Chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi rất phổ biến bởi độ tuổi này hệ thần kinh cũng như sức khỏe tổng thể có nhiều suy giảm. Đặc biệt, căn bệnh này có thể đe dọa đến tính mạng người già nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách.
Ở người cao tuổi, sự lão hóa ngày càng tăng khiến sức khỏe suy giảm nhiều, lại kết hợp với các căn bệnh thường gặp ở tuổi già. Do đó, người ở độ tuổi này thường chỉ có thời gian ngủ đêm kéo dài khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, giấc ngủ không sâu, khó vào giấc, thường nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Cũng có trường hợp dễ vào giấc ngủ, song cũng thức dậy sớm rồi nằm trằn trọc cả đêm.
Có hai trạng thái của rồi loạn giấc ngủ ở người già. Đó là mất ngủ và đảo lộn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi – dạng mất ngủ: Người bị mất ngủ không ngủ được cả vào ban đêm lẫn ban ngày. Người bệnh không ngủ được hoặc khó ngủ, ngủ rất ít, dễ tỉnh giấc.
Thời gian giấc ngủ bị đảo lộn: Người cao tuổi thường không ngủ được vào ban đêm mà lại ngủ vào ban ngày. Khi bị đảo lộn giấc ngủ, người bệnh sẽ ngủ vào ban ngày trong khi lại tỉnh táo khó ngủ nổi vào buổi đêm.
Tình trạng đảo lộn giấc ngủ hay gặp ở người già do chức năng hoạt động của não bộ bị rối loạn trong quá trình lão hóa. CŨng có thể do não suy giảm chức năng do hậu quả của cơn tai biến mạch máu não hoặc sau một căn bệnh nặng…
Với chứng mất ngủ ở người cao tuổi, một số nguyên nhân chính gây bệnh bao gồm:
– Ít vận động thân thân là điều thường gặp ở nhiều người cao tuổi do ngại, mệt… Điều này khiến cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu, sức khỏe càng giảm sút nên người bệnh càng khó ngủ.
– Trước khi ngủ có sử dụng đồ uống, đồ ăn có chứa thành phần chất gây kích thích thần kinh như cafe, cola, trà hay uống một số loại thuốc có thành phần gây ra tình trạng mất ngủ. Hoặc do thói quen xấu thường xuyên uống rượu trước khi đi ngủ, rồi dừng đột ngột không uống. Đây cũng là một yếu tố có thể gây ra tình trạng mất ngủ.
– Thường uống thuốc an thần trước khi ngủ thì sau khi ngừng uống thuốc cũng khiến người cao tuổi khó đi vào giấc ngủ hơn
– Do tác dụng phụ của các loại thuốc bao gồm thuốc điều trị bệnh huyết áp cao, bệnh trầm cảm Những thuốc này sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương nên dễ khiến người bệnh mất ngủ.
– Những bất ổn liên quan đến tuổi tác và bệnh lý nền cũng ảnh hưởng đến người già và gây mất ngủ. Có thể kể đến chứng đau xương khớp hoặc đau cột sống mạn tính, khó thở khi ngủ, thận suy giảm chức năng gây tình trạng tiểu đêm. Hoặc tình trạng rối loạn nhịp tim, co giật ở chân, chuột rút, dị ứng đêm, hay hội chứng cường giáp (một bệnh nội tiết phổ biến) đều có thể là nguyên nhân khiến cho người già bị mất ngủ.
– Chứng trầm cảm ở người cao tuổi cũng là nguyên nhân gây mất ngủ ở độ tuổi này. Quá nhiều lo âu, nghĩ ngợi, đôi khi thái quá khiến giấc ngủ của người già dễ bị tác động xấu. Sự căng thẳng, lo lắng cũng khiến người cao tuổi ngủ không yên giấc, hay mơ ác mộng dẫn đến tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại sau đó.
Những người đang gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ thì cơ thể không được hồi phục đầy đủ sau các hoạt động sinh hoạt. Từ đó dễ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng hệ thần kinh.
Khi chứng rối loạn giấc ngủ diễn ra trong thời gian dài còn có thể dẫn tới tình trạng suy nhược cơ thể. Tâm lý nặng nề, bi quan, buồn bã chán nản,. Thậm chí dẫn tới bệnh trầm cảm. Người bệnh thường xuyên tức giận, cáu gắt, chán ăn, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
Hướng điều trị chung: Người cao tuổi bị rối loạn giấc ngủ cần tránh ngủ vào ban ngày mà rèn luyện ngủ vào ban đêm. Trường hợp không ngủ được vào ban đêm thì có thể sử dụng thuốc an thần theo đơn của bác sĩ. Thông thường người bệnh được tư vấn sử dụng thuốc với hàm lượng ít vào lúc đầu, sau đó giảm dần và ngưng dùng thuốc khi giấc ngủ trở về bình thường.
Cần lưu ý tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa về loại thuốc, hàm lượng thuốc và thời gian dùng thuốc. Không tự chọn mua thuốc mà không có ý kiến bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều lượng hoặc ngừng thuốc
Cách khắc phục chứng mất ngủ – một trong các loại rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi:
– Ngủ trong môi trường yên tĩnh, không có ánh sáng. Có thể tìm hiểu hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để biết áp dụng kết hợp các yếu tố hỗ trợ giấc ngủ như tiếng động đều đều nhẹ nhàng để tạo điều kiện đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
– Thường xuyên rèn luyện thể chất bằng những vận động phù hợp.
– Tránh suy nghĩ nhiều và nặng nề, để đầu óc thảnh thơi. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nghĩ tích cực, lạc quan
– Nếu có bệnh nền như bệnh tim mạch, chứng đau nhức xương khớp và cơ thể hay tình trạng dễ dị ứng thì cần điều trị tích cực để tránh ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ.
– Không lạm dụng thuốc an thần quá nhiều, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Thực hiện và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, phù hợp với độ tuổi. Thành phần dinh dưỡng hàng ngày nên có nhiều rau xanh, ăn nhiều cá thay cho thịt. Hạn chế chất béo, tránh ăn mặn…
Vận động thân thể, tập thể dục đều đặn hàng ngày và vừa sức.
Tập đi ngủ sớm vào buổi tối. Giữ môi trường không gian nơi ngủ được sạch, thoáng, tĩnh lặng và không có ánh sáng gắt. Tránh uống nước gần giờ đi ngủ.
Giữ tâm trang vui vẻ, bình thản, không nặng nề căng thẳng để hệ thần kinh, đầu não được bảo vệ, giảm tổn thương.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh