✴️ Tìm hiểu về bệnh lỵ amip cấp tính

Bệnh lỵ amip là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do ký sinh trùng gây ra. Đây là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt nguy hiểm nếu  không được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh lỵ amip được chia thành 2 loại là bệnh lỵ amip cấp tính và lỵ amip mạn tính.

 

Triệu chứng bệnh lỵ amip cấp tính

Theo nghiên cứu, có 90% các trường hợp lỵ amip không gây triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên khi bệnh phát triển trong cơ thể một thời gian, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau bụng: Có thể đau quặn từng cơn hoặc đau âm ỉ, dọc theo khung đại tràng

  • Mót rặn

  • Đại tiện phân nhầy có lẫn máu, đôi khi lẫn với tiêu chảy, đi nhiều lần trong ngày, mỗi lần đại tiện số lượng ít.

Trường hợp bệnh lỵ amip cấp tính nhẹ thì đại tiện phân nhầy vài lần/ ngày, ít mệt mỏi. Thể trung bình thì người bệnh mệt nhiều, đại tiện nhiều lần trong ngày. Thể nặng thì người bệnh suy kiệt, mất nước, rối loạn điện giải, đại tiện phân nhầy lẫn máu nhiều lần trong ngày.

Bệnh lỵ amip cấp tính thường diễn biến vài ngày đến vài tuần, hay tái phát và có thể tiến triển nặng hơn thành bệnh lỵ amip mạn tính. Vì thế người bệnh cần đi khám và điều trị ngay khi phát hiện ra bệnh.

 

Con đường lây truyền bệnh

Bệnh lỵ amip cấp tính là bệnh có khả năng lây truyền. Các con đường lây truyền bệnh gồm:

  • Lây truyền gián tiếp qua thức ăn chưa chín kĩ, không đảm bảo vệ sinh, động vật mang mầm bệnh (chó, mèo), côn trùng trung gian như ruồi, gián

  • Lây truyền trực tiếp do tay bẩn, ký sinh trùng dính dưới móng tay, từ đó được đưa vào miệng qua thức ăn.

Con đường lây truyền bệnh lỵ amip cấp tính là do không vệ sinh tay sạch sẽ, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh

  • Lây qua hoạt động tình dục: Kí sinh trùng gây bệnh lỵ amip lây lan từ người này qua người khác qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng hay việc kích thích bằng tay khi không đảm bảo vệ sinh mà không sử dụng bao cao su.

 

Điều trị bệnh  lỵ amip cấp tính

  • Dùng thuốc: Đối với tình trạng bệnh lỵ amip cấp tính thì người bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh theo pháp đồ điều trị của bác sĩ.

  • Điều trị triệu chứng: Trường hợp đi ngoài bị mất nước nên cần bồi phụ nước và điện giải hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

  • Hỗ trợ chăm sóc: Người bệnh trong khi điều trị lỵ amip cấp tính cần chú ý ăn chín, uống sôi, ăn cháo, hoa quả đảm bảo vệ sinh. Hạn chế ăn ngọt, ăn dầu mỡ và các chất kích thích hệ tiêu hóa.

 

Cách phòng tránh bệnh lỵ amip cấp tính

Bệnh lỵ amip lây truyền chủ yếu qu ăn uống nên cách phòng bệnh hiệu quả là:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

  • Thực hiện vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống sôi, bảo quản thức ăn tốt, tránh để lây nhiễm kén amip vào thức ăn, nước uống).

  • Xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau quả.

Nếu bị bệnh, cần khám và điều trị triệt để theo đúng phác đồ của bác sĩ. Để bệnh không tái phát, cần xét nghiệm nhiều lần, và điều trị triệt để ký sinh trùng gây bệnh, tránh bệnh tiến triển thanh mạn tính, khó điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top