi

Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ít muối và đường, nhất là gia tăng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, kiểm soát huyết áp và bổ sung đầy đủ nước là các giải pháp kiểm soát rối loạn tiền đình hiệu quả mà ai cũng có thể áp dụng tại nhà.

Theo đó, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm bao gồm: các loại rau lá xanh, chuối, bơ, các loại cá giàu chất béo tốt omega-3 như cá hồi, cá thu,… dầu dừa, dầu olive. Bên cạnh đó, nên bổ sung đủ nước và hạn chế dùng rượu bia, nhất là khi triệu chứng chóng mặt, hoa mắt diễn ra thường xuyên và liên tục.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top