Đầy hơi dạ dày là tình trạng tăng tích khí trong lòng ống tiêu hóa, gây cảm giác ậm ạch, căng tức vùng bụng, chướng bụng, khó tiêu sau ăn. Tình trạng này ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng đầy hơi, có thể áp dụng tại nhà.
Gừng (Zingiber officinale) chứa hoạt chất gingerol và shogaol có tác dụng chống viêm, kích thích nhu động ruột và tăng tiết dịch tiêu hóa.
Cách sử dụng:
Gừng tươi rửa sạch, thái lát, pha với nước nóng như trà.
Uống sau bữa ăn hoặc khi có cảm giác đầy bụng, khó tiêu (2–3 lần/ngày).
Có thể thêm gừng tươi vào món ăn để hỗ trợ tiêu hóa.
Lưu ý: Không dùng cho người có loét dạ dày nặng, chảy máu tiêu hóa hoặc sắp phẫu thuật.
Tỏi (Allium sativum) có chứa allicin – chất kháng khuẩn tự nhiên, đồng thời hỗ trợ tăng hoạt động của hệ tiêu hóa.
Dùng 1–2 tép tỏi khô, bóc vỏ, đập dập, hãm với nước sôi trong 10–15 phút.
Uống 1–2 lần/ngày, trước hoặc sau bữa ăn.
Lưu ý: Không nên dùng khi đang bị viêm loét dạ dày – tá tràng cấp tính, dễ gây kích ứng niêm mạc.
Nhiệt độ cao giúp làm giãn cơ trơn đường tiêu hóa, giảm co thắt và tăng lưu thông máu tại chỗ.
Cách thực hiện:
Dùng túi chườm nóng chuyên dụng hoặc gói muối/gạo rang bọc trong khăn vải.
Đặt lên vùng bụng khoảng 10–15 phút mỗi lần, 2–3 lần/ngày.
Men tiêu hóa (enzym tiêu hóa) giúp phân giải và hấp thu các chất dinh dưỡng. Thiếu enzym tiêu hóa có thể gây đầy hơi, khó tiêu.
Khuyến cáo:
Nên sử dụng men tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ nếu có biểu hiện: tiêu hóa kém, chướng bụng sau ăn, phân sống…
Không lạm dụng kéo dài quá 10 ngày để tránh làm giảm khả năng tự tiết enzym của cơ thể.
Đu đủ chứa enzyme papain – một loại protease tự nhiên có khả năng phân giải protein, hỗ trợ tiêu hóa và giảm tích khí.
Ăn 100–150g đu đủ chín sau bữa ăn chính.
Có thể chế biến thành sinh tố đu đủ với sữa chua để tăng hiệu quả.
Lưu ý: Không nên ăn quá nhiều do có thể gây nhuận tràng.
Cam chứa nhiều vitamin C và acid hữu cơ tự nhiên giúp kích thích tiết dịch vị và enzym tiêu hóa.
Dùng nước cam tươi pha với nước ấm (nhiệt độ khoảng 40–50°C), không thêm đường.
Uống 1 ly sau bữa ăn, đặc biệt hiệu quả khi dùng vào buổi sáng.
Không áp dụng với người có trào ngược dạ dày – thực quản hoặc viêm loét dạ dày do acid.
Các biện pháp kể trên có thể giúp cải thiện triệu chứng đầy hơi dạ dày mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng:
Kéo dài trên 3–5 ngày,
Kèm theo đau bụng nhiều, sốt, buồn nôn, đi ngoài bất thường
thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác, tránh bỏ sót các bệnh lý tiêu hóa tiềm ẩn như viêm dạ dày, loét, rối loạn tiêu hóa chức năng…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp