✴️ Đau thượng vị cảnh báo bệnh gì và cần xử lý như thế nào?

Đau thượng vị là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh về tiêu hóa. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

 

1. Đau thượng vị là gì?

Đau thượng vị là đau vùng trên rốn, dưới mũi xương ức và giữa 2 bên xương sườn. Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ, thỉnh thoảng mới xuất hiện, hoặc đau quằn quại, có trường hợp đau nhói ra phía sau lưng.

Vùng thượng vị tập trung nhiều bộ phận quan trọng của cơ thể như: dạ dày, ruột thừa, tuyến mật, tuyến tụy… Do đó, những cơn đau ở khu vực này có thể cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là các bệnh tiêu hóa.

 

2. Biển hiện của đau thượng vị

Tình trạng đau vùng bụng trên rốn có thể biểu hiện thành một số triệu chứng như sau:

– Cơn đau có tính chất cấp tính, có thể xuất hiện đột ngột.

– Đau bụng âm ỉ, tình trạng đau xuất hiện trong thời gian dài.

– Theo tiến triển của bệnh, cơn đau tăng dần về tần suất và mức độ: Khi bệnh nặng hơn, cơn đau thường rất dữ dội, nhiều trường hợp người bệnh đau đến vã mồ hôi phải nhập viện khẩn cấp.

– Triệu chứng đau đi kèm với cảm giác nóng rát vùng thượng vị: Cảm giác này xảy ra rất thường xuyên, sau khi ăn quá no, ăn nhiều thức ăn cứng, sau khi uống cà phê hoặc ăn các món chua,…

– Triệu chứng đau lan dần lên ngực, có thể đi kèm cảm giác nóng rát.

– Đầy bụng, khó tiêu, căng tức vùng thượng vị, cảm giác có hơi bên trong bụng.

– Đau bụng kèm ợ hơi, ợ chua, rát ở ngực và cổ họng.

– Ăn kém, thường bị buồn nôn và nôn.

 

3. Đau thượng vị cảnh báo những bệnh lý gì?

Tình trạng này là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiêu hóa, bao gồm: viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, viêm hang vị, xuất huyết dạ dày,… Dựa vào tính chất của cơn đau, hướng lan, diễn tiến và các biểu hiện khác đi kèm, người bệnh có thể dự đoán được phần nào các bệnh lý gây ra cơn đau vùng thượng vị.

3.1. Đau dạ dày (do tổn thương, viêm loét)

Đau dạ dày là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đau thượng vị. Cơn đau dữ đội xuất hiện khi đói và sau khi ăn no. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng ợ chua, ợ hơi, buồn nôn, nôn, bụng cồn cào, khó chịu.

Bệnh đau dạ dày gây ra bởi những tổn thương, viêm, loét tại dạ dày. Tình trạng này xuất phát từ thói quen ăn uống không điều độ, thói quen bỏ bữa; chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, đồ chua cay; thường xuyên uống rượu bia; lạm dụng thuốc giảm đau; căng thẳng và lo lắng kéo dài…

Viêm loét dạ dày và hành tá tràng khi trở thành mạn tính có thể dẫn đến biến chứng hẹp môn vị. Cơn đau bụng âm ỉ thường xuất hiện sau khi ăn, người bệnh bị chứng khó tiêu, chán ăn, không có cảm giác đói, lâu dần dẫn đến suy kiệt. Tình trạng viêm loét nếu không được điều trị có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Đau bụng trên rốn thường gây ra bởi các bệnh lý về dạ dày

3.2. Trào ngược dạ dày – thực quản

Axit dạ dày trào ngược lên thực quản gây đau vùng thượng vị, đau ngực và cổ họng.

3.3. Thủng dạ dày gây đau thượng vị

Thủng dạ dày gây ra cơn đau như có dao đâm, bụng cứng. Người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở uy tín để cấp cứu. Nếu thủng vào mạch máu, tình trạng mất máu có thể gây sốc và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phẫu thuật kịp thời.

3.4. Các bệnh lý của gan – mật

Các bệnh lý liên quan đến gan – mật cũng là nguyên nhân gây ra các cơn đau vùng bụng trên rốn. Cụ thể:

– Cơn đau quặn mật: Xuất hiện ở hạ sườn phải hoặc thượng vị, lan lên vai hoặc xuyên ra sau lưng, có thể kèm triệu chứng nôn.

– Viêm túi mật cấp: Gây đau vùng thượng vị, sốt, vàng da…

– Áp-xe gan: Đau chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải, nếu ổ áp-xe to cấp tính thì đau có thể lan rộng cả thượng vị hoặc khắp bụng. Ngoài ra, người bệnh có thêm một số triệu chứng như: sốt cao rét run, gan sưng to, ấn kẽ sườn đau, có thể nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

3.5. Đau thượng vị do viêm tụy

Với bệnh viêm tụy cấp, cơn đau bụng xuất hiện liên tục, đau dữ dội kèm nôn, chướng bụng, có thể bị sốt. Trong khi đó, bệnh viêm tụy mạn gây ra cơn đau âm ỉ kéo dài, người bệnh có biểu hiện kém hấp thu, suy dinh dưỡng.

3.6. Bệnh lý tiêu hóa khác

Ngoài các bệnh lý kể trên, tình trạng đau thượng vị có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiêu hóa khác như:

– Ngộ độc thức ăn: Cơn đau xuất hiện đột ngột, người bệnh buồn nôn, nôn, chướng bụng kèm tiêu chảy. Mức độ đau giảm sau khi nôn hoặc đại tiện.

– Nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa: Cơn đau lan ra khắp bụng, sốt cao, phân lỏng lẫn máu hoặc nhầy, có thể gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.

– Viêm ruột thừa: Cơn đau xuất hiện đầu tiên ở vùng thượng vị kèm sốt nhẹ, sau đó di chuyển xuống hố chậu phải.

3.7. Đau thượng vị do bệnh lý ngoài đường tiêu hóa

Bất thường tại các cơ quan phía trên ổ bụng cũng có thể là nguyên nhân gây đau thượng vị. Trong đó có thể kể đến các vấn đề tại tim, phổi, màng phổi, cơ hoành, lớp cơ ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng,…). Ở bệnh nhân suy tim nặng, gan sưng to và ứ huyết khiến vùng thượng vị đau căng tức. Người bệnh nhồi máu cơ tim vùng sau dưới có thể bị đau bụng vùng trên rốn (thay vì đau vùng ngực trái) kèm khó thở, có khi bị ngất xỉu.

Cơn đau tại thượng vị cũng là dấu hiệu của các bệnh viêm phổi thùy dưới, viêm màng phổi vùng hoành, áp-xe phổi, viêm hoặc áp-xe trung thất, cơ hoành,…  Tổn thương tại các tạng lân cận khiến đường dẫn truyền thần kinh kích thích đau có thể khiến người bệnh có biểu hiện triệu chứng tiêu hóa tương tự. Vì vậy cơn đau do tạng khác rất dễ bị bỏ sót do nhầm với bệnh lý tiêu hóa, nhất là khi người bệnh có thêm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn. Từ đó dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

 

4. Đau thượng vị xử lý như thế nào?

Khi gặp triệu chứng đau thượng vị, đặc biệt là các cơn đau dữ dội, người bệnh cần đi khám ngay tại cơ sở y tế uy tín. Chậm trễ trong thăm khám và điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Qua kết quả thăm khám và các xét nghiệm được chỉ định, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác về nguyên nhân gây ra tình trạng đau vùng thượng vị, từ đó có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.

Khi đã xác định được nguyên nhân và tình trạng bệnh, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, người bệnh nên xin tư vấn từ bác sĩ để có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, bổ trợ cho phác đồ điều trị và đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Mặt khác, mỗi người nên chủ động nội soi định kỳ mỗi năm để phát hiện sớm các bệnh lý đường tiêu hóa.

Tình trạng đau thượng vị là dấu hiệu của nhiều bệnh lý về tiêu hóa. Đây là triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh và ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Người bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top