✴️ Viêm túi mật triệu chứng là gì – cách điều trị hiệu quả

Nội dung

1. Bệnh viêm túi mật triệu chứng là gì

Triệu chứng của viêm túi mật là khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng bệnh là viêm mạn tính hay cấp tính. Các dấu hiệu của bệnh cũng dễ gây nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa mà người bệnh lại ít chú ý đến.

 

1.1. Viêm túi mật triệu chứng cấp tính

Có 3 triệu chứng chính của viêm túi mật cấp tính, thường gọi là tam chứng Charcot bao gồm:

– Đau hạ sườn phải: Người bệnh viêm túi mật cấp thường đau bụng ở phía hạ sườn phải, có khi đau lan lên lưng, qua vai phải, cơn đau tăng dần theo thời gian. Vào lúc này, nếu người bệnh ăn hay uống thì cơn đau sẽ càng tăng lên do đường mật bị kích thích liên tục. Triệu chứng đau viêm túi mật thường kéo dài khá lâu và dai dẳng, trung bình khoảng sau 12-18 giờ sẽ giảm từ từ.

– Sốt: Người bệnh bị sốt cao, lên đến 39 – 40 độ C, có thể kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi.

– Vàng da nhẹ và nước tiểu vàng: Khi ống mật chủ phối hợp bị tổn thương, sẽ xuất hiện hiện tượng vàng da nhẹ và nước tiểu vàng.

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ thường xuyên gặp các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa điển hình như buồn nôn, chán ăn, hay ăn không ngon miệng,…

Các triệu chứng viêm túi mật cấp sẽ tăng lên tùy theo cấp độ viêm. Khi viêm càng nặng, biểu hiện của bệnh sẽ càng nghiêm trọng. Với viêm túi mật cấp mức độ nhẹ (độ 1), người bệnh ít khi nhận thấy triệu chứng bất thường. Nhưng nếu viêm túi mật cấp mức độ trung bình (độ 2), người bệnh sẽ bị đau ở vùng hạ sườn phải, thời gian đau trên 72 giờ.

Với cấp độ nặng hơn là độ 3, người bệnh sẽ thường xuyên gặp những cơn đau nặng nề. Đau hạ sườn phải đi kèm vàng da, mắt, nôn sốt liên tục. Đồng thời, trong giai đoạn này rất nhanh sẽ xảy ra biến chứng như hạ huyết áp, thiểu niệu…

Viêm túi mật triệu chứng thường là đau hạ sườn phải, vàng da, buồn nôn…

 

1.2. Viêm túi mật triệu chứng mạn tính

Người bệnh thường hay đau nhẹ, nhạy cảm với mỡ, với thức ăn chiên xào, đôi khi buồn nôn, chán ăn. Một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể không nhận thấy bất kỳ biểu hiện gì bất thường.

Các triệu chứng của viêm túi mật mạn tính không rõ ràng, có thể đi kèm với nhiều bệnh khác, vì vậy khá khó để phát hiện và chẩn đoán kịp thời.

 

2. Viêm túi mật điều trị ra sao?

2.1. Sử dụng thuốc điều trị

Nếu người bệnh bị viêm túi mật mạn tính, viêm túi mật do sỏi đã qua giai đoạn cấp cứu có thể được điều trị bằng thuốc. Với cơn đau gây ra bởi sỏi mật, người bệnh thường được truyền dịch ngay tại bệnh viện, ngừng ăn uống để tránh kích thích túi mật, truyền điện giải và nên nghỉ ngơi cho đến khi tình trạng ổn định hẳn.

Thuốc điều trị viêm túi mật được kê đơn thường là:

– Thuốc với bản chất là axit mật, có tác dụng làm tan sỏi, giúp giảm tiết cholesterol ở gan.

– Các loại kháng sinh giúp chống viêm

– Thuốc giảm đau để làm giảm bớt các cơn đau xuất hiện đột ngột

– Thuốc hạ sốt.v..v..

Lưu ý thuốc tan sỏi chỉ áp dụng hiệu quả đối với các loại sỏi nhỏ, kích thước dưới 1.5cm. Thuốc chỉ hỗ trợ điều trị sỏi mật chứ không thể dứt điểm bệnh. Sỏi mật có thể tái phát tùy theo cơ địa cũng như sự phòng tránh của mỗi người.

2.2. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật

Sỏi mật thường rất khó tan hoặc ra ngoài, cho nên  phẫu thuật cắt bỏ là biện pháp dứt điểm để chấm dứt cơn đau do viêm túi mật. Hơn nữa, cắt bỏ túi mật cũng hạn chế các biến chứng vỡ túi mật, đồng thời tránh bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Hiện nay, 2 phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng phổ biến là mổ mở và mổ nội soi. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định thích hợp đối với người bệnh.

– Khi bị viêm túi mật cấp nhưng chưa xảy ra biến chứng nguy hiểm thì sẽ có chỉ định cắt bỏ. (Trong điều kiện sức khỏe bệnh nhân đảm bảo cuộc phẫu thuật). Phẫu thuật nội soi đang là chìa khóa vàng trong điều trị viêm túi mật. Ưu điểm đặc biệt đó là đỡ đau, có thể rút ngắn thời gian điều trị. Biến chứng sau mổ rất ít xảy ra. Người bệnh không lo sẹo vì dụng cụ nội soi được đưa vào từ vết cắt cực kỳ bé.

– Bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe suy kiệt, có biến chứng nặng từ viêm túi mật, mắc các bệnh nền khác sẽ không thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ngay. Khi đó, người bệnh sẽ được dẫn lưu túi mật. Sau đó tiến hành xác định lại tình trạng sức khỏe và có chỉ định thích hợp như mổ hay duy trì dùng thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top