✴️ Trị viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp. Bệnh được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi. Trị viêm loét dạ dày tá tràng an toàn, hiệu quả là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Vi khuẩn Hp được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày

Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày tá tràng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng: do ăn uống, dùng thuốc, một số bệnh lý như đái tháo đường…

Do chế độ ăn uống không hợp lý

Một thực đơn có quá nhiều chất béo hoặc ăn các gia vị cay nóng, chua thường khiến dạ dày bị kích thích và bị bào mòn dần gây viêm loét. Việc ăn uống thất thường, không đúng bữa và quá vội vàng cũng rất dễ gây ra bệnh. Bên cạnh đó những người uống nhiều bia rượu và nghiện hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao.

Do nhiễm vi khuẩn Hp: Vi khuẩn Hp được cho là nguyên nhân gây ra bệnh cho rất nhiều bệnh nhân viêm loét dạ dày

Do dùng thuốc : Một số loại thuốc trị bệnh như kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng viêm nếu sử dụng lâu dài cũng rất dễ gây bệnh dạ dày.

Do nguyên nhân thần kinh: viêm loét dạ dày thường hay gặp ở những người làm việc quá căng thẳng, thường xuyên bị stress, những người có tâm lý bất ổn hay lo lắng, sợ hãi.

Do bệnh lý khác: đái tháo đường, hạ đường huyết, hội chứng cushing, xơ gan…

 

Phương pháo điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có nhiều nguyên nhân gây ra nên trong điều trị viêm loét hiện nay có đặt vấn đề là ngoài dùng thuốc có kháng sinh để tiệt trừ vi khuẩn Hp còn phải dùng nhiều thứ thuốc khác kết hợp

Người bị viêm loét dạ dày tá tràng thường bị đau bụng

 

Phác đồ chuẩn tiệt trừ HP hiện nay là phối hợp 3 thuốc: omeprazol hoặc một ức chế bơm proton khác kết hợp 2 kháng sinh là amoxicillin và clarithromycin, cụ thể đơn thuốc bác sĩ thường chỉ định: (omeprazol 20mg + amoxicillin 1g + clarithromycin 250mg) x 2 lần/ngày, dùng trong 14 ngày.

Ngoài dùng thuốc phối hợp với kháng sinh để trị HP, bác sĩ có thể cho dùng thêm thuốc khác, như: thuốc chống tiết axít là thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, esomeprazol, lansoprazol…) dùng thuốc chống co thắt cơ trơn (như No-spa) để giảm đau, thuốc trung hòa axít dịch vị (gọi là thuốc kháng axít như: Maalox, Stomafar, Simelox, Phosphalugel…), hay thuốc kháng thụ thể H2 (ranitidine), thuốc hóa giải stress, an định thần kinh (sulpirid, diazepam…).

Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng cần có một chế độ ăn uống điều độ, khoa học; luôn giữ tinh thần thoải mái lạc quan; luyện tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức để tăng sức đề kháng.

Kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng một lần là lời khuyên của những chuyên gia y tế trong việc bảo vệ sức khỏe của mỗi người.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top