✴️ Nguyên nhân trào ngược dạ dày – thực quản tái đi tái lại

Nội dung

Trào ngược dạ dày – thực quản là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, gây nhiều khó chịu. Nếu không tìm ra căn nguyên gây bệnh và có phương án điều trị phù hợp, bệnh sẽ tái phát nhiều lần. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.

Vì sao trào ngược dạ dày – thực quản kéo dài mãi không khỏi?

Sai lầm trong điều trị

Khi bắt gặp các triệu chứng cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày như ợ nóng, khó nuốt, đau ngực,… nhiều người không đến bệnh viện kiểm tra mà lại tự đoán và chữa bệnh. 

Nguyên nhân gây trào ngược rất đa dạng, bao gồm các vấn đề tại dạ dày – thực quản, thói quen ăn uống, yếu tố tâm lý,… Người bệnh chủ quan ỉ lại vào tác dụng ban đầu của thuốc, vô hình trung sẽ khiến bệnh không được xử lý tận gốc, dễ tái phát. Thậm chí bệnh có thể chuyển biến nặng hơn, gây ra những tổn thương, biến chứng nghiêm trọng ở thực quản. Chưa kể việc lạm dụng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp trào ngược dạ dày – thực quản dẫn đến các bệnh lý tai mũi họng (như viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa,…). Người bệnh chỉ tập trung điều trị các bệnh lý này mà bỏ qua căn nguyên là chứng trào ngược. Việc điều trị không hiệu quả do chỉ xử lý phần “ngọn” thay vì từ “gốc”.

Quá phụ thuộc vào các loại thuốc

Không ít trường hợp người bệnh đã thăm khám và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại.

Trào ngược dạ dày – thực quản kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần người bệnh

Theo các bác sĩ, nếu chỉ phụ thuộc vào thuốc thì việc điều trị chứng trào ngược dạ dày – thực quản không thể đạt hiệu quả cao. Người bệnh cần kết hợp việc dùng đúng thuốc với chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng. Người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và kiên nhẫn với việc điều trị.

 

Lời khuyên từ chuyên gia giúp đẩy lùi chứng trào ngược kéo dài

Tình trạng trào ngược dạ dày kéo dài có thể gây ra những vấn đề tại thực quản. Niêm mạc thực quản sẽ bị tổn thương khi tiếp xúc với axit dịch vị, dẫn đến viêm loét, xơ sẹo, hẹp thực quản, Barrett thực quản và nặng nhất là ung thư. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị mòn răng, mắc bệnh tai mũi họng hay viêm phổi do một lượng axit trào lên đường hô hấp trên.

Việc điều trị sớm để đẩy lùi các triệu chứng trào ngược là vô cùng cần thiết. Các lời khuyên đối với người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản như sau:

Xác định căn nguyên gây bệnh

Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ có thể dựa vào lâm sàng (bộ câu hỏi GERDQ), PPI test hoặc dựa vào cận lâm sàng qua nội soi thực quản dạ dày và sinh thiết.

Người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín, chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại. Đồng thời người bệnh nên lựa chọn cơ sở có đội ngũ bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm thăm khám cho bệnh nhân trào ngược dạ dày. Điều này giúp đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Phác đồ điều trị đúng đắn

Trào ngược dạ dày có các triệu chứng đa dạng liên quan đến nhiều chuyên khoa: chuyên khoa Tiêu hóa, Hô hấp, Tai mũi họng, Tim mạch,… Chính vì vậy quá trình thăm khám và điều trị đòi hỏi sự phối hợp nhiều chuyên khoa để xử lý tận gốc các triệu chứng.

Sau khi nguyên nhân gây trào ngược đã được giải mã, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Vấn đề liên quan đến ống tiêu hóa, các cơ quan hô hấp, tai mũi họng hay tim mạch… sẽ có phác đồ đặc hiệu riêng. Nhiều chuyên khoa cùng phối hợp sẽ giúp việc điều trị diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thay đổi lối sống

Việc điều trị cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học. Cụ thể người bệnh cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, không ăn quá no, tránh nằm hoặc ngủ sau khi ăn. Khẩu phần ăn cần giảm chất béo và tránh các loại thực phẩm như nước cà chua, nước cam, nước bưởi,…

Người bệnh cần tránh xa các chất kích thích (cà phê, bia rượu, thuốc lá…). Đồng thời người bệnh cũng nên duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng, nâng cao hiệu quả chữa trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top