✴️ Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích

Nội dung

Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh ở đường tiêu hóa. Những người bị hội chứng này thường cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, và tự ti trước mọi người. Chính vì thế phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích hiệu quả, an toàn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

 

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Theo các chuyên gia về tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích (hay còn được viết tắt là IBS), là các rối loạn chức năng của ruột (chủ yếu ở đại tràng) lặp đi lặp lại nhiều lần (như tăng tính nhạy cảm, nội tạng dễ bị kích thích; thay đổi tính chịu đựng của ruột, giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số đoạn ruột; tăng nhu động ruột gây tiêu chảy hay giảm nhu động gây táo bón), song không tìm thấy tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa.

Triệu chứng thường gặp ở người mắc hội chứng ruột kích thích

_ Đau bụng hay thấy khó chịu ở bụng: Đây là triệu chứng tiêu biểu của bệnh này. Hiện tượng đau sẽ tăng khi bệnh nhân đang căng thẳng, stress…

_ Trướng bụng: Cũng là một dấu hiệu rất thường gặp. Thường gặp sau khi ăn.

_ Rối loạn vận chuyển đường ruột: Số lần đi tiêu thất thường, thay đổi mật độ và hình dạng phân, lúc thì lỏng khi lại táo bón. Chủ yếu gặp nhiều ở dạng táo bón. Người bệnh cũng có thể mót rặn, hơi đau vùng hậu môn, phân có nhày mũi…

_ Trào ngược dạ dày, nóng ở thượng vị, buồn nôn, khó nuốt…

_ Tiểu khó, rối loạn về phụ khoa, đau nhức đầu, đau lưng, mệt mỏi, khó ngủ, đau cơ. Mệt mỏi hay gặp nhất và gây trở ngại nhất.

Các triệu chứng về tâm lý rất hay gặp ở bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích, thường là trạng thái bồn chồn, lo lắng đôi khi còn hơn là người có bệnh thực thể.

Điều trị nội khoa là chủ yếu

 

Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích

Điều trị nội khoa là chủ yếu. Thông thường việc điều trị hội chứng ruột kích thích cần thông qua việc khám lâm sàng, hỏi triệu chứng người bệnh, điều trị theo triệu chứng nổi trội là tốt nhất.và có thể phối hợp các thuốc. Cụ thể như sau:

Thuốc chống tiêu chảy: Loperamid (inodium) là một opioid, không qua hàng rào máu não, làm giảm nhu động ruột. Diphenoxylate (diarsed), viên có chứa diphenoxylate và atropine, điều trị tăng vận động ruột.

Thuốc chống táo bón: Forlax gói 10g. Cisapride cũng có khả năng làm tăng vận động chuyển ruột.

Thuốc chống đau: Nếu đau là triệu chứng nổi trội thì có thể dùng các thuốc chống co thắt, kháng cholin, các thuốc chống trầm cảm, an thần, các thuốc ức chế kênh calci, các thuốc điều chỉnh ngưỡng đau.

Đau sau ăn: dicyclomine, dicycloverine (kremil-S); chống co thắt uống spasmaverine; thuốc kháng cholinergic; pinaverium (dicetel), thuốc đối kháng Ca ở dạ dày – ruột, trimebutine (debridat); nospa viên; mebeverine (dupastaline), một dẫn chất của papaverine.

Uống thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về uống khi chưa có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa. Không tự dừng thuốc, đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt và làm việc điều độ. Tránh để căng thẳng stress có thể làm bệnh nặng hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top