✴️ Bị hội chứng ruột kích thích điều trị như thế nào?

Hội chứng ruột kích thích là một trong những vấn đề đường ruột thường gặp nhất. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu xem hội chứng này được điều trị như thế nào trong bài viết dưới đây.

 

1. Khái niệm hội chứng ruột kích thích

Hội chứng này là rối loạn chức năng của ống tiêu hóa với biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Theo định nghĩa của Thomson W.D. (1990), ruột kích thích là hiện tượng các rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần nhưng không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học hay sinh hóa ở ruột.

 

2. Hội chứng ruột kích thích có cơ chế gì?

Cơ chế sinh bệnh của hội chứng này gồm 3 nội dung như sau:

– Chức năng ống tiêu hóa có sự cảm thụ bất thường: tăng tính nhạy cảm, các cơ quan tiêu hóa dễ bị kích thích.

– Thay đổi tính chịu đựng của ruột, một số đoạn ruột giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn.

– Rối loạn vận động của ruột: nhu động ruột tăng gây tiêu chảy, nhu động giảm gây táo bón.

 

3. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng lâm sàng của tình trạng rối loạn chức năng tiêu hóa có thể xuất hiện trên toàn bộ ống tiêu hóa:

– Phần trên ống tiêu hóa: xuất hiện các triệu chứng như trào ngược dạ dày -thực quản, khó tiêu, đầy bụng,…

– Phần dưới ống tiêu hóa: gồm các triệu chứng chủ yếu ở đại tràng (gọi là đại tràng co thắt với các biểu hiện táo bón chức năng, tiêu chảy chức năng), đại tràng bị kích thích, rối loạn chức năng đại tràng.

3.2. Tiêu chuẩn Rome II chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Hội nghị tiêu hóa quốc tế tại Rome (1999) đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán ruột kích thích với các nội dung sau:

– Cảm giác khó chịu ở bụng, đau bụng kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó (không nhất thiết liên tục);

– Kèm theo đó là các triệu chứng: cơn đau giảm đi sau đại tiện, hình dạng khuôn phân thay đổi, thay đổi số lần đi ngoài.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng không đặc hiệu như:

– Bất thường về số lần đại tiện (nhiều hơn 3 lần/ ngày hoặc ít hơn 3 lần/ tuần).

– Phải rặn nhiều khi đại tiện, cảm giác đi ngoài không hết phân.

– Chướng hơi, cảm giác nặng bụng, tức bụng.

– Phân lỏng/ cứng/ nhão, phân có nhầy nhưng không có máu.

Theo thời gian, các triệu chứng không đặc hiệu này sẽ thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn uống. Nếu ăn uống lành mạnh, các triệu chứng có thể biến mất. Ngược lại, nếu ăn uống các thực phẩm không thích hợp, người bệnh sẽ ngay lập tức gặp các triệu chứng rối loạn.

Như vậy, hội chứng ruột kích thích gồm nhiều triệu chứng cơ năng, triệu chứng thay đổi. Có thể chia các triệu chứng này thành 2 loại: triệu chứng về tiêu hóa và các triệu chứng ngoài ống tiêu hóa.

Các triệu chứng về tiêu hóa gồm: đau bụng, chướng hơi, rối loạn đại tiện, rối loạn phân,… Trong khi đó, các triệu chứng ngoài ống tiêu hóa lại phụ thuộc vào thời gian bệnh kéo dài, gồm: đau đầu, mất ngủ, rối loạn tâm lý (lo lắng, căng thẳng),…

3.3. Triệu chứng cận lâm sàng

Người bệnh ruột kích thích có kết quả bình thường với các xét nghiệm và thăm dò chức năng như sau:

– Xét nghiệm máu.

– Xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn.

– Nội soi đại – trực tràng.

– Sinh thiết đại tràng, xét nghiệm mô bệnh học đại tràng.

– Chụp X-quang khung đại tràng (kết quả bình thường hoặc có rối loạn co bóp nhu động).

Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng về bệnh lý thực tổn. Từ đó bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt với tình trạng ruột kích thích.

Ngoài ra, những triệu chứng báo động bao gồm:

– Chán ăn, sụt cân.

– Sốt, tăng tốc độ máu lắng, bạch cầu tăng.

– Thiếu máu.

– Đại tiện phân nhầy, có máu trong phân.

– Thường xuyên đại tiện phân nhỏ dẹt.

– Người trên 40 tuổi mới xảy ra các triệu chứng rối loạn phân.

– Thành viên trong gia đình có tiền sử bị ung thư đại tràng.

 

4. Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?

Các nghiên cứu cho thấy, người bệnh ruột kích thích dễ bị thay đổi nhu động ruột. Các triệu chứng thường kéo dài nhiều năm, tái đi tái lại gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Nỗi lo lắng bệnh nặng, bệnh ác tính khiến người bệnh căng thẳng, tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng.

Chính vì vậy, quá trình điều trị đòi hỏi bác sĩ thiết thấp mối quan hệ tin cậy, chắc chắn với người bệnh, giải thích thấu đáo về hội chứng ruột kích thích để làm giảm bớt sự lo lắng của họ, đưa ra chỉ định điều trị chi tiết, hiệu quả.

4.1. Xác định mức độ của hội chứng ruột kích thích và xử trí

Trước hết, thông qua quá trình thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định mức độ nặng của bệnh. Các mức độ ruột kích thích được chia thành: nhẹ, trung bình và nặng.

Với mức độ nhẹ, các triệu chứng không thường xuyên và ít có rối loạn tâm lý. Người bệnh sẽ được điều trị theo hướng giáo dục về bệnh, ăn kiêng, chọn thức ăn thích hợp.

Mức độ trung bình có triệu chứng thường xuyên, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và làm suy giảm tâm lý. Nếu triệu chứng nặng lên, cần tìm yếu tố thúc đẩy. Người bệnh cần thực hiện chế độ ăn kiêng, thay đổi nếp sinh hoạt, tâm lý liệu pháp. Đồng thời bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giúp kiểm soát triệu chứng.

Người bệnh ruột kích thích mức độ nặng thường xuyên bị đau bụng, suy giảm tâm thần tiềm ẩn. Hướng điều trị tương tự như với mức độ trung bình kết hợp với thuốc an thần hoặc thuốc tâm thần.

4.2. Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng chế độ ăn

Khi đang mắc chứng ruột kích thích, người bệnh cần tránh sử dụng các thức ăn, nước uống không thích hợp:

– Thực phẩm khó tiêu, dễ tạo khí đường ruột: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường như cam, quýt, xoài, mít,…

– Chất kích thích: rượu bia, cà phê, gia vị chua cay, thuốc lá,…

– Thức ăn và đồ uống có nhiều đường, nước có gas.

– Những thức ăn dự trữ quá lâu, bảo quản không tốt.

– Người bị tiêu chảy cần tránh ăn quá nhiều thức ăn có nhiều chất xơ như: rau muống, rau cải, dưa,…

4.3. Kiên trì với chế độ luyện tập

Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, người bệnh nên có chế độ luyện tập, sinh hoạt và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý. Người bệnh có thể kiểm soát căng thẳng bằng các bài tập thư giãn, khí công. Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để tập thể dục, đi bộ, chơi các môn thể thao, vận động,…

Bên cạnh đó, người bệnh nên xây dựng thói quen đại tiện 1 lần trong ngày vào một thời điểm cố định. Có thể áp dụng biện pháp xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để kích thích cảm giác muốn đại tiện.

4.4. Các loại thuốc điều trị triệu chứng

Một số loại thuốc có thể được dùng để điều trị các triệu chứng ruột kích thích gồm:

– Thuốc giảm đau, giảm co thắt: Duspatalin, Spasfon, No-spa,…

– Thuốc chống táo bón: thuốc nhuận tràng như Forlax, Tegaserod, Duphalac… Cùng với đó, người bệnh cần uống nhiều nước, bổ sung nhiều chất xơ.

– Thuốc chống tiêu chảy: Actapulgite, Smecta, Imodium….

– Thuốc chống đầy hơi: Meteospasmyl, Pepsane,…

– Thuốc an thần: Rotunda, Dogmatil, Seduxen,…

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc, tránh các hệ lụy không đáng có.

4.5. Một số lưu ý khi điều trị hội chứng ruột kích thích

– Hướng điều trị hợp lý và hiệu quả là điều trị theo triệu chứng nổi trội.

– Hiện nay chưa có loại thuốc riêng biệt nào điều trị triệt để mọi triệu chứng ruột kích thích.

– Việc điều trị có thể không loại bỏ hoàn toàn triệu chứng, tuy nhiên chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện.

– Sau điều trị, các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất đi nhưng chúng rất dễ tái phát. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện điều độ, lành mạnh.

– Thuốc kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp có nhiễm khuẩn ruột. Các trường hợp còn lại không nên dùng thuốc kháng sinh.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu hơn về cách điều trị hội chứng ruột kích thích. Nếu có các triệu chứng cảnh báo tình trạng này, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và điều trị hiệu quả, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top