✴️ Tất cả những điều bạn cần biết về polyp túi mật 10mm

1. Định nghĩa và phân loại

Polyp túi mật là tổn thương dạng u nhú phát triển trên lớp niêm mạc thành túi mật, có thể đơn độc hoặc đa ổ. Trong đó, polyp kích thước ≥10mm, đặc biệt loại không có cuống, được coi là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư túi mật và cần theo dõi sát hoặc can thiệp phẫu thuật.

Theo bản chất mô học, polyp túi mật gồm hai nhóm chính:

  • Polyp giả: gồm thể cholesterol, viêm – chiếm >90%, thường lành tính.

  • Polyp thật: u tuyến, u cơ tuyến, có tiềm năng ác tính, đặc biệt khi kích thước ≥10mm.

Polyp túi mật 10mm được chia thành trường hợp lành tính và ác tính

2. Mức độ nguy hiểm của polyp túi mật ≥10mm

Polyp túi mật kích thước 10mm hoặc lớn hơn có nguy cơ gây ra các biến chứng sau:

  • Chèn ép và ứ trệ dịch mật: Polyp lớn có thể gây tắc nghẽn đường mật, dẫn đến ứ mật, viêm túi mật cấp hoặc mãn tính, thậm chí viêm phúc mạc mật hoặc hoại tử túi mật nếu không được xử trí kịp thời.

  • Rối loạn tiêu hóa mạn tính: Dịch mật không xuống được ruột làm giảm tiêu hóa chất béo, gây đầy bụng, khó tiêu, kém hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K).

  • Trào ngược dạ dày – thực quản: Dịch mật không lưu thông đúng hướng có thể trào ngược lên dạ dày gây viêm loét dạ dày – thực quản.

  • Biến chứng gan mật: Gồm vàng da tắc mật, viêm gan thứ phát do độc tố không được đào thải, có thể tiến triển thành gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc ung thư gan.

  • Nguy cơ ung thư túi mật: Tỷ lệ ác tính tăng cao rõ rệt ở các polyp ≥10mm, đặc biệt loại không cuống hoặc có biểu hiện tăng sinh bất thường.

Polyp túi mật 10mm có thể gây ra ung thư

3. Chẩn đoán

  • Siêu âm bụng tổng quát: Phương pháp thường quy để phát hiện và đánh giá số lượng, vị trí, kích thước, hình dạng polyp túi mật.

  • CT scan ổ bụng có cản quang: Được chỉ định khi nghi ngờ polyp ác tính, giúp đánh giá mối liên quan với mô xung quanh.

  • MRI – MRCP: Đặc hiệu trong phân biệt tổn thương lành tính và ác tính khi có nghi ngờ cao.

  • Xét nghiệm chức năng gan mật: ALT, AST, GGT, bilirubin và dấu ấn ung thư nếu có chỉ định (CA19-9, CEA).

4. Chỉ định phẫu thuật

Phẫu thuật cắt túi mật được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Polyp kích thước ≥10mm.

  • Polyp <10mm nhưng có yếu tố nguy cơ: không cuống, bề mặt xù xì, phát triển nhanh, đa polyp, kèm sỏi túi mật, có triệu chứng (đau hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa kéo dài).

  • Polyp túi mật ở người ≥50 tuổi hoặc có tiền sử viêm xơ đường mật nguyên phát, đái tháo đường type 2.

Phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp điều trị chuẩn, ít xâm lấn, an toàn, thời gian hồi phục ngắn. Trong trường hợp nghi ngờ hoặc xác định ung thư, phẫu thuật mở cắt túi mật + phần gan lân cận + vét hạch vùng là cần thiết.

Bệnh nhân cần được phẫu thuật kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm

5. Theo dõi sau điều trị và phòng ngừa tiến triển

  • Trường hợp chưa chỉ định mổ: Theo dõi định kỳ bằng siêu âm:

    • Polyp <5mm, không yếu tố nguy cơ: siêu âm mỗi 12 tháng.

    • Polyp 6–9mm, không yếu tố nguy cơ: siêu âm mỗi 6–12 tháng.

    • Polyp <10mm, có yếu tố nguy cơ: siêu âm mỗi 3–6 tháng.

  • Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:

    • Hạn chế chất béo bão hòa, cholesterol, thực phẩm chế biến sẵn.

    • Tăng cường rau xanh, trái cây tươi, chất xơ và chất béo không bão hòa (dầu thực vật, cá biển).

    • Không hút thuốc, hạn chế rượu bia.

    • Duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top