Xơ gan thường có biểu hiện không rõ và tiến triển trong âm thầm, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó việc phát hiện và chẩn đoán xơ gan sớm để điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Thông thường xơ gan được phát hiện đầu tiên thông qua xét nghiệm máu định kỳ hoặc kiểm tra sức khỏe. Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện nhiều xét nghiệm để chẩn đoán xơ gan.
Các xét nghiệm được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán xác định xơ gan bao gồm:
Xét nghiệm máu
Trong chẩn đoán xơ gan, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan và thương tổn ở gan. Nếu nồng độ enzym alanine transaminase (ALT) và aspartate transferase (AST) trong máu quá cao là dấu hiệu cảnh báo bị viêm gan.
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể được sử dụng trong chẩn đoán xơ gan. Các xét nghiệm này cung cấp hình ảnh chi tiết về gan giúp xác định các bất thường ở gan.
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là phương pháp chẩn đoán xơ gan trong đó một mẩu nhỏ của tế bào gan được lấy ra đem kiểm tra dưới kính hiển vi, để xác định các tổn thương trong gan, viêm gan nhiều hay ít, bệnh gan đang ở giai đoạn nào và gan có bị xơ hay không. Đây là xét nghiệm quyết định trong chẩn đoán xơ gan, góp phần chẩn đoán nguyên nhân và phân loại xơ gan.
Nội soi
Trong quá trình nội soi, một ống nội soi sẽ được đưa qua cổ họng vào dạ dày. Hình ảnh của thực quản và dạ dày sẽ được truyền đến một màn hình bên ngoài. Nơi có giãn tĩnh mạch (mạch bị sưng) – một dấu hiệu của xơ gan, sẽ được quan sát thấy.
Tầm soát ung thư gan
Những người bị bệnh xơ gan có nguy cơ phát triển một loại ung thư gan được gọi là ung thư biểu mô tế bào gan.
Do đó người bệnh sẽ được yêu cầu tầm soát ung thư gan thường xuyên nếu bị xơ gan, cụ thể là xét nghiệm máu và siêu âm 6 tháng/lần.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh