Trực tràng là một cấu trúc cơ có dạng ống nằm ở vị trí thấp nhất của đại tràng. Phân sẽ đi qua vị trí này từ đại tràng trước khi được tống ra ngoài qua hậu môn. Viêm niêm mạc trực tràng là sự viêm của lớp niêm mạc bao phủ bề mặt của trực tràng. Viêm niêm mạc trực tràng có thể gây ra đau, rỉ dịch và những triệu chứng bất thường khác. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, dẫn đến viêm cấp hoặc các vấn đề mạn tính khác.
Nếu như nghi ngờ mình đang mắc phải viêm niêm mạc trực tràng hoặc có những triệu chứng bất thường thì nên đi gặp bác sĩ ngay để được khám bệnh. Việc điều trị viêm niêm mạc trực tràng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân nền của bệnh.
Viêm niêm mạc trực tràng là một dạng viêm gây ảnh hưởng đến phần niêm mạc bao phủ bề mặt trực tràng. Viêm có thể là cấp tính, nghĩa là các triệu chứng xảy ra trong một thời gian ngắn do một nguyên nhân cụ thể gây ra. Nó cũng có thể là mạn tính, trong trường hợp này thì các triệu chứng tồn tại trong thời gian lâu hơn.
Loại và độ nặng của triệu chứng thường sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân nền của viêm. Trong bất kỳ trường hợp nào thì viêm niêm mạc trực tràng cũng cần được điều trị để đề phòng biến chứng.
Triệu chứng của viêm niêm mạc trực tràng có thể dao động nhẹ phụ thuộc vào nguyên nhân nền.
Triệu chứng thường gặp nhất là cảm giác muốn đi tiêu. Triệu chứng này thường gây khó chịu và sẽ kéo dài kể cả sau khi đã đi tiêu rồi. Những triệu chứng khác bao gồm:
Máu trong phân hoặc máu chảy ra từ hậu môn
Đau trong trực tràng, bụng, hoặc hậu môn
Đau khi có một cơn nhu động ruột
Rỉ dịch hay chất nhầy từ hậu môn
Phân lỏng, nhầy hoặc tiêu chảy.
Táo bón
Hạch sưng to ở vùng bẹn
Bất kỳ ai mắc phải những triệu chứng khó chịu như rỉ dịch, máu hay đau ở hậu môn nên đi khám ngay.
Viêm niêm mạc trực tràng có rất nhiều nguyên nhân mà có thể gây ra viêm cấp hoặc mạn. Những nguyên nhân có thể gặp:
Các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs), ví dụ như lậu, chlamydia và giang mai.
Nhiễm virus, ví dụ như Herpes
Những nhiễm trùng khác như salmonella hay nhiễm trùng xảy ra sau kháng sinh trị liệu.
Các tổn thương do quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
Biến chứng từ xạ trị cho các ung thư ở vùng chậu.
Bệnh viêm ruột, bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
Để chẩn đoán viêm niêm mạc trực tràng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bao gồm cả thời gian các triệu chứng xảy ra đồng thời thu thập thêm các thông tin về tiền sử bệnh lý và các hoạt động tình dục. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng tại trực tràng để kiểm tra các dấu hiệu viêm.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho thực hiện các xét nghiệm, như là xét nghiệm máu, phân, và cấy vi khuẩn vùng trực tràng, đây là xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu viêm.
Nếu như bác sĩ nghi ngờ có các rối loạn hay biến chứng mạn tính ở đường tiêu hóa, họ sẽ cho thực hiện nội soi đại tràng hoặc trực tràng. Ở những thủ thuật này , các bác sĩ sẽ cho một dụng cụ hình ống dẻo và thon nhỏ vào trong hậu môn để thăm khám ruột, trực tràng và đại tràng.
Để có được một chẩn đoán kỹ lưỡng thì mất nhiều thời gian, nhưng việc tìm ra được một biện pháp chính xác cho mỗi cá nhân thì rất quan trọng.
Biện pháp điều trị hiệu quả dành cho viêm niêm mạc trực tràng phụ thuộc vào nguyên nhân nền. Đối với các trường hợp viêm cấp thì cần các biện pháp trực tiếp để có thể điều trị triệt để viêm niêm mạc trực tràng. Nếu như là do một rối loạn mãn tính gây ra viêm niêm mạc trực tràng, thì người bệnh có khả năng sẽ cần phải điều trị dựa theo sự phối hợp giữa biện pháp y khoa và sự thay đổi chế độ ăn, lối sống lâu dài.
Nếu như bác sĩ phát hiện ra viêm là do nhiễm trùng thì họ sẽ kê đơn thuốc để điều trị loại nhiễm trùng đó. Kháng sinh có thể giúp điều trị các loại nhiễm trùng do vi khuẩn, kể cả STIs, còn đối với các loại nhiễm virus, ví dụ như herpes sinh dục, thì bác sĩ sẽ cho dùng có loại thuốc kháng virus.
Nếu như một loại thuốc cụ thể, ví dụ như kháng sinh gây ra nhiễm trùng, bệnh nhân cần phải ngưng sử dụng thuốc đó ngay. Các bác sĩ có thể cho dùng các loại thuốc thay thế khác để bệnh nhân có thể tiếp tục quá trình điều trị đó trong lúc chờ hồi phục vết thương.
Bệnh nhân cần ngưng thực hiện những hoạt động gây tổn thương niêm mạc trực tràng như quan hệ tình dục qua đường hậu môn, nếu như hoạt động đó gây ra các tổn thương làm viêm niêm mạc trực tràng. Bác sĩ cũng sẽ cho dùng thuốc hoặc khuyên dùng các loại thuốc điều trị đau và làm giảm tiêu chảy nếu cần thiết.
Viện Đái Tháo Đường và các bệnh về Đường Tiêu Hóa và Thận Quốc gia Hoa Kỳ ghi nhận rằng việc hồi phục các tổn thương ở trực tràng thường kéo dài khoảng 4-6 tuần.
Viêm niêm mạc trực tràng do xạ trị cũng rất thường gặp. Một nghiên cứu năm 2015 ghi nhận rằng, khoảng 75% số người thực hiện xạ trị ở vùng chậu sẽ gặp phải các triệu chứng của viêm niêm mạc trực tràng cấp, khoảng 20% sẽ có các triệu chứng mạn tính kéo dài.
Bác sĩ sẽ điều trị viêm niêm mạc trực tràng do xạ trị một cách cá nhân hóa. Nếu như bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ, họ có thể không cần phải được điều trị và các triệu chứng sẽ tự thuyên giảm và biến mất.
Ở trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ cho dùng các thuốc xổ corticosteroid để giúp điều trị các triệu chứng hay cơn đau nặng. Những loại thuốc này là giảm sự viêm ở trực tràng.
Bác sĩ cũng có thể khuyên dùng các thuốc như sucralfate, là loại thuốc được dùng chủ yếu trong điều trị viêm loét nhưng cũng có thể làm giảm triệu chứng.
Nhiều bác sĩ điều trị cho bệnh nhân có các rối loạn mạn tính như viêm ruột sẽ khuyến cáo họ nên thay đổi chế độ ăn để hỗ trợ điều trị viêm niêm mạc trực tràng.
Nhiều người sẽ cảm nhận được rằng chế độ ăn kháng viêm có thể giúp họ làm giảm triệu chứng. Hơn nữa, phối hợp nhiều loại thức ăn vào trong chế độ ăn có thể sẽ có ích cho bệnh nhân viêm niêm mạc trực tràng trong lúc hồi phục. Lời khuyên chung là nên ăn chế độ ăn nhiều rau và hoa quả để có được đủ lượng chất xơ, giúp cho phân dễ dàng di chuyển ra ngoài hơn.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có bệnh mạn tính, chế độ ăn giàu xơ có thể làm cho triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, tốt nhất là các bệnh nhân mắc những bệnh này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn. Một số người có thể sẽ cần phải tránh những thức ăn có thể gây kích thích, ví dụ như:
Thức uống có cồn
Thức ăn cay
Caffeine
Đường fructose
Thực phẩm từ sữa
Rượu đường, bao gồm xylitol và sorbitol
Các bác sĩ có thể khuyến cáo sử dùng một số loại thực phẩm chức năng có khả năng làm giảm viêm và các triệu chứng khác như:
Vitamin C và E
Men tiêu hóa
Acid béo omega-3
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các thực phẩm chức năng hay thực hiện thay đổi lớn trong chế độ ăn.
Điều trị và phòng ngừa viêm niêm mạc trực tràng có thể cần phải thực hiện một số thay đổi trong lối sống, đặc biệt là nếu viêm xảy ra do tổn thương ở hậu môn hoặc STIs. Những thay đổi này bao gồm:
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục;
Tránh các động tác thô bạo ở trực tràng;
Nên trao đổi thẳng thắng với bạn tình về tình trạng sức khỏe tình dục của mình.
Viêm niêm mạc trực tràng thường gây ra các triệu chứng như đau và cảm giác muốn đi cầu liên tục. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc trực tràng.
Mặc dù có nhiều trường hợp thì sẽ tự thuyên giảm với các biện pháp điều trị nhẹ, nhưng việc báo với bác sĩ về tình trạng các triệu chứng cũng rất quan trọng để có thể phòng tránh các biến chứng.
Ở trong các trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể hồi phục trong vòng vài tuần với biện pháp điều trị chính xác. Các vấn đề mạn tính có thể sẽ cần các biện pháp điều trị dài hạn bao gồm thay đổi chế độ ăn và lối sống.
Tìm hiểu thêm: Polyp đại trực tràng
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh