Triệu chứng gì gây nên protein niệu khi mang thai?

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, nếu lượng protein trong nước tiểu của bạn là trên 300mg trong mẫu nước tiểu 24 giờ, bạn có tỷ lệ protein/creatinine trên 0,3 hoặc có trên 2 kết quả dương tính ở que thử nước tiểu, thì bạn được xác định là bị tăng protein niệu khi mang thai.

Nguyên nhân gây tăng protein niệu khi mang thai?

Những tình trạng sau đây có thể dẫn đến tăng protein niệu khi mang thai:

  • Bản thân việc mang thai đã có thể gây ra tình trạng protein niệu. Trong quá trình mang thai, lượng protein tiết ra trong nước tiểu tăng lên gấp 2 lần do tăng lượng máu. Lượng máu tăng lên có thể dẫn đến giảm tương đối nồng độ creatinine và ure huyết thanh, từ đó làm tăng bài tiết protein.
  • Bệnh thận mạn tính từ trước khi mang thai, tăng huyết áp mạn tính hoặc tiểu đường type 1 và type 2 cũng có thể gây ra tình trạng protein niệu trong giai đoạn đầu mang thai (trong khoảng 20 tuần đầu tiên)
  • Viêm đường tiết niệu trong quá trình mang thai cũng có thể gây ra tình trạng tăng protein niệu thất thường hay còn gọi là tăng protein niệu thoáng qua.
  • Tiền sản giật có thể dẫn đến protein niệu trong giai đoạn sau của thai kỳ. Tiền sản giật có thể đi kèm với tăng huyết áp thai kỳ.
  • Hội chứng HELLP (tan máu, tăng enzyme gan và giảm số lượng tiểu cầu): là một dạng tiền sản giật nặng hơn, có thể dẫn đến tăng protein trong nước tiểu của phụ nữ mang thai.

 

Yếu tố nguy cơ cho tình trạng tăng protein trong nước tiểu trong khi mang thai

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng protein niệu khi mang thai, bao gồm:

  • Sinh con nhiều lần
  • Tiền sử gia đình hoặc bản thân bị tiền sản giật ở những lần mang thai trước
  • Trên 35 tuổi
  • Béo phì
  • Mắc các bệnh mạn tính, như tăng huyết áp mạn tính hoặc tiểu đường

 

Triệu chứng của tình trạng tăng protein niệu khi mang thai?

Bạn có thể sẽ không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào của tình trạng tăng protein niệu mức độ nhẹ. Tuy nhiên, tăng protein niệu nặng khi mang thai có thể dẫn đến các triệu chứng sau:

  • Nước tiểu đục, có bọt
  • Vã mồ hôi ở bàn tay, bàn chân, bụng hoặc mặt
  • Thường xuyên đi tiểu
  • Buồn nôn
  • Chuột rút vào buổi tối.

Do tình trạng protein niệu có liên quan mật thiết với tình trạng tiền sản giật trong giai đoạn cuối của thai kỳ nên bạn cũng cần biết một số dấu hiệu của tình trạng tiền sản giật bao gồm:

  • Tăng huyết áp khi mang thai
  • Đau thắt lưng
  • Thay đổi thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ
  • Khó thở
  • Phù mặt
  • Phù tay
  • Đau đầu

 

Điều trị tăng protein niệu khi mang thai như thế nào?

Protein niệu không phải là một rối loạn mà là một tình trạng do nhiều yếu tố và nhiều tình trạng bệnh lý gây ra ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến lượng nước tiểu của mình và không nên bỏ qua chỉ số này.

Nếu bạn bị tăng protein niệu mức độ nhẹ, việc thay đổi chế độ ăn và lối sống có thể sẽ giúp ích. Protein niệu do các nguyên nhân tiềm ẩn, ví dụ như tăng huyết áp và nhiễm trùng sẽ cần điều trị bằng thuốc. Bác sĩ cũng có thể sẽ gợi ý thêm các thay đổi về lối sống, ví dụ như tập thể dục và tránh một số loại thực phẩm để giúp làm giảm lượng protein trong nước tiểu.

 

Dự phòng tình trạng tăng protein niệu trong khi mang thai

Mặc dù protein niệu khi mang thai không thể dự phòng được, nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát các nguyên nhân tiềm ẩn gây tăng protein niệu và các ảnh hưởng của tình trạng này.

  • Kiểm soát lượng đường huyết thường xuyên
  • Có kế hoạch ăn uống hợp lý
  • Thực hiện các hoạt động phù hợp với thai kỳ
  • Hạn chế lượng muối tiêu thụ trong chế độ ăn
  • Duy trì cân nặng hợp lý, đặc biệt là trong thai kỳ vì thừa cân là một yếu tố gây tiểu đường thai kỳ hoặc tiền sản giật
  • Nghỉ ngơi hợp lý
  • Uống nhiều nước
  • Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt

 

Tăng protein niệu có ảnh hưởng đến em bé không?

Mặc dù tình trạng protein niệu không ảnh hưởng trực tiếp đến em bé nhưng đó là dấu hiệu cho thấy nhiều biến chứng khác trong thai kỳ, ví dụ như tiền sản giật và có thể ảnh hưởng đến em bé.

 

Có thể bị tăng protein niệu mà không bị tiền sản giật không?

Có, tăng protein niệu có thể xảy ra mà không đi kèm với tình trạng tiền sản giật nếu tăng protein niệu là do các vấn đề về thận hoặc có viêm đường tiết niệu.

 

Uống ít nước có phải là nguyên nhân gây protein niệu hay không?

Không, uống nước không có ảnh hưởng gì đến lượng protein trong nước tiểu cả. Uống nhiều nước có thể tạm thời làm loãng lượng protein trong nước tiểu nhưng sẽ không chữa khỏi tình trạng này.

 

Kết luận

Nước tiểu có chứa một lượng protein nhất định, nhưng khi lượng protein trong nước tiểu tăng lên, sẽ dẫn đến protein niệu. Đa số các trường hợp xảy ra do thay đổi sinh lý khi mang thai, nhưng một số trường hợp có thể do các nguyên nhân tiềm ẩn như tiền sản giật, các bệnh về thận và tiểu đường. Tăng protein niệu không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng các nguyên nhân gây tăng protein niệu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Do vậy, điều trị kịp thời nguyên nhân gây tăng protein niệu là rất quan trọng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top