✴️ Viêm gan tự miễn: Tổng quan và điều trị

Nội dung

Viêm gan tự miễn là gì

Viêm gan tự miễn (AIH) là những tổn thương gan bị gây ra bởi chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào  gan thay vì tấn công những virus vi khuẩn và các mầm bệnh khác xâm nhập vào cơ thể, gây ra viêm nhiễm có thể dẫn tới xơ gan và suy gan nếu không được chữa trị kịp thời. Viêm gan tự miễn là bệnh mạn tính, khá hiếm gặp, không lây nhiễm nhưng lại chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu.

Có 2 loại viêm gan tự miễn:

  • Loại 1: là loại phổ biến nhất của bệnh, thường phát triển đột nhiên, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Có tới 50% số người mắc viêm gan tự miễn loại 1 có rối loạn tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp…
  • Loại 2: ít gặp hơn, đối tượng mắc loại này là các bé gái từ 2-14 tuổi, có thể gặp ở người lớn.

Nguyên nhân mắc bệnh viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn được Waldenstrom phát hiện lần đầu tiên năm 1950 trên nữ bệnh nhân trẻ. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan tự miễn chưa được xác định rõ ràng, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính xác.

Bệnh này có thể do hệ thống miễn dịch của người bệnh không thể phân biệt được các mô cơ thể khoẻ mạnh và có hại. Cũng có thể do nhiễm trùng, do uống các loại thuốc men, hay do yếu tố di truyền hoặc môi trường sống tác động vào cơ thể con người.

Nguy cơ bị viêm gan tự miễn

Giới tính: có thể gặp ở cả hai giới và mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở nữ giới. Nữ giới chiếm khoảng 70% người mắc bệnh;

Tiền sử mắc bệnh nhiễm trùng: Khi cơ thể bị một số loại vi khuẩn xâm nhập thì viêm gan tự miễn có cơ hội phát triển;

Sử dụng một số loại thuốc điều trị: có một số loại thuốc kháng sinh có thể gây ra bệnh như minocycline, thuốc atorvastatin điều trị cholesterol;

Gia đình: Bệnh có nguy cơ di truyền nên bạn hoàn toàn có thể mắc bệnh nếu gia đình có người mắc bệnh viêm gan tự miễn;

Mắc một căn bệnh tự miễn khác:  bệnh nhân có khả năng bị viêm gan tự miễn cao hơn người bình thường nếu đã từng hoặc đang mắc một căn bệnh tự miễn khác.

Nguy cơ bị viêm gan tự miễn

Triệu chứng viêm gan tự miễn

Gầy sút, mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải: Bệnh viêm gan tự miễn khởi phát âm thầm có dấu hiệu từ nhẹ đến nặng. Những triệu chứng thường thấy như mệt mỏi, khó chịu vùng bụng, đau khớp, ngứa, vàng da vàng mắt. Chảy máu cam, chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da là các biểu hiện cũng hay gặp;

Khám lâm sàng: ở giai đoạn sớm khám lâm sàng thấy gan to và thuỳ trái thường lớn hơn, giai đoạn muộn thì gan thường teo nhỏ và lách to kèm theo hạch to, cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ. Viêm mao mạch dị ứng, mụn trứng cá, hồng ban hoặc ban đỏ rải rác;

Xét nghiệm máu: Có thể thấy tăng gammaglobuline. Bilirubin > 3mg/dL, phosphatase kiềm > 2 lần, AST > 1000U/L. Viêm gan tự miễn có thể biến chứng tới thiếu máu ác tính, thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu ban xuất huyết, viêm loét đại tràng, bệnh tự miễn dịch tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp. bệnh celiac, tăng áp lực máu trong tĩnh mạch, tĩnh mạch mở rộng trong thực quản.

Điều trị viêm gan tự miễn

Phương pháp điều trị chính của bệnh viêm gan tự miễn là sử dụng thuốc prednisone hoặc các loại thuốc corticosteroid để ngăn hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Có thể điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như Azathioprine (azasan, Imuran) và 6-mercaptopurine nếu bệnh nhân không thể điều trị bằng các loại thuốc trên hoặc xuất hiện những tác dụng phụ nguy hiểm.

Bệnh Viêm gan tự miễn không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến xơ gan và suy gan giai đoạn cuối, thuốc không còn tác dụng chữa bệnh ngăn chặn bệnh thì bệnh nhân sẽ được bác sỹ xem xét tới biện pháp ghép gan.

Hầu hết bệnh sẽ thuyên giảm khi được điều trị sớm và đúng cách, nhưng bệnh vẫn có thể tái phát và có những người phải điều trị bệnh suốt đời.

Với những thông tin hữu ích về viêm gan tự miễn trong nội dung bài viết trên hy vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn để phòng và điều trị bệnh hiệu quả./.

Có thể bạn quan tâm: Suy gan cấp là tình trạng gì?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top