✴️ Hội chứng ruột kích thích K58 điều trị như thế nào?

Nội dung

Hội chứng ruột kích thích K58 được xem là một bệnh lý đường ruột khá phổ biến, đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng, chậm tiêu và rối loạn đại tiện. Đây là bệnh lành tính, không làm gia tăng nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên nhưng những triệu chứng của bệnh có đặc tính dai dẳng, mãn tính và tái phát thường xuyên. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây nhiều biến chứng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.

 

1. Hội chứng ruột kích thích K58 là bệnh gì?

Hội chứng ruột kích thích ( tiếng Anh: Irritable Bowel Syndrome) còn có tên gọi khác là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng hoặc viêm đại tràng co thắt. Đây là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng rối loạn chức năng đại tràng, có tính chất tái đi tái lại và kéo dài ít nhất 3 tháng nhưng không đi kèm với tổn thương thực thể về mặt sinh học, sinh hóa hay giải phẫu (viêm, loét hoặc khối u).

Ngoài ra nhiều người thường hay nhắc tới hội chứng ruột kích thích K58. Đây là thuật ngữ theo phân loại Bệnh tật Quốc tế (ICD 10). Trong đó, K58 là ký hiệu của hội chứng ruột kích thích. Dựa vào triệu chứng bệnh lý, K58 được phân chia thành 2 dạng:

– K58.0: Hội chứng ruột kích thích kèm theo tiêu chảy.

– K58.9: Hội chứng ruột kích thích không tiêu chảy.

Hội chứng ruột kích thích K58 là bệnh lý đường ruột phổ biến, ảnh hướng đến khoảng từ 5-20% dân số thế giới. Trong đó, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người ở độ tuổi trưởng thành, với tỷ lệ nữ giới cao gấp 4-5 lần nam giới.

Dù được đánh giá là bệnh lành tính, không làm gia tăng nguy cơ gây ung thư như bệnh viêm loét đại tràng, polyp đại tràng,…. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh lại kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khỏe cuộc sống người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích K58 là sự rối loạn co thắt của nhu động ruột.

 

2. Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích K58

Triệu chứng bệnh khá đa dạng và thường không đặc hiệu nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác.Tuy nhiên, căn cứ đầu tiên để đánh giá hội chứng ruột kích thích là người bệnh bị đau bụng thường xuyên, ít nhất là 1 lần/tuần và kéo dài trong suốt 3 tháng. Vị trí đau bụng thường không nhất định, có thể đau dọc khung đại tràng hoặc đau vùng bụng dưới. Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc đột ngột từng cơn. Kèm theo triệu chứng đau bụng, người bệnh cũng gặp phải các dấu hiệu bất thường sau:

– Nổi cục ở bụng: Người bệnh thấy phần bụng dọc khung đại tràng nổi cục. Đây chính là phần đại tràng đang bị co thắt.

– Rối loạn đại tiện: Người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày, khoảng từ 2-6 lần, có thể là táo bón hoặc tiêu chảy.

– Bất thường về phân: Phân lỏng, nát không thành khuôn. Đôi khi phân khô cứng và nhỏ kèm theo chất nhầy bọc ngoài phân. Tuy nhiên, khác với các bệnh viêm đại tràng khác, người bị hội chứng ruột kích thích không đi đại tiện ra máu.

– Tình trạng đau bụng có thể thuyên giảm sau khi đã đại tiện xong.

– Một số triệu chứng khác: cảm giác muốn đi ngoài khẩn cấp hoặc đi ngoài không hết phân, bụng chướng và căng tức, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, giảm cân đột ngột.

Các triệu chứng của K58 có thể thay đổi và tăng mức độ tùy theo đối tượng mắc bệnh. Do đó, để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên thăm khám và tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên môn.

 

3. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích K58

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính xác gây viêm đại tràng co thắt chưa được xác định rõ. Nhưng các chuyên gia tin rằng, sự tương tác sai lệch giữa hệ thần kinh não và ruột là nguyên nhân gây ra hiện tượng co thắt bất thường của nhu động ruột dẫn đến tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, ruột non nhạy cảm bất thường cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Một số yếu tố khiến triệu chứng bệnh bùng phát và phát triển mạnh như:

– Chế độ ăn uống không lành mạnh: Thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, kém vệ sinh, đồ sống, đồ uống có cồn, gas… gây rối loạn tiêu hóa và khiến các triệu chứng bệnh có xu hướng phát triển nặng hơn.

– Căng thẳng hoặc có vấn đề về tâm lý, thần kinh: Căng thẳng thần kinh khiến các chất Serotonin (chất kiểm soát tín hiệu thần kinh giữa não và ruột) bị nhiễu loạn dẫn đến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.

– Nội tiết- giới tính: các nghiên cứu chỉ ra rằng, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4-5 lần nam giới và sự thay đổi hormone giới tính đóng vai trò trong việc gây ra hội chứng này. Nhiều nữ giới nhận thấy các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trong chu kỳ kinh nguyệt và giai đoạn mang thai.

– Tác dụng phụ của thuốc:Các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm gây rối loạn nhu động ruột, loạn khuẩn và khiến các triệu chứng bệnh chuyển nặng hơn.

Một số yếu tố nguy cơ:

– Nữ giới dưới 45 tuổi hoặc nữ giới có nội tiết tốt bất ổn định.

– Tiền sử gia đình.

– Tinh thần: Thường xuyên lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn nhân cách…

Chính vì có nhiều yếu tố dẫn đến hội chứng ruột kích thích nên mỗi người bệnh gặp phải vấn đề khác nhau cần có cách khắc phục và điều trị khác nhau. Do đó, người bệnh cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để có phương án điều trị chính xác và hiệu quả nhất.

Hội chứng ruột kích thích K58 có liên quan mật thiết đến nhiều yếu tố.

 

4. Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích

4.1. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích K58

Do các triệu chứng không đặc hiệu nên hội chứng ruột kích thích K58 rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đại tràng khác. Do đó, trước khi đưa ra phương án điều trị, người bệnh cần được chỉ định thực hiện các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng cần thiết.

Thông thường, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Sau đó, bác sĩ dựa trên tiêu chuẩn Rome hoặc Manning để đưa ra chẩn đoán xác định. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Cụ thể:

– Các phương pháp xét nghiệm: xét nghiệm máu, xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm phân, xét nghiệm vi sinh…

– Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: nội soi đại tràng, chụp X-quang cản quang, chụp CT vùng bụng và chậu, nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm, siêu âm túi mật,…

4.2.Điều trị hội chứng ruột kích thích K58

Do nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nên việc điều trị bệnh chủ yếu tập trung làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể:

Liệu pháp tâm lý

Để điều trị hội chứng ruột kích thích K58 hiệu quả, bác sĩ cần tạo được sự tin tưởng ở người bệnh. Do đó, mỗi bác sĩ điều trị cần lưu ý:

– Biết lắng nghe và trấn an người bệnh, giải quyết những lo lắng, muộn phiền của người bệnh.

– Giải thích rõ ràng, cụ thể và chi tiết về bệnh sinh, bệnh sử tự nhiên của hội chứng ruột kích thích: Đây là bệnh lành tính, không có tổn thương thực thể tại ruột nhưng có đặc tính mãn tính; có những đợt bệnh biểu hiện rầm rộ nhưng có đợt bệnh lại âm thầm không triệu chứng.

– Giải thích cho người bệnh về phác đồ điều trị bệnh là tập trung kiểm soát các triệu chứng khó chịu. Dù việc điều trị có thể không làm chấm dứt hẳn các triệu chứng nhưng sẽ giúp cải thiện các cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt

– Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao những không làm ảnh hưởng đến chức năng của đại tràng như thịt gà, cá hồi, trứng,…

– Uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày để giúp làm mềm phân và cân bằng chất điện giải.

– Loại bỏ ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày những thực phẩm không dung nạp, đầy bụng, khó tiêu như bánh ngọt nhiều bơ, đồ uống nhiều đường và co gas, chất kích thích, hoa quả nhiều đường, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn chứa nhiều đạm, thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, thức ăn ôi thiu,…

– Không sử dụng những loại thực phẩm có tiền sử dị ứng hoặc thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao.

– Luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để điều hòa chức năng hệ thần kinh, giảm rối loạn chức năng đại tràng  và cải thiện triệu chứng bệnh.

– Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng thần kinh, giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan…

– Ăn đúng giờ và đủ bữa, luyện tập chế độ đại tiện một lần trong ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy.

Sử dụng thuốc Tây y

Thuốc Tây y được cân nhắc khi người bệnh đã điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt nhưng không cải thiện triệu chứng. Tùy theo triệu chứng nổi trội của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp như: thuốc chống táo bón, thuốc trị tiêu chảy, thuốc chống co thắt, thuốc chống đầy hơi hay thuốc an thần.

– Thuốc điều trị tiêu chảy: thuốc chống tiêu chảy (Diarsed, Imodium, Questran), thuốc bảo vệ niêm mạc ruột (Actapulgite, Smecta, Bismuth); thuốc kháng sinh Rifaximin; vi khuẩn thay thế (Antibio, Lacteol, Enterogermina).

– Thuốc điều trị táo bón: Thuốc trị táo bón tạo khối (các thuốc chứa chất xơ, chất sợi từ hạt củ, quả; chất nhầy như cám lúa mì, rau câu… ;thuốc trị táo bón thẩm thấu (Forlax, Lactulose, Sorbitol, Magie Sulfat,…) có tác dụng kéo nước vào lòng ruột, giữ nước và làm mềm phân; thuốc kích thích chức năng vận động bài tiết của ruột (lô hội, Bisacodyl, muồng trâu, picosulfat,…); thuốc Lubiprostone, Linaclotide, Eluxadoline.

– Thuốc chống co thắt điều trị đau bụng và chướng bụng: Thuốc kháng Cholinergic: (Atropin, Buscopan); thuốc chống co thắt hướng cơ trơn (Meteospasmyl, Sapsmaverin, Duspatalin,…)

– Nhóm thuốc chống trầm cảm: thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc tái hấp thu Serotonin chọn lọc chất ức chế. Các loại thuốc này có tác dụng làm giảm trầm cảm, ức chế hoạt động của tế bào thần kinh điều khiển ruột. Nếu sau điều trị, triệu chứng đau bụng, tiêu chảy không cải thiện, bị sụt cân,… người bệnh nên đến bệnh viện khám để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương án điều trị tích cực, hiệu quả.

Lưu ý:

Mặc dù mang lại hiệu quả nhanh chóng và rõ rệt, nhưng sử dụng thuốc luôn tiềm ẩn những rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh tình trạng phụ thuộc và lạm dụng thuốc quá mức.

Hội chứng ruột kích thích K58 là bệnh lý tương đối lành tính và có thể kiểm soát thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan. Bởi đây là bệnh có tính chất mãn tính. Nếu không can thiệp điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và chất lượng cuộc sống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top