Những dấu hiệu của nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em

Tại sao trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu?

Bệnh xảy ra khi vi khuẩn từ da hoặc phân xâm nhập vào đường tiết niệu của trẻ và nhân lên, gây nhiễm trùng ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu, bao gồm:

  • Thận, có chức năng lọc chất cặn bã và lọc máu để tạo thành nước tiểu
  • Niệu quản, đưa nước tiểu từ thận vào bàng quang
  • Bàng quang, nơi lưu trữ nước tiểu
  • Niệu đạo, làm rỗng nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể

Nhiễm trùng bàng quang được gọi là viêm bàng quang. Nhiễm trùng thận được gọi là viêm bể thận.

Bé gái có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu hơn bé trai vì niệu đạo ngắn hơn. Vi khuẩn từ hậu môn có thể dễ dàng xâm nhập vào âm đạo và niệu đạo hơn.

Một số trẻ có vấn đề về bàng quang hoặc thận khiến chúng dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Hẹp đường tiết niệu có thể chặn dòng nước tiểu và tạo điều kiện cho vi trùng sinh sôi. Một tình trạng gọi là trào ngược bàng quang niệu quản có thể khiến nước tiểu trào ngược từ bàng quang vào niệu quản và thận.

 

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Ở trẻ lớn hơn, các triệu chứng thường rõ ràng. Các triệu chứng chính là đau bụng dưới, lưng hoặc bên hông, tiểu lắt nhắt, nhiều lần hơn so với bình thường. Một số trẻ sẽ đái dầm vào ban đêm. Bạn thậm chí có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu và/hoặc nước tiểu có màu hồng.

Với trẻ nhỏ hơn, bạn cần phải để ý, tìm hiểu xem có vấn đề gì không. Trẻ sơ sinh có thể có các triệu chứng chung hơn, như quấy khóc, biếng ăn hoặc sốt.

Các triệu chứng khác của nhiễm khuẩn đường tiết niệu bao gồm:

  • Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi hoặc đục
  • Buồn đi tiểu nhưng chỉ tiểu được vài giọt
  • Sốt
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Tiêu chảy.

 

Chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ

Nếu trẻ có các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu và xét nghiệm máu, bạch cầu và các dấu hiệu nhiễm trùng khác. Có nhiều cách để lấy mẫu nước tiểu:

  • Trẻ lớn hơn có thể tè vào cốc
  • Trẻ nhỏ chưa được dạy cách đi vệ sinh sẽ được đặt một túi nhựa lên bộ phận sinh dục để lấy nước tiểu.
  • Trẻ em mặc tã có thể được đưa một ống (ống thông) vào niệu đạo và bàng quang để lấy mẫu.
  • Ở trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể đâm thẳng một cây kim vào bàng quang qua dạ dày để lấy mẫu.

Các xét nghiệm nhanh có thể được tiến hành giúp bác sĩ tìm ra chính xác mầm bệnh gây nhiễm trùng tiểu ở trẻ đó và tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.

Nếu trẻ đã từng mắc một vài bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bạn nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thận và thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh sau để tìm kiếm các vấn đề ở đường tiết niệu:

  • Siêu âm kiểm tra tắc nghẽn hoặc các vấn đề khác ở thận
  • Chụp X-quang bàng quang niệu đạo khi tiểu là chiếu huỳnh quang cho thấy bất kỳ vấn đề nào ở niệu đạo hoặc bàng quang khi con bạn đi tiểu
  • Xạ hình sử dụng chất lỏng có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ để xem thận hoạt động tốt như thế nào
  • CT, hay chụp cắt lớp vi tính, là một loại tia X giúp tạo ra hình ảnh chi tiết về bàng quang và thận
  • MRI, hay chụp cộng hưởng từ để tạo ra hình ảnh của bàng quang và thận, nhằm phát hiện các bất thường ở khu vực này.

 

Các phương pháp điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ

Chủ yếu là điều trị bằng thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn. Trẻ em thường dùng kháng sinh trong khoảng từ 3 đến 10 ngày (phổ biến nhất là 7-10 ngày). Sau khi uống hết thuốc, bác sĩ có thể sẽ làm một xét nghiệm nước tiểu khác để kiểm tra nhiễm trùng đã hết chưa.

Đảm bảo uống hết thuốc kể cả các triệu chứng ở trẻ đã khỏi hẳn. Việc dừng quá sớm có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và gây ra các nhiễm trùng khác.

Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu sẽ khỏi sau khoảng một tuần. Một số trẻ sẽ có các triệu chứng trong vài tuần. Hãy cho trẻ đi khám nếu các triệu chứng của trẻ không cải thiện sau 3 ngày kể từ khi bắt đầu dùng kháng sinh hoặc nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn.

 

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ

Thay tã cho trẻ thường xuyên để ngăn vi khuẩn phát triển. Khi trẻ lớn hơn, hãy dạy chúng thói quen đi vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Hướng dẫn trẻ gái lau từ trước ra sau, điều này giúp ngăn chặn vi khuẩn trong phân xâm nhập vào âm đạo và đường tiết niệu. Khuyến khích trẻ đi vệ sinh ngay khi chúng cảm thấy muốn đi vệ sinh, đừng cố nhịn tiểu.

Trẻ gái nên tránh sử dụng xà phòng có mùi thơm, nên mặc đồ lót bằng cotton, không phải nylon, giúp thoáng khí và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.

Cho trẻ uống nhiều nước giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu. Uống nước cũng giúp ngăn ngừa táo bón, hạn chế gây tắc nghẽn đường tiết niệu, không tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top