✴️ Tiểu không tự chủ

Nội dung

Són tiểu hay tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ, lúc này cơ thể mất hoặc bị suy giảm khả năng kiểm soát cơ vòng tiết niệu. Đây là một tình trạng xảy ra phố biển ở rất nhiều người.

Són tiểu xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi 30 – 60 cho rằng họ đã từng bị són tiểu, trong khi ở nam giới là khoảng 1,5 – 5%.

1. Tiểu không tự chủ là tình trạng gì?

Són tiểu là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài mà không thể kiểm soát được. Nguyên nhân có thể do áp lực, chẳng hạn như ho. Ngoài ra có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sau sinh. Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn đối với những người bị béo phì.

Nguy cơ bị són tiểu tăng theo độ tuổi.

Các liệu pháp hành vi để kiểm soát bàng quang và bài tập cơ sàn chậu dưới (Kegel) có thể giúp phòng tránh và giảm thiểu tình trạng này.

2.  Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ

Nguyên nhân và loại són tiểu có mối liên quan tới nhau.

Són tiểu do áp lực có các nguyên nhân như:

  • Mang thai và sinh con.
  • Mãn kinh vì estrogen giảm có thể làm suy yếu các cơ.
  • Cắt tử cung và một số thủ thuật ngoại khoa khác.
  • Tuổi.
  • Béo phì.

Són tiểu cấp kỳ có các nguyên nhân đã được xác định như:

  • Viêm bàng quang, viêm niêm mạc bàng quang.
  • Bệnh lý thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng, đột quỵ và bệnh Parkinson.
  • Phì đại tuyến tiền liệt có thể làm cho bàng quang sa xuống và niệu đạo bị kích thích.

Són tiểu do bàng quang đầy xảy ra khi có tắc nghẽn hoặc tắc nghẽn bàng quang. Những điều sau đây có thể gây ra tắc nghẽn:

  • Tuyến tiền liệt phì đại.
  • Khối u chèn ép lên bàng quang.
  • Sỏi tiết niệu.
  • Táo bón.
  • Đã từng được phẫu thuật tiểu không tự chủ trước đó.

Són tiểu hoàn toàn có thể là hệ quả từ:

  • Một khiếm khuyết giải phẫu có từ khi sinh ra.
  • Chấn thương tủy sống làm suy giảm tín hiệu thần kinh giữa não và bàng quang.
  • Một lỗ rò khi một ống hoặc kênh phát triển giữa bàng quang và một khu vực lân cận, thường là âm đạo.

Các nguyên nhân khác như:

  • Thuốc: đặc biệt là một số thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc ngủ, thuốc an thần và thuốc giãn cơ.
  • Rượu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).

4. Phân loại

Phân loại són tiểu thường liên quan tới nguyên nhân gây ra bao gồm:

  • Són tiểu do áp lực (Stress incontinence): Nước tiểu rỉ ra khi ho, cười hoặc thực hiện một số hoạt động, chẳng hạn như chạy hoặc nhảy.
  • Són tiểu khi tiểu gấp (Urge incontinence): Cảm giác muốn đi tiểu đột ngột và dữ dội, nước tiểu rỉ ra cùng lúc hoặc ngay sau đó.
  • Són tiểu do bàng quang đầy (Overflow incontinence): Không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn có thể dẫn đến rò rỉ.
  • Són tiểu hoàn toàn (Total incontinence): Bàng quang không thể lưu trữ nước tiểu.
  • Són tiểu chức năng (Functional incontinence): Nước tiểu thoát ra ngoài do một người không thể đi vệ sinh kịp thời, có thể do vấn đề về khả năng vận động.
  • Són tiểu hỗn hợp (Mixed incontinence): Sự kết hợp của nhiều loại.

5. Triệu chứng

Triệu chứng chính của són tiểu đó là không tự chủ được việc đi tiểu. Thời điểm và cách thức tiểu không tự chủ phụ thuộc vào loại són tiểu.

Són tiểu do áp lực: Đây là loại tiểu không tự chủ phổ biến nhất, đặc biệt ở phụ nữ đã sinh con hoặc đã qua thời kỳ mãn kinh.

Áp lực trong trường hợp này là áp lực về thể chất chứ không phải sự căng thẳng về tinh thần. Khi bàng quang và các cơ kiểm soát tiết niệu gánh chịu áp lực tăng đột ngột khiến chúng ta có thể bị són tiểu. Những hành động sau đây có thể gây ra tình trạng không kiểm soát được căng thẳng:

  • Ho, hắt hơi hoặc cười.
  • Nâng vật nặng.
  • Tập thể thao.

Són tiểu khi tiểu gấp còn được gọi là tiểu không tự chủ phản xạ hoặc “bàng quang hoạt động quá mức”, đây là loại són tiểu phổ biến thứ hai. Tình trạng này xảy ra khi có một sự co thắt đột ngột, không tự chủ của thành cơ bàng quang gây ra cảm giác muốn đi tiểu mà không thể dừng lại. Cảm giác buồn tiểu xuất hiện trong khoảng thời gian rất ngắn trước khi nước tiểu được thải ra ngoài mà người đó không thể kiểm soát được việc đi tiểu.

Cảm giác muốn đi tiểu có thể do:

  • Một sự thay đổi đột ngột về tư thế.
  • Nghe tiếng nước chảy.
  • Quan hệ tình dục, đặc biệt là trong thời gian cực khoái.

Cơ bàng quang có thể kích hoạt một cách không chủ ý do bị tổn thương các dây thần kinh bàng quang, hệ thần kinh hoặc các cơ.

Són tiểu do bàng quang đầy xảy ra phổ biến hơn ở nam giới có vấn đề về tuyến tiền liệt, tổn thương bàng quang hoặc tắc nghẽn niệu đạo. Tuyến tiền liệt phì đại có thể gây tắc nghẽn bàng quang.

Bàng quang không thể chứa hết được lượng nước tiểu hoặc bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn gây ra rò rỉ nước tiểu một lượng nhỏ.

Bệnh nhân thường sẽ phải đi tiểu thường xuyên và nước tiểu nhỏ giọt liên tục từ niệu đạo.

Són tiểu hỗn hợp bao gồm các triệu chứng của són tiểu do áp lực và són tiểu do tiểu gấp.

Són tiểu chức năng: người bệnh biết cần đi tiểu nhưng họ không có thể đi vệ sinh kịp thời vì có vấn đề về vận động. Các nguyên nhân phổ biến gây ra như:

  • Lú lẫn.
  • Sa sút trí tuệ.
  • Thị lực hoặc khả năng vận động kém.
  • Khả năng khéo léo kém như khó mở cúc quần.
  • Trầm cảm, lo âu hoặc tức giận có thể dẫn tới việc không muốn tới nhà vệ sinh.

Són tiểu chức năng thường gặp ở người già và phổ biến ở các viện dưỡng lão.

Són tiểu hoàn toàn người bệnh bị són tiểu liên tục hoặc bị rỉ một lượng lớn nước tiểu theo chu kỳ. Bệnh nhân có thể có vấn đề bẩm sinh (khuyết tật bẩm sinh), có thể bị chấn thương ở tủy sống hoặc hệ tiết niệu, hoặc có thể có một lỗ rò, chẳng hạn giữa bàng quang và âm đạo.

6. Yếu tố nguy cơ

Béo phì: gây thêm áp lực lên bàng quang và các cơ xung quanh, làm suy yếu các cơ, làm  dễ bị són tiểu hơn khi hắt hơi hoặc ho.

Hút thuốc: có thể dẫn đến ho mãn tính dẫn đến các đợt són tiểu.

Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ són tiểu do áp lực cao hơn nam giới, đặc biệt là nếu họ đã có con.

Tuổi già: Các cơ ở bàng quang và niệu đạo suy yếu theo tuổi.

Bệnh lý: đái tháo đường, bệnh thận, tổn thương tủy sống, và các bệnh thần kinh như đột quỵ làm tăng nguy cơ.

Bệnh tuyến tiền liệt: Són tiểu có thể xuất hiện sau phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc xạ trị.

7. Chẩn đoán

Các cách để chấn đoán tiểu không tự chủ bao gồm:

Thói quen đi tiểu: người bệnh ghi lại lượng nước họ uống, thời điểm đi tiểu, lượng nước tiểu và số lần són tiểu.

Khám thực thể: Bác sĩ có thể khám âm đạo và kiểm tra sức mạnh cơ sàn chậu. Họ có thể khám trực tràng của một bệnh nhân nam để xác định xem tuyến tiền liệt có bị phì đại hay không.

Phân tích nước tiểu: mục đích tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và bất thường.

Xét nghiệm máu: có thể giúp đánh giá chức năng thận.

Thể tích nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu (PVR): đánh giá lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.

Siêu âm vùng chậu: có thể giúp phát hiện bất kỳ bất thường nào.

Kiểm tra áp lực: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu tạo áp lực đột ngột trong khi bác sĩ quan sát xem có són tiểu không.

Kiểm tra niệu động học: Điều này xác định mức độ áp lực của bàng quang và cơ thắt ống dẫn niệu.

Chụp niệu đạo bang quang: cung cấp hình ảnh của bàng quang.

Nội soi bàng quang: giúp kiểm tra xem bất kỳ bất thường nào trong đường tiết niệu.

8. Biến chứng

Són tiểu khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, xấu hổ và đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề thực thể khác, Bao gồm:

  • Các vấn đề về da: người bị són tiểu có nhiều khả năng bị lở loét, phát ban và nhiễm trùng vì da thường xuyên bị ẩm ướt. Điều này không tốt cho quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sa một phần của âm đạo, bàng quang và đôi khi niệu đạo có thể sa xuống cửa âm đạo, thường là do các cơ sàn chậu bị suy yếu.

Xấu hổ có thể khiến người bệnh sống thu rút và dẫn đến trầm cảm. Bất kỳ ai cảm thấy lo lắng khi bị són tiểu nên đi khám bác sĩ để được hỗ trợ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top