✴️ Trào ngược dạ dày tá tràng và những điều cần biết

Bệnh trào ngược dạ dày tá tràng thường diễn biến âm thầm khiến người bệnh chủ quan, đánh giá sai tính chất bệnh. Nếu bệnh không được phát hiện sớm sẽ gây ra nhiều tổn thương, biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

 

1. Khái niệm về trào ngược dạ dày tá tràng

Trào ngược dạ dày tá tràng là tình trạng dịch trong dạ dày tá tràng (thức ăn, hơi, men tiêu hóa,…) trào ngược lên thực quản.

Khi cơ thể hoạt động bình thường, mỗi khi ăn uống thức ăn sẽ từ miệng xuống thực quản. Cơ vòng thực quản dưới mở ra để thức ăn xuống dạ dày sau đó đóng kín lại để ngăn thức ăn và dịch vị không trào ngược trở lại. Vì vậy khi cơ vòng thực quản không hoạt động tốt sẽ gây ra trào ngược.

 

2. Các dấu hiệu thường gặp khi bị trào ngược dạ dày tá tràng

Bệnh trào ngược ở mỗi người sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng, thường gặp nhất.

2.1. Trào ngược dạ dày tá tràng gây ợ nóng, ợ chua, ợ hơi

Thường xuyên ợ hơi, ợ chua là dấu hiệu của trào ngược dạ dày tá tràng. Bên cạnh đó có một số người bị ợ nóng với cảm giác nóng rát từ dạ dày, dưới xương ức lan lên cổ. Các triệu chứng này thường xuất hiện khi ăn no, đầy bụng, lúc nằm ngủ ( nhất là vào ban đêm)

2.2 Buồn nôn, nôn

Acid bị trào ngược vào họng và miệng gây kích thích dẫn tới buồn nôn. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng nặng nhất là vào ban đêm. Nguyên nhân là do tư thế ngủ và khi hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh mẽ hơn.

2.3 Đau tức vùng ngực thượng vị

Người bệnh có cảm giác bị đè ép, đau thắt vùng ngực, có thể lan ra sau lưng và cánh tay. Tình trạng này xuất hiện do acid trào ngược kích thích vào đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản.

2.4 Khó nuốt

Trào ngược dạ dày diễn ra nhiều có thể gây sưng tấy, phù nề, khiến thực quản bị thu hẹp. Đây chính là lý do vì sao người bệnh thường bị vướng ở cổ, khó nuốt.

2.5 Ho và khàn giọng

Dây thanh quản bị tổn thương do phải tiếp xúc với acid dạ dày. Người bị bệnh sẽ thường bị khàn giọng do dây thanh phù nề, lâu ngày thành ho do dịch viêm chảy xuống phế quản.

2.6 Miệng tiết nhiều nước bọt

Nước bọt là cơ thể giúp cơ thể tự bảo vệ nhằm trung hóa bớt lượng acid trào lên.

Ngoài các dấu hiệu kể trên còn có một số dấu hiệu khác như: Đầy bụng, khó tiêu, hen suyễn viêm phổi

Người bệnh sẽ thường xuyên cảm giác buồn nôn

 

3. Các nguyên nhân chính gây bệnh

Nguyên nhân gây trào ngược nằm trong hai cơ chế: Sự quá tải bên trong dạ dày và sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới. Hiểu đơn giản là ví dạ dày như cái thùng, cơ thắt thực quản là nắp thùng. Khi chức năng của bộ phận này hoạt động không tốt sẽ xảy ra trào ngược.

3.1 Những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới

– Tác dụng phụ của thuốc.

– Thói quen sử dụng các chất gây nghiện, đồ uống có cồn

– Các bệnh lý: Nhiễm trùng thực quản, tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, các bệnh lý di truyền,…

3.2 Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa acid hay sự quá tải bên trong dạ dày

– Bệnh lý dạ dày: Một số bệnh lý là nguyên nhân dẫn tới trào ngược dạ dày: Trợt niêm mạc dạ dày, viêm loét, hẹp hang môn vị, ung thư dạ dày,…

– Thói quen không tốt khi ăn uống: Ăn nhiều thực phẩm khó tiêu, ăn quá nhanh, ăn quá no.

3.3 Một số nguyên nhân khác dẫn đến trào ngược dạ dày tá tràng

– Phụ nữ trong thời kỳ mang thai

– Thừa cân, béo phì gây áp lực lên vùng bụng

– Stress

 

4. Trào ngược dạ dày gây ra những ảnh hưởng gì?

Dạ dày là nơi tiêu hóa thức ăn vì vậy chúng sẽ chứa acid để phục vụ cho chức năng này. Chính vì vậy bản thân dạ dày có một hàng rào bảo vệ không cho các acid và enzyme ăn mòn niêm mạc. Tuy nhiên các cơ quan khác không có hàng rào bảo vệ vì vậy khi dạ dày bị trào ngược, acid sẽ gây tổn thương cho các bộ phận này.

4.1 Loét thực quản

Dịch trong dạ dày tiếp xúc với thực quản gây ra viêm loét. Thời gian tiếp xúc kéo dài có thể khiến các vết loét chảy máu, gây đau đớn, khó nuốt

4.2 Hẹp và sẹo thực quản

Các tổn thương khi liền lại có thể để lại sẹo gây hẹp thực quản. Đường đi của thức ăn sẽ bị tắc nghẽn gây chậm trễ quá trình tiêu hóa.

4.3 Thực quản Barrett

Mô vảy ở đoạn dưới thực quản bị biến thành mô dạng cột với các tế bào giống như ở ruột ( dị sản ruột). Đây là kết quả của sự tổn thương lớp lót của thực quản do trào ngược gây ra. Các tế bào bị biến đổi sẽ tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Những người bị thực quản Barrett nên đi khám dạ dày định kỳ để theo dõi các dấu hiệu ung thư sớm

4.4 Ung thư thực quản

Trào ngược dạ dày có thể gây ra ung thư thực quản: Ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến. Dấu hiệu của bệnh là : Viêm thanh quản, viêm họng, viêm tai giữa tái diễn nhiều lần.

 

5. Phương pháp điều trị

Khi bị trào ngược bệnh nhân cần tới bệnh viện thăm khám để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị nội khoa, ngoại khoa phù hợp. Bên cạnh đó các bác sĩ cũng khuyến khích người bệnh thay đổi lối sống, chế độ ăn uống khoa học sẽ làm giảm đáng kể tần suất trào ngược dạ dày.

– Chia nhỏ bữa ăn

– Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, khả năng trung hòa acid: Tinh bột (Bột yến mạch, bánh mì) và đạm dễ tiêu hóa

– Hạn chế ăn các thực phẩm kích thích tăng tiết acid, kích thích cơ thắt dưới thực quản: Hoa quả có vị chua ( Cam, dứa, xoài)

– Giảm sử dụng các  thực phẩm nhiều dầu mỡ

– Giữ mức cân nặng phù hợp, tránh béo phì

– Sau khi ăn cần nghỉ ngơi, không làm việc hay nằm ngay sau khi ăn

– Tuyệt đối tránh các loại đồ uống có cồn, chất kích thích

– Tinh thần thoải mái, vui vẻ sẽ phần nào làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày tá tràng là bệnh lý cần được điều trị ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên. Bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top