✴️ Cách phòng chống bệnh tiêu chảy cấp

Nội dung

Triệu chứng bệnh tiêu chảy cấp

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy cấp như: đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: phân toàn nước đục như nước vo gạo); nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, chân tay lạnh…

 

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp

Tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩ quan trong quá trình tìm hiểu cách phòng chống bệnh tiêu chảy cấp. Có nhiều nguyên nhân gây chứng tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do vi rút, vi khuẩn, …đặc biệt, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn Tả (còn gọi là bệnh Tả).

Bệnh tiêu chảy có khả năng lây lan rất nhanh và gây thành dịch lớn, bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh tiêu chảy cấp chịu tác động trực tiếp với các yếu tố như: điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

 

Đối tượng dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp

Những người có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao gồm: Người sống tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh; người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, có thói quen ăn uống không hợp vệ sinh như hay ăn rau sống, gỏi sống, thủy hải sản chưa nấu chín, người sống gần người bệnh mà không áp dụng các biện pháp phòng bệnh; người sống tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt…

 

Cách phòng chống bệnh tiêu chảy cấp

Tính nguy hiểm và khả năng lây lan thành đại dịch lớn của bệnh tiêu chảy cấp đã được thực tiế kiểm nghiệm, có nhiều người đặc biệt là trẻ em đã phải bỏ mạng vì căn bệnh này. Do vậy, công tác phòng chống bệnh tiêu chảy cấp cần được đề cao và nghiêm túc thực hiện:

Tránh ăn các thực phẩm tươi sống như tiết canh, gỏi cá, nem chua,…

1. Đẩy mạnh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.

Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với vùng đang có dịch.

2. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm:

Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

Không ăn các thức ăn khi chưa được nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua…

Chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng.

Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.

Không tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan… trong vùng đang có dịch.

Ngoài ra, cần bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối… chảy vào;  không đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối…

Đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top