✴️ Nguyên nhân nào gây ra tình trạng khó nuốt

Chứng khó nuốt là tình trạng khi một người gặp khó khăn trong quá trình nuốt thức ăn, họ phải cố gắng hơn bình thường để đẩy thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Nguyên nhân thường do các vấn đề về thần kinh hoặc cơ. Chứng khó nuốt có thể gây đau đớn, thường gặp ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Mặc dù theo thuật ngữ y khoa “khó nuốt” thường được coi là một triệu chứng hay dấu hiệu, nhưng đôi khi nó được sử dụng để mô tả tình trạng gặp khó khăn trong quá trình nuốt. Có rất nhiều nguyên nhân có khả năng gây ra chứng khó nuốt: nếu tình trạng chỉ xuất hiện một hay hai lần thì có thể không phải vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu xảy ra thường xuyên thì chúng ta cần đến gặp bác sĩ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chứng khó nuốt và việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân của nó.

Định nghĩa

“Nuốt” là một quá trình phức tạp với sự tham gia của các dây thần kinh và cơ khác nhau. Chứng khó nuốt xảy ra khi chúng ta gặp khó khăn ở bất kỳ vị trí nào trong quá trình nuốt.

Gồm 3 loại:

  • Khó nuốt khoang miệng: nguyên nhân xảy ra ở khoang miệng, có thể do lưỡi yếu sau đột quỵ, khó nhai thức ăn hoặc các vấn đề vận chuyển thức ăn từ miệng.
  • Khó nuốt hầu – họng: nguyên nhân ở vùng hầu - họng, thường do rối loạn về thần kinh ảnh hưởng đến thần kinh (ví dụ: bệnh Parkinson, đột quỵ hoặc chứng xơ cứng teo cơ một bên).
  • Khó nuốt thực quản: nguyên nhân ở thực quản, thường do tắc nghẽn cơ học hay do sự kích thích. Trong trường hợp này, thường phải sử dụng thủ thuật để giải quyết tình trạng này.

Lưu ý: đau khi nuốt (odynophagia) khác với chứng khó nuốt (dysphagia) nhưng có thể xảy ra 2 tình trạng này cùng lúc. Nghẹn là cảm giác có thứ gì đó mắc kẹt trong cổ họng.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân có thể gây ra chứng khó nuốt bao gồm:

  • Bệnh xơ cứng teo cơ một bên: một dạng thoái hóa thần kinh tiến triển không thể chữa khỏi; theo thời gian, các dây thần kinh ở cột sống và não dần dần bị mất chức năng.
  • Co thắt tâm vị: cơ thực quản dưới không giãn đủ để đưa thức ăn vào dạ dày.
  • Co thắt thực quản lan tỏa: các cơ trong thực quản co thắt một cách không đồng đều.
  • Đột quỵ: tế bào não chết do thiếu oxy vì lưu lượng máu giảm. Nếu các tế bào não kiểm soát hoạt động nuốt bị ảnh hưởng, nó có thể gây ra chứng khó nuốt.
  • Vòng thực quản: một phần nhỏ của thực quản thu hẹp lại, đôi khi gây cản trở thức ăn rắn đi qua.
  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: tình trạng tăng nghiêm trọng của bạch cầu ái toan trong thực quản, chúng phát triển một cách mất kiểm soát và tấn công vào hệ tiêu hóa, dẫn đến nôn ói và khó nuốt thức ăn.
  • Bệnh đa xơ cứng: hệ thống thần kinh trung ương bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch, phá hủy myelin - thành phần bảo vệ các dây thần kinh.
  • Bệnh nhược cơ (bệnh Goldflam): bệnh tự miễn. Bệnh xảy ra do có rối loạn trong dẫn truyền xung thần kinh – cơ gây nên tình trạng yếu, mỏi cơ.
  • Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson - Bệnh Parkinson: chứng rối loạn thần kinh thoái hóa, tiến triển dần dần làm suy giảm các kỹ năng vận động của bệnh nhân.
  • Bức xạ: một số bệnh nhân được xạ trị vùng cổ và đầu có thể gặp khó khăn khi nuốt.
  • Sứt môi và hở hàm ếch: một dạng phát triển bất thường của khuôn mặt do xương ở đầu không hợp nhất hoàn toàn, dẫn đến khe hở ở vòm miệng và vùng môi đến mũi.
  • Xơ cứng bì: một nhóm các bệnh tự miễn dịch hiếm gặp, da và các mô liên kết trở nên căng hơn và cứng lại.
  • Ung thư thực quản: một loại ung thư ở thực quản, thường liên quan đến rượu và thuốc lá, hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
  • Chứng hẹp thực quản: tình trạng thu hẹp thực quản, thường liên quan đến GERD.
  • Khô miệng: tình trạng không có đủ nước bọt để giữ được sự ẩm ướt của khoang miệng.

nguyên nhân

Triệu chứng

Một số bệnh nhân có tình trạng khó nuốt nhưng lại không nhận thức được bản thân đang bị khó nuốt. Trong những trường hợp này, việc không được chẩn đoán và điều trị sẽ làm tăng nguy cơ viêm phổi hít (một tình trạng nhiễm trùng phổi có thể phát triển sau khi vô tình hít phải nước bọt hoặc thức ăn).

Chứng khó nuốt không được chẩn đoán cũng có thể dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng. Các triệu chứng liên quan đến chứng khó nuốt bao gồm:

  • Bị nghẹn khi ăn.
  • Ho hoặc nôn khan khi nuốt.
  • Chảy nước dãi.
  • Thức ăn hoặc axit dạ dày trào ngược vào cổ họng.
  • Ợ chua tái phát.
  • Khàn giọng.
  • Cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, ngực hay sau xương ức.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Nôn trớ.
  • Khó kiểm soát thức ăn trong miệng.
  • Khó khăn khi bắt đầu nuốt thức ăn.
  • Viêm phổi tái phát.
  • Không kiểm soát được nước bọt trong miệng.

Bệnh nhân có thể cảm thấy như "thức ăn đã bị mắc kẹt".

Yếu tố nguy cơ

Sự lão hóa: người lớn tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Điều này là do sự suy yếu toàn bộ cơ thể theo thời gian. Ngoài ra, một số bệnh của tuổi già có thể gây ra chứng khó nuốt, chẳng hạn như bệnh Parkinson.

Bệnh lý thần kinh: rối loạn hệ thần kinh nào đó trong cơ thể có thể khiến tình trạng khó nuốt dễ xảy ra hơn.

Biến chứng

Viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp trên - cụ thể là viêm phổi hít có thể xảy ra nếu có dị vật đi vào phổi trong quá trình nuốt.

Suy dinh dưỡng đặc biệt xảy ra với những người không nhận thức được chứng khó nuốt của họ và không được điều trị. Do đó, họ có thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu để duy trì sức khoẻ.

Mất nước khi người bệnh không thể uống được đúng cách, không nạp đủ lượng nước cần thiết dẫn đến tình trạng mất nước.

Xem tiếp: Chẩn đoán và điều trị khó nuốt

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top