✴️ Cách xử trí khi mắc polyp túi mật 8mm

Polyp túi mật hay u nhú niêm mạc túi mật, là một dạng tổn thương có hình dạng u hoặc giả u. Polyp túi mật nguy hiểm hay không còn dựa vào kích thước, hình dạng… của nó. Nhiều người mắc polyp túi mật 8mm thường băn khoăn kích thước này có nguy hiểm không và có phải mổ không. Bài viết xin được giải đáp thông tin.

 

1. Polyp túi mật có nguy hiểm không

Nhiều người khi được chẩn đoán có polyp túi mật trở nên lo lắng và bất an. Tuy nhiên, hầu hết polyp túi mật đều lành tính. Chỉ có một số diễn tiến thành ung thư. Mức độ nguy hiểm của polyp túi mật được xem xét dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như sau:

– Tuổi: Ở những bệnh nhân trên 50 tuổi khi có polyp sẽ có nguy cơ ung thư cao hơn.

– Hình dạng: Polyp không cuống được xác định là có nguy cơ ung thư cao hơn so với các polyp có cuống.

– Số lượng: Thông thường, các polyp được xác định ác tính thường xuất hiện đơn lẻ.

– Kích thước: Các polyp có kích thước dưới 10mm thường lành tính. Bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với polyp mà không cần can thiệp gì. Cần chú ý theo dõi tốc độ gia tăng kích thước của polyp. Polyp có kích thước từ 11mm trở lên, tùy vào tình trạng cụ thể mà thường có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật nhằm ngăn chặn tiến triển ung thư.

– Polyp đi kèm sỏi túi mật: Trường hợp này cần sớm cắt bỏ vì sỏi có thể gây viêm túi mật cấp tính.

– Người mắc polyp bị viêm túi mật mạn tính: Khi đó cần cắt polyp càng sớm càng tốt với bất cứ kích thước nào.

Polyp túi mật thường lành tính, tuy nhiên cũng có 1 số trường hợp có thể phát triển thành ung thư

 

2. Xử trí khi mắc polyp túi mật 8mm

2.1. Polyp túi mật 8mm cần điều trị theo dõi

Kích thước polyp túi mật là 8mm thông thường chưa có gì nguy hiểm. Cần xem xét dựa vào các dấu hiệu gây ra bởi polyp.

– Nếu người bệnh có biểu hiện đau quặn bên mạn sườn phải, chướng bụng khó tiêu thì cần theo dõi sát sao và cân nhắc phẫu thuật khi kích thước tăng nhanh vượt 1cm.

– Nếu người bệnh không có triệu chứng cụ thể thì chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi kích thước, tình trạng polyp. Nếu polyp tăng quá nhanh về kích thước, như gấp 2, gấp 3 sau 3 – 6 tháng thì cần phẫu thuật sớm. Cũng cần chú ý về hình dạng polyp, xem xét những bất thường để can thiệp sớm.

Cần theo dõi các yếu tố như sau:

– Siêu âm định kỳ 3 tháng/ lần. Vì kích thước 8mm không quá nhỏ nên cần đặc biệt lưu ý.

– Chú ý các cơn đau mạn sườn phải, tần suất, mức độ và thời gian có nhiều hay không.

– Theo dõi các biến chứng viêm túi mật, viêm tụy…

– Theo dõi cả hình dạng và kích thước polyp: có cuống hay không, hình dạng có đặc biệt hay không

Trong vòng 2 năm, nếu kích thước polyp không phát triển quá nhiều thì người bệnh có thể yên tâm hơn.

Người bệnh cần lưu ý rằng không có thuốc điều trị polyp túi mật. Do đó, không nên tự ý dùng thuốc theo lời khuyên của bất cứ ai tránh gây nên những hậu quả đáng tiếc. Nếu xuất hiện các dấu hiệu polyp gây cản trở lưu thông dịch mật, đau tức… cần chú ý chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng.

2.2. Polyp túi mật 8mm cần chú ý chế độ ăn uống

Trong quá trình theo dõi diễn tiến của polyp, người bệnh cần lưu ý đến dinh dưỡng hằng ngày. Điều này là vô cùng quan trọng để hạn chế các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa sự phát triển của polyp. Chế độ được khuyến cáo như sau:

Người bệnh nên ăn:

– Các loại trái cây tươi, rau củ quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể.

– Đối với các loại thịt, nên ăn thịt bò, thịt lợn nạc, thịt gia cầm đã bỏ da

– Đối với trứng, nên ăn lòng trắng trứng

– Bổ sung các loại sữa nguyên chất ít đường và ít béo

– Tinh bột nguyên cám được khuyến khích sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Cũng có thể dùng bột gạo lứt, bột yến mạch… thay thế.

– Các chất béo tốt được khuyến khích bổ sung đó là các loại hạt óc chó, bơ, hạt hạnh nhân…

– Nên ăn cá biển và bổ sung nhiều chất xơ vào mỗi bữa ăn

Không nên dùng:

– Đối với các loại sữa nhiều đường, người mắc polyp túi mật cần hạn chế. Uống sữa sẽ kích thích cơn đau vùng bụng dưới, khiến người bệnh bị đầy hơi, chướng bụng.

– Không nên ăn lòng đỏ trứng gà

– Hạn chế bổ sung các chất kích thích không có lợi như rượu bia, các loại đồ uống có cồn

– Người bệnh không nên ăn socola vì socola có thể gây nên những triệu chứng khó chịu ở vùng bụng. Đồng thời, socola cũng có thể làm gia tăng kích thước polyp ở túi mật.

– Các loại đồ chiên xào, thức ăn nhanh hay thịt mỡ cũng cần hạn chế để không gây kích ứng cho vùng bụng

Đồng thời, người bệnh cũng cần vận động nhẹ nhàng hằng ngày. Giữ cho mình một lối sống tích cực và lành mạnh là yếu tố then chốt để đẩy lui bệnh tật.

Nếu bạn đang mắc polyp túi mật 8mm thì hi vọng qua bài viết này bạn đã có cho mình những thông tin cần thiết. Tìm đến các địa chỉ y tế tin cậy và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa là chìa khóa vàng giúp bạn vượt qua bệnh tật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top