✴️ Viêm phúc mạc bệnh học: nguy cơ gây tử vong cao

Nội dung

Viêm phúc mạc bệnh học là một bệnh lý nặng trong ngoại khoa đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức để chống nhiễm trùng. Nếu không điều trị, viêm phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, đe dọa gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

 

1. Viêm phúc mạc bệnh học là gì?

Phúc mạc là một màng mỏng bọc lót mặt trong thành bụng, có nhiệm vụ bao bọc và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng.

Viêm phúc mạc bệnh học hay viêm màng bụng là tình trạng lớp phúc mạc bị nhiễm trùng do bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Viêm phúc mạc có thể là hậu quả của bất kỳ sự vỡ (hay thủng) các tạng trong bụng hoặc có thể là biến chứng của tình trạng bệnh lý khác.

Viêm phúc mạc bệnh học được phân thành 5 loại: viêm phúc mạc nguyên phát, viêm phúc mạc thứ phát, viêm phúc mạc thứ ba (viêm phúc mạc do lao), viêm phúc mạc hóa học (viêm phúc mạc vô trùng) và áp xe phúc mạc.

Viêm phúc mạc đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức để chống nhiễm trùng. Phương pháp điều trị viêm phúc mạc thường bao gồm thuốc kháng sinh và trong một vài trường hợp cần được phẫu thuật. Nếu không điều trị, viêm phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Viêm phúc mạc bệnh học là bệnh lý rất nặng trong ngoại khoa, đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức.

 

2. Nguyên nhân của viêm phúc mạc bệnh học

Sự nhiễm trùng của màng bụng do nhiều nguyên nhân.Trong đó, có hai nguyên nhân chính gây viêm phúc mạc bệnh học là do vi khuẩn tự phát và do nhiễm trùng lan rộng từ cơ quan trong ổ bụng.

2.1. Viêm phúc mạc nguyên phát

Viêm phúc mạc nguyên phát là kết quả của tình trạng nhiễm trùng dịch ổ bụng trong khoang phúc mạc do vi khuẩn tự phát gây nên. Con đường dẫn đến viêm nguyên phát khởi phát từ đường máu,  đường bạch huyết hay do lây truyền vi khuẩn trong lòng ruột qua thành ruột ra ngoài.

Theo kết quả nghiên cứu, khoảng 90% các trường hợp viêm phúc mạc nguyên phát cấy dương tính với một tác nhân. Trong đó, vi khuẩn gram âm là tác nhân thường gặp như vi khuẩn  E.coli, Klebsiella pneumoniae, Bacteroides… Trong khi các vi khuẩn gram dương như Streptococcus pneumoniae lại ít gặp hơn.

Người bệnh mắc viêm phúc mạc nguyên phát thường có triệu chứng tiêu hóa khá mơ hồ hoặc không có triệu chứng. Bệnh có thể xảy ra ở những người mắc bệnh xơ gan mất bù, bệnh tim hoặc bệnh suy thận. Đây là những bệnh thường gây ra sự khiến các chất lỏng (dịch) bị tích tụ trong khoang bụng gây ra tình trạng cổ trướng. Sự hiện diện của cổ trướng cùng với sức đề kháng thấp của người bệnh thường dẫn đến nhiễm trùng.

2.2. Viêm phúc mạc thứ phát

Viêm phúc mạc thứ phát có tỷ lệ mắc phải phổ biến hơn. Bệnh thường là biến chứng của một số bệnh lý ngoại khoa xảy ra trong khoang màng bụng như:

– Viêm – loét các cơ quan trong ổ bụng: viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm túi thừa, viêm ruột thừa, viêm túi mật hoại tử, viêm tụy.

– Thủng các cơ quan rỗng: thủng ruột, thủng túi mật, thủng ổ loét dạ dày – tá tràng, vỡ ruột thừa,…

– Các biến chứng sau phẫu thuật: sinh thiết tạng trong ổ bụng, nhồi máu tạng, sang chấn thủng tạng, thủ thuật lọc màng bụng, thủ thuật nội soi tiêu hóa,…

– Vỡ áp xe tạng lân cận lan vào ổ bụng, áp xe phần phụ…

– Chửa ngoài tử cung.

– Chấn thương hoặc vết thương xuyên bảo ổ bụng.

2.3. Nguyên nhân khác

– Viêm phúc mạc ở người bệnh ức chế miễn dịch như HIV/AIDS.

– Viêm phúc mạc gây ra bởi các chất hóa học trong cơ thể có tính kích thích như máu, mật, nước tiểu hoặc các chất hóa học ngoại sinh như thuốc bari tương phản khi chụp ống tiêu hóa bị tràn vào trong khoang màng bụng.

 

3. Triệu chứng viêm phúc mạc bệnh học

3.1. Triệu chứng phổ biến của viêm phúc mạc bệnh học

– Đau bụng: đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên. Người bệnh đau bụng dữ dội khi của động hoặc khi có tác động từ bên ngoài, thường được mô tả là có phản ứng thành bụng. Vị trí đau tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm phúc mạc.

– Sốt cao liên tục từ 39-40°C hoặc sốt âm ỉ kéo dài.

– Đầy hơi hoặc trướng, khó tiêu và có cảm giác khó chịu trong ổ bụng.

– Buồn nôn và nôn ói.

– Người mệt mỏi, hốc hác, hay bơ phờ.

– Tiêu chảy hoặc táo bón hoặc bí trung tiện.

 

3.2. Triệu chứng nguy hiểm của viêm phúc mạc bệnh học

– Khát nước, tiểu ít (lượng nước tiểu ít hơn ngày thường hoặc thiểu niệu.

– Bụng cứng như khúc gỗ.

– Người bệnh ngủ li bì, bán mê hoặc rơi vào hôn mê.

– Huyết áp thấp, mạch đập nhanh, da – niêm mạc nhợt.

– Da xanh tái, nhớp mồ hôi, chân tay lạnh, ẩm.

– Nếu người bệnh đang thẩm phân phúc mạc, dịch thẩm tách ra máu đục hoặc có các vệt trắng, sợi lợn cợn. Có mùi bất thường trong dịch lọc hoặc vị trí đặt ống thông.

 

4. Vì sao viêm phúc mạc bệnh học lại nguy hiểm?

Viêm phúc mạc là một bệnh lý rất nặng trong ngoại khoa, là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm khuẩn trong ổ bụng. Nếu không được can thiệp xử lý kịp thời, viêm phúc mạc có thể mở rộng ra ngoài phúc mạc làm tổn thương toàn bộ các cơ quan khác của cơ thể, xâm nhập vào máu gây sốc và đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 60-70% không được điều trị tích cực ngay từ giai đoạn đầu. Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm:

– Mất nước và gây mất cân bằng điện giải.

– Dính phúc mạc, tắc ruột.

– Bệnh não gan.

– Hội chứng gan – thận.

– Nhiễm khuẩn khuyết.

– Suy đa cơ quan.

– Sốc nhiễm trùng.

– Tử vong.

 

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phúc mạc

5.1. Chẩn đoán viêm phúc mạc bệnh học

Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng phúc mạc chủ yếu dựa trên các biểu hiện thực thể. Phân tích dịch phúc mạc nhằm xác nhận chẩn đoán, trong khi chẩn đoán hình ảnh (Chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính) giúp xác định các bệnh lý tiềm ẩn và loại trừ các chẩn đoán phân biệt khi nghi ngờ, nhất là khi người bệnh nhập viện với các triệu chứng cấp tính bất thường ở ổ bụng do chuyển hóa trong nhiễm toan đái tháo đường hay đau bụng do ngộ độc chì…

Tuy nhiên, viêm phúc mạc là bệnh cảnh khẩn cấp, việc tiến hành điều trị không được trì hoãn đến khi có kết quả xét nghiệm. Theo đó, đóng vai trò cốt lõi trong điều trị bệnh viêm phúc mạc là kiểm soát nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh. Phác đồ sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào loại viêm phúc mạc người bệnh mắc phải.

 

5.2. Điều trị viêm phúc mạc bệnh học

Viêm phúc mạc nguyên phát:

Chỉ định điều trị trong viêm nguyên phát khi người bệnh sốt trên 37,8 °C, số lượng bạch cầu đa nhân trung tính trong dịch cổ trướng từ 250 tế bào/μL trở lên và có các dấu hiệu thay đổi tri giác.

– Kháng sinh được chọn là kháng sinh phổ rộng cephalosporin thế hệ 3 như ceftriaxone, cefotaxime hoặc quinolon.

– Nếu nghi ngờ người bệnh nhiễm E.coli hoặc Klebsiella pneumoniae kháng thuốc, có thể chỉ định một trong các loại thuốc moxifloxacin, ertapenem, imipenem, meropenem, doripenem.

– Khi có kết quả cấy dịch hoặc cấy máu dương tính thì chỉ định điều trị theo kháng sinh đồ.

– Thời gian điều trị từ 5-14 ngày tùy theo đáp ứng của người bệnh.

Viêm phúc mạc thứ phát:

Cách tiếp cận viêm thứ phát là loại bỏ nguồn lây nhiễm bằng thuốc kháng sinh và điều trị nguyên nhân thông qua các thủ thuật can thiệp khi cần thiết. Ngoài ra, do hệ tiêu hóa bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh cần nhịn ăn và hỗ trợ dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch và các biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác. Kháng sinh phổ rộng trong viêm phúc mạc thứ phát được chỉ định một trong các loại sau:

– Piperacillin + tazobactam

– Ampicillin + sulbactam, có thể kết hợp với gentamicin

– Ciprofloxacin +/- metronidazole

– Nếu viêm phúc mạc nặng nên có chỉ định dùng carbapenems, như imipenem hoặc meropenem.

Lưu ý: các thông tin về thuốc điều trị trong bài chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không tự ý điều trị khi không có chỉ định từ bác sĩ.

Bên cạnh đó, chỉ định phẫu thuật nên được đặt ra càng sớm càng tốt khi tình trạng sức khỏe người bệnh cho phép. Thông quan phương pháp này, bác sĩ có thể bóc tách, dẫn lưu ổ nhiễm qua da, làm sạch ổ bụng để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng một cách triệt để.

Viêm phúc mạc bệnh học là một bệnh lý nguy hiểm cần được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức. Do đó, khi có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám và điều trị sớm nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top