Thoát vị thành bụng là bệnh lý gây ra do sự di chuyển của các tạng từ trong khoang bụng thường là ruột non ra phía ngoài thành bụng thông qua chỗ yếu của thành bụng (vết mổ). Cùng tìm hiểu những thông tin về chứng thoát vị thành bụng qua bài viết dưới đây chúng ta sẽ có thêm kiến thức về căn bệnh này.
Thoát vị thành bụng xảy ra khi nào?
Thoát vị thành bụng xảy ra khi cơ thành bụng bị hở hoặc yếu, gây ra một khối lồi lên trên bụng. Khi cơ thành bụng bị kéo căng sẽ làm tăng áp lực trong khoang bụng. Lúc này khối lồi trên bụng càng to và rõ ràng hơn.
Các loại thoát vị thành bụng
Bệnh thoát vị thành bụng được chia thành nhiều loại:
Thoát vị vùng bẹn – đùi: thoát vị bẹn trực tiếp; thoát vị bẹn gián tiếp; thoát vị bẹn thể kết hợp; thoát vị đùi
Thoát vị thành bụng trước: thoát vị rốn; thoát vị thượng vị
Thoát vị vết mổ
Thoát vị lưng: thoát vị tam giác lưng trên; thoát vị tam giác lưng dưới
Thoát vị vùng chậu: thoát vị bịt; thoát vị toạ; thoát vị đáy chậu
Tùy vào mỗi loại thoát vị thành bụng và mức độ của bệnh mà có các biểu hiện cụ thể.
Các dấu hiệu thoát vị thành bụng
Thông thường khi bị thoát vị thành bụng, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như:
Đau, tức tại vị trí bị thoát vị.
Xuất hiện một khối u phình trên thành bụng hoặc ở vùng bẹn.
Bệnh thoát vị thành bụng gây hạn chế vận động và gây mất thẩm mỹ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây những biến chứng nguy hiểm như nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột.
Khi thấy xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ thoát vị thành bụng, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và có biện pháp điều trị phù hợp
Cách điều trị thoát vị thành bụng
Tùy vào từng loại thoát vị, vị trí xuất hiện các khối thoát vị mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật hoặc dùng tia laser để điều trị bệnh.
Đa phần, người bệnh thoát vị thành bụng sẽ được chỉ định phẫu thuật mổ hở hoặc mổ nội soi. Mổ nội soi có ưu điểm là có thể áp dụng với mọi vị trí mà xuất hiện khối thoát vị, làm giảm nguy bị thoát vị tái phát, đồng thời giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân trong giai đoạn hậu phẫu.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ, đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe, tái khám bệnh định kỳ để bác sĩ kiểm tra quá trình lành bệnh, kịp thời xử lý những biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh