1. Viêm gan D là gì?
Gan là tạng thuộc đường tiêu hóa, có vai trò quan trọng trong quá trình khử độc, loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Viêm gan siêu vi D (HDV) là hiện tượng gan bị viêm nhiễm làm ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng chuyển hóa của gan. Bệnh có con đường lây truyền giống như virus viêm gan B.
– Từ mẹ sang con là con đường hiếm, ít gặp trên lâm sàng. Nó cũng là đặc điểm khác biệt với viêm gan virus B.
– Qua đường máu.
– Qua đường tình dục không an toàn.
Virus gây bệnh lý này được ví như là loại virus lây bệnh “không trọn vẹn”. Bởi ở chế độ bình thường khi có có lớp vỏ của HBsAg thì virus HDV hầu như không thể xâm nhập vào tế bào gan.
Viêm gan D là bệnh đồng nhiễm. Nó có thể gây bệnh ngay sau khi bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B. Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính tạo điều kiện thuận lợi cho virus HDV xâm nhập và gây bệnh thì nó được gọi là viêm gan thể bội nhiễm. Chính vì vậy, người mắc viêm gan siêu vi D thường có những biểu hiện nặng nề và tiên lượng dè dặt hơn.
Các triệu chứng của viêm gan siêu vi D không điển hình, và có thể trùng khớp với biểu hiện của bệnh viêm gan B. Triệu chứng có sự khác nhau rõ rệt ở từng giai đoạn cụ thể.
Như nhiều bệnh viêm gan khác, triệu chứng viêm gan siêu vi D ở giai đoạn cấp khá kín đáo:
– Mệt mỏi.
– Chán ăn.
– Buồn nôn, nôn.
– Có thể kèm theo sốt nhẹ.
– Đau tức vùng hạ sườn phải.
– Đau cơ và mỏi khớp.
Khi bệnh tiến triển cũng là lúc virus HDV nhân lên với số lượng lớn, chúng phối hợp với virus HBV phá hủy một vùng rộng lớn của gan, khiến chức năng gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các dấu hiệu dưới đây cho biết gan đã bị thương tổn nặng:
– Giảm sút cân.
– Ngứa da.
– Sốt cao bất thường.
– Vàng da và vàng kết mạc mắt.
– Nước tiểu sẫm màu.
Hầu hết các triệu chứng của viêm gan virus thường giống nhau và ít khi phân biệt được trên lâm sàng. Vì vậy đi khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu là điều kiện bắt buộc để chẩn đoán bệnh lý viêm gan siêu vi D.
Chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm bao giờ cũng đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Để làm được điều đó, các y bác sĩ phải thăm khám lâm sàng rất tỉ mẩn. Bên cạnh đó, yếu tố cận lâm sàng cũng giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán xác định bệnh viêm gan siêu vi D.
Trong các bệnh lý viêm gan siêu vi do virus, lâm sàng không có giá trị cao trong chẩn đoán xác định. Các triệu chứng chỉ giúp bác sĩ định hướng và có chỉ định xét nghiệm hợp lý. Tuy nhiên, khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện rầm rộ thì tiên lượng nặng và khả năng điều trị gặp nhiều khó khăn.
Để chẩn đoán bệnh lý viêm gan thì xét nghiệm huyết thanh học có vai trò quan trọng nhất. Không chỉ giúp chẩn đoán xác định mà còn giúp phân biệt 3 hình thái bệnh khác nhau như:
– Viêm gan B – D cấp tính.
– Viêm gan virus D cấp tính trên bệnh nhân viêm gan virus B mạn tính.
– Viêm gan virus D mạn tính.
Một số kết quả bất thường trong huyết thanh của người bệnh gợi ý nhiễm virus HDV:
– Hội chứng hủy hoại tế bào gan có AST/ALT tăng.
– Hội chứng suy tế bào gan có Bilirubin tăng, albumin máu giảm, PT giảm.
– Định lượng kháng nguyên HDAg: Dương tính.
– Định lượng kháng thể IgM An-ti HDV, IgG An-ti HDV: Dương tính.
– Phát hiện sự hiện diện của HDV-RNA trong huyết thanh bằng RT-PCR, nested RT-PCR hoặc realtime RT-PCR.
– Định lượng kháng nguyên bề mặt thuộc virus viêm gan B: Dương tính.
Viêm gan siêu vi D là bệnh đồng nhiễm hoặc bội nhiễm với viêm gan B. Do đó, người mắc bệnh nằm trong bệnh cảnh nặng nề hơn và có nguy cơ cao dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy gan, xơ gan, ung thư gan …
Điều trị nội khoa là phương pháp tối ưu giúp cải thiện tình trạng bệnh gan do virus HDV. Các nhóm thuốc sử dụng trên lâm sàng hiện nay có tác dụng ngăn cản sự nhân lên và giảm thiểu sự xâm nhập của virus HDV vào tế bào gan gây bệnh.
Lưu ý: Người bệnh mắc viêm gan D cần đến cơ sở chuyên khoa thăm khám càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và tự ý điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Dự phòng bệnh bao giờ cũng đem lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe mọi người, mọi nhà. Không những thế còn giúp tiết kiệm được khoản chi phí điều trị khổng lồ. Dự phòng bệnh viêm gan cũng vậy, nhất là viêm gan siêu vi D. Cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh do virus HDV gây ra chính là tránh bị lây nhiễm viêm gan B.
Dưới đây là một số phương pháp hữu hiệu giúp dự phòng bệnh thông qua cơ chế phòng bệnh viêm gan B:
Vacxin phòng bệnh viêm gan B nằm trong chương trình tiêm phòng quốc gia dành cho trẻ nhỏ. Nồng độ kháng thể mà cơ thể sản sinh ra sau khi tiêm vacxin lúc 12 tháng tuổi giảm dần khi đến tuổi trưởng thành, do đó cần chủ động tiêm phòng lại. Điều đó rất cần thiết đối với người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus HBV như: sử dụng ma túy, yêu thích xăm trổ, có nhiều bạn tình…
HBV và HDV được truyền qua đường tiếp xúc với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, ví dụ như nước tiểu, dịch âm đạo, tinh dịch. Sử dụng biện pháp phòng tránh an toàn trước – trong – và sau khi quan hệ để tránh bị lây nhiễm chéo virus HDV.
Virus gây bệnh viêm gan siêu vi D có thể lây truyền qua đường máu, vì vậy không được dùng chung kim tiêm, dịch truyền với người khác.
Điều trị thuốc kháng virus đường uống cho phụ nữ mang thai có HbsAg (+) ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ và duy trì kéo dài 1-3 tháng sau sinh. Đó là biện pháp hiệu quả để bảo vệ con nhỏ tránh bị nhiễm HBV từ cơ thể mẹ .
Viêm gan D là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus HDV tấn công vào tế bào gan gây bệnh. Những người bị nhiễm viêm gan hầu hết sẽ hồi phục nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó bệnh viêm gan siêu vi D có thể chữa trị được ở các giai đoạn sớm và việc điều trị cũng giúp giảm thiểu tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm thông tin hữu ích về viêm gan D. Hãy luôn chú ý tới các biểu hiện bất thường của cơ thể để sớm phát hiện triệu chứng bệnh, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh