Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng tiêu hóa, không phải là một bệnh. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích, tuy nhiên dựa trên các kinh nghiệm thăm khám từ nhiều trường hợp, bác sĩ đưa ra những nhân tố gây ra hội chứng ruột kích thích như sau.
Chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích là do các yếu tố sau đây gây ra. Tuy nhiên căn cứ dựa trên nhiều trường hợp thăm khám bị hội chứng ruột kích thích, các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa nhận thấy: Việc nhạy cảm với một số loại thức ăn hoặc do hấp thu kém một số loại đường hoặc acid mật – là những chất giúp chuyển hóa các chất béo và loại bỏ các chất thải trong cơ thể sẽ khiến người bệnh dễ mắc hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra các một số yếu tố khác như bất thường nhu động ruột, nhiễm trùng đường ruột, dị ứng thức ăn, các yếu tố thần kinh – tâm lý như căng thẳng, trầm cảm,… sẽ làm gia tăng mắc hội chứng ruột kich thích.
Các triệu chứng ruột kích thích thường dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh đường tiêu hóa như: tình trạng đau quặn bụng, thay đổi các thói quen đại tiện, tiểu nhiều lần hoặc tiểu ít hơn bình thường. Phân lỏng, nhiều nước hoặc phân cứng, vón cục nhiều hơn so với bình thường. Và người bệnh thường đỡ đau, cảm thấy dễ chịu hơn sau khi đi đại tiện xong.
Sau đây xin liệt kê hai dấu hiệu điển hình nhất của hội chứng ruột kích thích là:
Đi đại tiện phân lỏng, nhão ít nhất là 3 lần trong 1 ngày và cảm giác cần đi đại tiện gấp
Đi đại tiện ít hơn 3 lần trong 1 tuần. Khi đi đại tiện, phân có thể cứng, khô, nhỏ và khó đi. Một số người bệnh cảm thấy đau và thường phải gắng sức khi đi đại tiện. Cảm giác vẫn còn phân sau khi đi đại tiện. Phân có thể có chất nhầy.
Hội chứng ruột kích thích không thể chữa khỏi, tuy nhiên chúng ta có thể giảm bớt các triệu chứng của chứng bằng việc thay đổi thói quen trong việc ăn uống, chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với dùng thuốc và men tiêu hóa. Ngoài ra, các liệu pháp giúp giảm căng thẳng như đi bộ, yoga, giảm stress, ngủ đủ giấc sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng ruột kích thích.
Về chế độ ăn uống với người mắc hội chứng ruột kích thích, bạn cần lưu ý những điều sau:
– Khẩu phần ăn vừa đủ, không nên ăn nhiều trong một bữa, hãy ăn thành các bữa nhỏ, thường xuyên hơn. Ăn ít các chất béo và nhiều trái cây, rau, quả.
– Hạn chế các đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, cà phê, các đồ uống hay nước ngọt có ga.
– Ăn các loại đồ ăn có chứa chất xơ vì chúng giúp cải thiện chứng táo bón, giúp làm mềm phân. Tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều độ ăn chứa chất xơ, vì có thể tạo ra các khí và làm cho hội chứng ruột kích thích nặng lên, gây khó chịu cho người bệnh.
Khi mắc hội chứng ruột kích thích người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, ăn uống sẽ không ngon miệng, lâu ngày sẽ dễ gây ra các bệnh lý về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày-thực quản, viêm loét dạ dày,…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh