Đường tiêu hóa gồm nhiều cơ quan đóng vai trò quan trọng với sức khỏe mỗi người. Bệnh lý đường tiêu hóa rất đa dạng và phức tạp, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các bệnh lý phổ biến và cách phòng tránh hiệu quả.
Hệ tiêu hóa có nhiều bộ phận, gồm ống tiêu hóa và những cấu trúc phối hợp có chức năng riêng. Ống tiêu hóa bắt đầu từ miệng đến hậu môn, gồm: miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn. Bên cạnh đó còn có một số cơ quan liên quan đến hoạt động tiêu hóa của đường ruột như: răng, môi, má, lưỡi, tuyến nước bọt, gan, tụy, túi mật.
Đường tiêu hóa có sự khác biệt giữa các lứa tuổi. Ở trẻ em, dạ dày nằm ngang và cao, đến khoảng 7 – 11 tuổi sẽ giống dạ dày người lớn. Men tiêu hóa ở trẻ em chưa hoàn chỉnh, tuy nhiên so với người trưởng thành thì gan và ruột tương đối lớn.
Ở người cao tuổi, đường tiêu hóa có nhiều thay đổi như: men tiêu hóa giảm về số lượng và hoạt lực, vị toan tiết ra chỉ bằng 40 – 50% so với người trẻ tuổi. Ngoài ra, dạ dày giảm khối lượng, chứa được ít thức ăn, ruột có hiện tượng teo nhỏ, giảm nhu động dạ dày và ruột. Đồng thời các dây chằng giữa các phủ tạng và cơ thành bụng bị suy yếu. Khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất sẽ suy giảm dần theo độ tuổi.
Số liệu thống kê cho thấy khoảng từ 5 – 10% dân số thế giới mắc các bệnh dạ dày. Riêng ở Việt Nam, số người mắc và có nguy cơ mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) chiếm đến 70% dân số.
Trong các bệnh lý liên quan đến dạ dày, viêm dạ dày mãn tính là bệnh phổ biến nhất. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như loét, chảy máu dạ dày, hẹp môn vị, sa dạ dày, thủng dạ dày và nặng nề nhất là ung thư dạ dày. Viêm dạ dày mãn tính dễ tái phát, khiến người bệnh mệt mỏi, tác động tiêu cực đến công việc và chất lượng cuộc sống.
Hội chứng này cũng là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp ở người Việt. Khoảng 15 – 20% dân số nước ta mắc hội chứng ruột kích thích. Những người trong độ tuổi khoảng 40 – 60 tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Ruột kích thích gây nhiều khó chịu, lo lắng và bất tiện cho người bệnh. Các biểu hiện lâm sàng gồm: đau bụng (thường là vùng dưới rốn), cơn đau giảm hoặc biến mất sau khi đại tiện, táo bón, tiêu chảy,…
Số liệu của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016 có 129 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.000 người mắc. Tình trạng ngộ độc chủ yếu là cấp tính. Triệu chứng dữ dội bao gồm: đau bụng, nôn, mệt lả, thậm chí là trụy tim mạch trong tường hợp ngộ độc do độc tố của vi khuẩn hoặc hóa chất,…
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm đại tràng cấp tính là virus hoặc ký sinh trùng. Thường gặp nhất là lỵ amip gây bệnh kiết lỵ.
Trong khi đó, viêm đại tràng mãn tính là bệnh rất khó điều trị, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Các biến chứng của bệnh gồm: ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa liên tục, phân rắn – lỏng đan xen, đại tiện ra máu, chán ăn, mệt mỏi, cơ thể suy kiệt,…
Mọi lứa tuổi đều có thể gặp phải bệnh lý ống tiêu hóa này, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Khi bị rối loạn tiêu hoá, người bệnh sẽ có dấu hiệu: chán ăn, ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy, đại tiện ra máu,…
Phần lớn trường hợp rối loạn tiêu hóa thuộc dạng nhẹ, có thể chữa trị dứt điểm nếu thăm khám sớm. Tuy nhiên một số trường hợp (như tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, lỵ,…) có thể gây biến chứng trụy mạch nguy hiểm nếu không được điều trị đúng phác đồ.
Ung thư ống tiêu hóa gồm ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng. Theo số liệu Globocan của WHO, năm 2018 Việt Nam có hơn 17.500 người mắc mới ung thư dạ dày và hơn 15.000 người tử vong. Số ca mắc mới ung thư đại trực tràng là hơn 14.200 người và số ca tử vong là 7.800 người. Đồng thời, có số người mắc mới và tử vong vì ung thư thực quản lần lượt là 2.400 và 2.200.
Số người Việt Nam nhiễm hai loại virus này ước tính đạt khoảng trên 10% dân số. Virus viêm gan B, C có thể dẫn đến viêm gan mãn tính, xơ gan, ung thư gan. Trong đó, ung thư gan hiện có số ca mắc mới và tử vong dẫn đầu trong các bệnh lý ung thư.
Để hạn chế các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, mỗi người cần chú ý:
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt; chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, xác định rõ nguồn gốc.
– Ăn chín, uống nước đã đun sôi, không ăn các loại thực phẩm tái, sống (tiết canh, nem chua, gỏi cá, rau sống,…).
– Ăn uống điều độ, đúng giờ, không bỏ bữa; không nên vừa ăn vừa làm việc.
– Ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no trong một bữa, ăn xong không nên nằm ngay.
– Hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích; không lạm dụng các thực phẩm chua, cay,…
– Bổ sung các loại chất xơ trong rau xanh, trái cây.
– Uống đủ lượng nước cần thiết: 1,5 – 2 lít nước/ ngày
Nên vận động cơ thể đều đặn mỗi ngày, có thể đi bộ, bơi, chơi các môn thể thao, tập yoga,… Mỗi người cần lựa chọn phương thức rèn luyện phù hợp với sức khỏe và điều kiện của bản thân. Vận động thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, khí huyết lưu thông, tiêu hóa tốt, tăng cường miễn dịch.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không chỉ khi xuất hiện triệu chứng bất thường mới cần tiến hành thăm khám. Thay vào đó, hãy chủ động kiểm tra sức khỏe tiêu hóa mỗi 6 tháng – 1 năm/ lần tại cơ sở y tế uy tín để kiểm soát tình trạng đường hóa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý nếu có từ khi mới manh nha.
Như vậy, thông qua bài viết, bạn đọc đã nắm được các bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất. Đồng thời, bài viết cũng cung cấp thông tin về cách phòng tránh những bệnh lý này. Chúc bạn luôn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng như một cơ thể dồi dào năng lượng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh