✴️ Loét dạ dày - nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Loét dạ dày là vết lở gây tổn thương xuất hiện ở niêm mạc dạ dày xảy ra khi lớp chất nhầy dày bảo vệ dạ dày khỏi dịch axit tiêu hóa bị giảm. Điều này khiến các axit tiêu hóa ăn mòn các mô lót dạ dày, gây loét.

Loét dạ dày có thể dễ dàng được chữa khỏi, nhưng chúng có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách.

Nguyên nhân gây loét dạ dày?

Loét dạ dày gây ra bởi một hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân sau đây:

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) với một số chủng nhất định

  • Sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen.

  • Hội chứng Zollinger-Ellison (hiếm khi xảy ra chỉ chiếm khoảng 1%) có thể gây loét dạ dày và ruột bằng cách tăng sản xuất axit của cơ thể.

Triệu chứng loét dạ dày

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết loét mà các triệu chứng khác nhau nh cảm giác nóng rát hoặc đau ở giữa bụng giữa ngực và rốn. Thông thường, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi đói kéo dài trong vài phút đến vài giờ.

Các triệu chứng phổ biến khác của loét bao gồm:

  • Đau bụng âm ỉ, tụt cân, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn

  • Đầy hơi, có cảm giác no.

  • Ợ hơi, ợ nóng hoặc trào ngược axit, cảm giác nóng rát ở ngực

  • Đau có thể cải thiện khi ăn, uống hoặc uống thuốc kháng axit

  • Thiếu máu, có các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở hoặc da nhạt màu

  • Phân, chất nôn có màu sẫm.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng loét dạ dày  nào trên đây, cần có những thăm khám và chữa trị. Vết loét có thể trở nên sâu và phức tạp hơn hơn nếu chúng không được điều trị. Xuất huyết dạ dày nhiều có thể đe dọa tính mạng.

Làm thế nào được chẩn đoán loét dạ dày?

Để chẩn đoán loét dạ dày, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả thăm khám của các lần trước đây cùng với các triệu chứng hiện tại và bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đang dùng.

Để loại trừ nhiễm H.pylori, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở

Các xét nghiệm và thủ thuật khác khác được sử dụng để chẩn đoán loét dạ dày bao gồm:

  •  Uống thuốc cản quang: Chất lỏng màu trắng đặc (barium) bao phủ đường tiêu hóa trên của bạn và giúp bác sĩ nhìn thấy các tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột non của bạn trên hình X-quang

  •  Nội soi (EGD): Một ống mỏng, sáng được đưa vào qua miệng vào dạ dày và phần đầu tiên của ruột non. Kỹ thuật này được sử dụng để tìm kiếm vết loét, chảy máu và bất kỳ mô nào có biểu hiện bất thường.

  • Sinh thiết nội soi: Một phần mô dạ dày được lấy ra trong quá trình nội soi để có thể phân tích giải phẫu bệnh khi cần thiết.

Điều trị loét dạ dày

Hầu hết các vết loét có thể được điều trị bằng đơn thuốc, nhưng trong một số ít trường hợp, có thể cần phải phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật

Nếu nguyên nhân của loét dạ dày do H. pylori, cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp ngăn tế bào dạ dày sản xuất axit.

Ngoài các phương pháp điều trị trên, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị:

  •  Thuốc ức chế thụ thể H2 (thuốc cũng ngăn chặn sản xuất axit)
  •  Ngừng sử dụng tất cả các NSAID
  •  Nội soi theo dõi
  •  Men vi sinh (vi khuẩn hữu ích có thể có vai trò tiêu diệt H. pylori)
  • Sử dụng thuốc băng niêm mạc hỗ trợ điều trị (vd: Bismuth...)

Các triệu chứng loét có thể giảm nhanh chóng khi điều trị. Nhưng ngay cả khi các triệu chứng không còn xuất hiện nữa, người bệnh vẫn tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng với nhiễm trùng H. pylori để đảm bảo rằng tất cả các vi khuẩn đã được tiêu diệt hoàn toàn.

Tác dụng phụ của thuốc dùng để điều trị loét dạ dày có thể bao gồm:

  •  Buồn nôn, chóng mặt, đau đầu.
  •  Tiêu chảy, đau bụng

Những tác dụng phụ này thường chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, tuy nhiên nếu các tác dụng phụ trên gây quá khó chịu, cần gặp bác sĩ để có thay đổi loại thuốc điều trị phù hợp.

Điều trị phẫu thuật

Trong những trường hợp rất hiếm, loét dạ dày phức tạp cần phải phẫu thuật:

  • Loét tái đi tái lại.
  •  Loét không lành, chảy máu, thủng dạ dày
  •  Dính, tắc lưu thông ống tiêu hóa (từ dạ dày xuống ruột non).

Phẫu thuật có thể bao gồm:

  •  Loại bỏ toàn bộ vết loét
  •  Lấy một phần ruột vá lên tại vị trí loét
  •  Làm tắc động mạch gây chảy máu
  •  Phẫu thuật liên hệ thần kinh dạ dày để giảm sản xuất axit dạ dày.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh có lợi cho đường tiêu hóa và sức khỏe tổng thể của bạn.

Chế độ ăn kiêng với nhiều trái cây, rau và chất xơ.

Một số thực phẩm có vai trò trong việc loại bỏ H. pylori hoặc tăng số lượng vi khuẩn có lợi ở đường tiêu hóa bao gồm:

  •  Bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và củ cải
  •  Rau xanh, như rau bina và cải xoăn
  •  Thực phẩm giàu chế phẩm sinh học, chẳng hạn như dưa cải bắp, sữa chua (đặc biệt là với lactobacillus và Sacharomyces)
  •  Táo, việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, dầu ô liu.

Ngoài ra, những người bị loét dạ dày có thể có bệnh trào ngược axit đi kèm nên tránh xa thực phẩm cay và chua trong quá trình điều trị.

Tìm hiểu thêm: NSAID và bệnh lý dạ dày

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top