✴️ Khám và chữa trị viêm đường mật

Nội dung

Viêm đường mật là bệnh lý nhiễm trùng ống mật chủ chủ yếu do sỏi mật gây ra. Khám và điều trị viêm đường mật cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

 

Nguyên nhân gây viêm đường mật

Tình trạng viêm đường mật được tạo thành do nhiễm khuẩn gây ra bởi các loại vi khuẩn như Klebsiella spp., Escherichia coli, Enterobacter spp., enterococci và streptococci. Dịch mật khi lưu thông trong đường dẫn mật là vô trùng, nhưng nếu dòng chảy của nó bị giảm hoặc tắc nghẽn thì nhiễm khuẩn có thể xảy ra. Vì vậy, các bệnh lý như sỏi mật, ung thư ống mật, dị dạng đường mật bẩm sinh đều có thể dẫn đến viêm đường mật. Ngoài ra, vi khuẩn có thể được xâm nhập trong quá trình phẫu thuật; vi khuẩn tại đường ruột hay do nhiễm trùng máu. Nhiễm giun hoặc ký sinh trùng đường ruột cũng dẫn đến nguy cơ gây viêm đường mật.

Viêm đường mật do nhiều nguyên nhân gây ra cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả

 

Triệu chứng cảnh báo viêm đường mật

Viêm đường mật bao gồm tình trạng viêm cấp tính và viêm mạn tính. Thường trong đợt cấp tính các biểu hiện của bệnh sẽ khởi phát đột ngột và trầm trọng hơn. Các triệu chứng điển hình của viêm đường mật được gọi tên là tam chứng Charcot, bao gồm:

– Đau: Là triệu chứng điển hình nhất, đau có thể rất dữ dội. Vị trí đau ban đầu là hạ sườn phải và gây cứng cơ vùng thượng vị, sau đó lan lên ngực, ra sau lưng hoặc lên vùng vai phải.

– Sốt cao: Là dấu hiệu quá trình viêm. Nếu trong giai đoạn cấp tính sốt có thể lên tới 39 – 40oC, kèm theo rét run, vã mồ hôi

– Vàng da: Là do ứ dịch mật, các sắc tố mật ngấm vào máu có thể gây vàng da, niêm mạc, vàng mắt, nước tiểu đậm màu…

Người bệnh viêm đường mật thường có triệu chứng đau bụng, sốt cao, chán ăn

 

Chẩn đoán viêm đường mật như thế nào?

Sau khi thăm khám lâm sàng, để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm đường mật và sự tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như:

– Xét nghiệm máu kiểm tra các chỉ số như:

Bilirubin máu: Bất kể ứ mật do nguyên nhân gì thì nồng độ bilirubin huyết thanh thường tăng lên. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào bilirubin thì không thể phân biệt được các nguyên nhân gây tắc mật.

Phosphatase kiềm: Tăng cao báo hiệu tình trạng ứ mật do viêm đường mật.

Men gan (AST, ALT): nếu có viêm đường mật, men gan sẽ tăng cao rõ rệt.

Các chỉ số xét nghiệm máu trên đây chỉ giúp định hướng tình trạng tắc mật nhưng không phát hiện được nguyên nhân tắc nghẽn. Vì vậy cần tiến hành thêm:

– Siêu âm ổ bụng: đường mật giãn, thành mật dày có xuất hiện giun hoặc sỏi,..

– Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Giúp xác định chính xác nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn đường mật, chẩn đoán viêm, nhiễm trùng đường mật.

 

Biến chứng nguy hiểm viêm đường mật

Viêm đường mật nếu phát hiện đã ở giai đoạn muộn, không được theo dõi và điều trị tích cực có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

– Chảy máu đường mật: Người bệnh có thể nôn ra máu, chất nôn có màu nâu, sốt cao vàng da,

– Nhiễm khuẩn máu: Là biến chứng cấp tính rất nguy hiểm, nhiễm khuẩn máu rất khó điều trị, gây ra các triệu chứng nặng nề như sốt cao, rét run, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt…

– Áp xe đường mật: Trên hình ảnh lâm sàng thấy nhiều ổ áp xe nhỏ, sốt cao nhưng dao động lớn, gan to và đau

– Viêm gan: Viêm gan do dịch mật bị ứ đọng làm tổn thương các tế bào gan gây vàng da, rối loạn tiêu hóa, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các biến chứng như viêm tụy, viêm thận, suy thận, hoại tử túi mật. Chính vì vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng nhưng không rõ ràng của bệnh viêm đường mật, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

 

Điều trị viêm đường mật như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn là chỉ định hàng đầu cho bệnh nhân viêm đường mật. Đa phần người bệnh sẽ đáp ứng rất tốt với các loại kháng sinh.

– Điều trị nội khoa với thuốc kháng sinh: tốt nhất dựa vào kháng sinh đồ của cấy máu và dịch mật, phối hợp hai kháng sinh như ampicillin với gentamycin hoặc cephalosporin với gentamycin… Thuốc giảm đau : atropin, papaverin, spasmaverin…, thuốc hạ sốt,..

– Nếu điều trị nội khoa không thuyên giảm bác sĩ có thể sẽ chỉ định cần can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top