Có 3 phương pháp điều trị đặc hiệu đối với ung thư hậu môn bao gồm: xạ trị, điều trị toàn thân (thuốc hóa chất, thuốc sinh học) và phẫu thuật.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
Giai đoạn bệnh, loại tế bào ung thư, độ biệt hóa của tế bào ung thư
Thể trạng chung của người bệnh, tuổi, bệnh phối hợp
Những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra
Mong muốn, nguyện vọng của người bệnh.
Việc điều trị đặc hiệu được bắt đầu ngay khi có chẩn đoán xác định và có thể phải phối hợp nhiều phương pháp với nhau với nhiều chuyên khoa khác nhau. Trong buổi gặp để trao đổi với bác sỹ trước khi điều trị, bạn và người thân cần chuẩn bị các câu hỏi về các vấn đề còn chưa rõ về bệnh, những lợi ích và tác dụng không mong muốn của điều trị chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt trong và sau điều trị cũng như được hỗ trợ về mặt tâm lý giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.
Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia có năng lượng cao nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là một trong những vũ khí quan trong trong điều trị ung thư và được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa sâu về lĩnh vực xạ trị ung thư.
Có hai phương thức xạ trị là xạ trị ngoài (chùm tia được chiếu vào khối u từ một nguồn đặt ở bên ngoài cơ thể) và xạ trị trong hay còn được gọi xạ trị áp sát liều cao (nguồn xạ được đưa trực tiếp vào khối u trong cơ thể), trong đó xạ trị ngoài là phương pháp được sử dụng phổ biến hơn trong ung thư ống hậu môn. Xạ trị được phối hợp với hóa chất (hóa xạ đồng thời) để tăng hiệu quả điều trị, một liệu trình hóa xạ đồng thời thường kéo dài trong khoảng thời gian 5-6 tuần, trong đó xạ trị sẽ được tiến hành từ thứ 2 đến thứ 6 và hóa chất sẽ được sử dụng khi bắt đâu xạ trị.
Trong quá trình điều trị bạn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn của xạ trị như: mệt mỏi, viêm da vùng chiếu xạ, kích thích hậu môn, tiêu chảy, viêm dạ dày. Các phản ứng phụ này thường xảy ra trong quá trình điều trị và giảm dần khi kết thúc xạ trị, một số trường hợp có thể bị xơ hóa phần mềm quanh hậu môn về sau gây ảnh hưởng một phần tới đại tiện.
Trước khi xạ trị bạn cần trao đổi với bác sỹ xạ trị để được tư vấn về liệu trình điều tri, những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra, biện pháp dự phòng và phương pháp giúp giảm bớt khó chịu có thể xảy ra trong quá trình xạ trị.
Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc gây độc tế bào để điều trị ung thư bằng cách trực tiếp tiêu diệt trực tiếp hoặc ức chế sự nhân lên của tế bào ung thư.
Trong ung thư hậu môn, hóa trị được sử dụng phối hợp với xạ trị trong phác đồ hóa xạ đồng thời hoặc chỉ định khi bệnh ở giai đoạn di căn. Có nhiều phác đồ hóa trị khác nhau, tùy vào giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh, bệnh phối hợp, tuổi, …mà bác sỹ nội khoa về ung thư sẽ sử dụng phác đồ đơn chất hoặc phối hợp các loại thuốc với nhau. Các thuốc hóa chất thường được sử dụng trong ung thư hậu môn là: fluorouracil (5-FU, capecitabine), mitomycin C, cisplatin, carboplatin, oxaliplatin, …
Ngoài tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc hóa chất có thể gây ảnh hưởng tới tế bào lành và gây ra một số phản ứng phụ nhất định, một số tác dụng không mong muốn của hóa trị bao gồm: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, rụng tóc, tiêu chảy, giảm bạch cầu, … Các phản ứng phụ này thường chỉ xảy ra trong quá trình điều trị và sẽ mất đi khi quá trình hóa trị kết thúc.
Trước khi điều trị hóa chất bạn cần trao đổi với bác sỹ điều trị để được tư vấn về những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra, phương pháp dự phòng cũng như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp. Bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn định dùng thêm các loại thuốc hoặc thực phẩm hỗ trợ khác để tránh những phản ứng bất lợi hoặc tương tác với thuốc hóa chất điều trị ung thư đang sử dụng.
Phẫu thuật trong điều trị ung thư ống hậu môn là phương pháp cắt bỏ tổ chức ung thư và một số tổ chức lân cận khối u để đảm bào lấy hết tổ chức ung thư. Phẫu thuật có thể được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa về phẫu thuật ung thư hậu môn hoặc bởi bác sỹ chuyên khoa về phẫu thuật đại - trực tràng. Có nhiều phương pháp phẫu thuật ung thư hậu môn khác nhau, việc lựa chọn loại phẫu thuật phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giai đoạn bệnh
(u mới chỉ khu trú ở lớp niêm mạc) hoặc giai đoạn sớm thường được điều trị bằng cắt bỏ khối u cùng một phần nhỏ tổ chức lân cận và phải đảm bảo diện cắt không còn tổ chức ung thư. Sau phẫu thuật, người bênh chỉ cần khám, theo dõi định kỳ.
Điều trị ung thư ở giai đoạn muộn hơn sẽ cần phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Nếu như trước kia phương thức điều trị phổ biến là ưu tiên phẫu thuật rộng rãi trước, sau đó sẽ điều trị tiếp bằng hóa trị và xạ trị thì ngày nay, các nghiên cứu mới gần đây đã chỉ ra rằng việc điều trị bằng hóa chất phối hợp xạ trị cho hiệu quả điều trị tương đương với phẫu thuật nhưng cho chất lượng cuộc sống tốt hơn so với phẫu thuật. Do vậy mà hiện nay phần lớn người bệnh ung thư hậu môn ở giai đoạn muộn hơn (chưa di căn) sẽ điều trị bằng xạ trị phối hợp với hóa trị (hóa xạ đồng thời) mà không cần trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như trước kia. Phẫu thuật trong giai đoạn này chỉ được áp dụng với một số trường hợp người bệnh có chống chỉ định với xạ trị hoặc hóa trị. Ngoài ra phẫu thuật còn được chỉ định để lấy bỏ tổ chức ung thư còn lại sau hóa trị, xạ trị hoặc với những trường hợp bệnh tái phát sau điều trị.
Với ung thư hậu môn không đáp ứng với hóa chất, xạ trị hoặc những trường hợp tái phát sau điều trị, phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật triệt căn qua đường bụng-tầng sinh môn. Phẫu thuật này bao gồm cắt bỏ toàn bộ hậu môn, trực tràng và một phần đại tràng xích-ma, đồng thời đưa một đầu đại tràng nối ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo. Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ có thể lấy bỏ các hạch chậu trong một số trường hợp
Nếu bệnh của bạn cần phải được phẫu thuật, hãy trao đổi với bác sỹ điều trị được tư vấn, giải thích kĩ hơn về phương thức phẫu thuật cũng như những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.
Bệnh ung thư và những tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra những ảnh hưởng xấu về thể chất, tinh thần, xã hội cũng như tài chính của bạn. Chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ là những biện pháp nhằm giúp bạn kiểm soát, giảm bớt những ảnh hưởng xấu kể trên. Bên cạnh các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị thì chăm sóc giảm nhẹ là một phần quan trọng, xuyên suốt quá trình điều trị nhằm nhằm giúp bạn giảm bớt những tác động xấu do bệnh ung thư cũng như việc điều trị ung thư gây ra.
Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc cải thiện những triệu chứng khó chịu của người bệnh và hỗ trợ người thân của họ trong quá trình điều trị. Chăm sóc giảm nhẹ được áp dụng với mọi loại ung thư, mọi giai đoạn bệnh, không phân biệt lứa tuổi hay giới tính và thường bắt đầu ngay khi có chẩn đoán xác định. Người bệnh được điều trị chăm sóc giảm nhẹ một cách phù hợp thường ít phải chịu đựng những triệu chứng nặng hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong quá trình điều trị.
Chăm sóc giảm nhẹ là một lĩnh vực rất rộng, gồm sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau; dùng thuốc, dinh dưỡng hỗ trợ, vật lý trị liệu, các liệu hỗ trợ về tâm lý, vv. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều trị giảm nhẹ bằng các phương pháp như: hóa trị, phẫu thuật hay xạ trị nhằm giảm bớt các triệu chứng do bệnh gây ra.
Vậy làm thế nào để bạn có thể nhận được phương chăm sóc giảm nhẹ phù hợp nhất với mình? Trước hết, khi bắt đầu liệu trình điều trị, bạn hãy trao đổi với bác sỹ điều trị về những khó chịu bạn đang gặp phải, những mong muốn, mục đích của mình về việc điều trị. Bạn cũng nên hỏi bác sỹ về những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình điều trị và những biện pháp có thể để hạn chế những khó chịu do nó mang lại.
Trong quá trình điều trị, nếu bạn có những triệu chứng khó chịu do bệnh và/hoặc do việc điều trị gây ra, đừng cố chịu đựng mà hãy thông báo ngay với bác sỹ và nhân viên chăm sóc y tế để họ có giải pháp kịp thời cho bạn, đồng thời dự phòng để tránh các triệu chứng phát hoặc nặng lên trong tương lai.
Ung thư di căn là tình trạng tế bào ung thư không còn khu trú ở vị trí nguyên phát ban đầu mà đã lan tới vị trí hay cơ quan khác trong cơ thể. Nếu tình trạng này xảy ra, với hầu hết mọi người cảm giác đầu tiên sẽ là bi quan, chán nản. Hãy chia sẻ cảm giác của bạn với bác sỹ điều trị, chuyên gia tâm lý, nhân viên chăm sóc, người thân của bạn hoặc với chính những người bệnh khác để có sự đồng cảm và chia sẻ từ họ. Bạn đừng vội từ bỏ bởi ngay cả khi bệnh đã di căn vẫn có những phác đồ điều trị phù hợp bao gồm phối hợp các phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị tùy theo tình trạng bệnh cụ thể. Ở giai đoạn di căn, chăm sóc giảm nhẹ đóng vai trọng trong việc giảm các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, việc tham gia các thử nghiệm/nghiên cứu về phương pháp điều trị mới cũng là một lựa chọn tốt mà bạn nên xem xét.
Khỏi bệnh là tình trạng mà không còn phát hiện ung thư trong cơ thể bạn, hay nói cách khác là không có “bằng chứng” của bệnh.
Khỏi bệnh có thể là trạng thái kéo dài nhiều tháng, nhiều năm nhưng có chỉ là tạm thời, do vậy lo lắng về việc bệnh có thể tái phát là một trạng thái tâm lý chung của hầu hết người bệnh ung thư sau khi khỏi bệnh. Bạn cần trao đổi với bác sỹ điều trị của mình về nguy cơ tái phát của bạn và có kế hoạch theo dõi định kỳ phù hợp sau khi ra viện.
Khi nghi ngờ bệnh tái phát, bác sỹ sẽ chỉ định cho bạn làm các xét nghiệm để xác định xem tình trạng của bạn là tái phát tại chỗ (u phát triển lại ở vị trí ban đầu) và/hoặc tại vùng (ung thư xuất hiện ở vị trí gần vị trí ban đầu) và/hoặc di căn (ung thư phát triển ở vị trí xa vị tri ban đầu), trên cơ sở đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và/hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Bệnh tái phát thường mang lại cảm giác tiêu cực với người bệnh, do vậy bạn nên trao đổi với đội ngũ chăm sóc, nhân viên phòng công tác xã hội để được hỗ trợ kịp thời về tâm lý.
Khỏi bệnh là điều mà bất kỳ bệnh nhân ung thư nào cũng mong muốn, tuy nhiên khi bệnh ở giai đoạn muộn thì điều này là không thể. Chấp nhận việc bệnh của bạn không thể chữa khỏi hay kiểm soát được bằng các phương pháp đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, một cuộc nói chuyện cởi mở, gần gũi với nhân viên chăm sóc bạn- những người được đào tạo chuyên nghiệp, có kỹ năng, kinh nghiệm và luôn sẵn sàng giúp bạn và người thân của bạn cải thiện trạng thái tâm lý tồi tệ đang có, thay đổi tâm thế và sẵng sàng cho một lộ trình chăm sóc, điều trị sắp tới nhằm giảm bớt đau đớn và các triệu chứng khó chịu khác về thể chất và tinh thần do bệnh gây ra.
Một số người bệnh ung thư có tiên lượng sống thêm dưới 6 tháng có thể có nguyện vọng được chăm sóc theo chế độ an dưỡng cuối đời. Chế độ chăm sóc này này được thiết kế nhằm mục đích giúp người bệnh ung thư giai đoạn cuối có được chất lượng cuộc sống tốt nhất. Tùy theo nguyện vọng của người bệnh và gia đình, chế độ chăm sóc này có thể được thực hiện ở nhà riêng, trung tâm an dưỡng hoặc nhà dưỡng lão với đầy đủ đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ chăm sóc và các trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần.
Xem thêm: Ung thư đại tràng
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh