Túi thừa là những túi nhỏ, phồng, có thể hình thành ở bất cứ nơi nào của ống tiêu hóa, từ thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già. Viêm túi thừa xảy ra khi một hoặc nhiều túi thừa của ống tiêu hóa bị viêm hoặc nhiễm khuẩn.
Túi thừa khá phổ biến, thường gặp nhất ở những người từ 40 tuổi trở lên và hầu hết mọi người không biết đến sự tồn tại. Chỉ có 10% -25% những người có túi thừa ở ống tiêu hóa tiếp tục phát triển viêm túi thừa.
Phần lớn các trường hợp có túi thừa trong ống tiêu hóa không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Nhiều người thậm chí còn không bao giờ biết đến sự tồn tại của chúng trong cơ thể vì chúng hiếm khi gây ra vấn đề gì, trừ phi túi thừa bị nhiễm khuẩn (viêm túi thừa). Trong khi đó viêm túi thừa lại có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng, sốt, sốt cao rét run; túi thừa cũng có thể áp-xe hóa, rò, thậm chí thủng gây chảy máu, nhiễm khuẩn ổ bụng rất nguy hiểm.
Đa phần các túi thừa ống tiêu hóa hình thành ở đại tràng. Túi thừa thường phát triển ở những vị trí yếu tự nhiên trong thành đại tràng dưới tác động của áp lực. Điều này làm cho túi thừa hình thành và nhô ra khỏi đại tràng.
Nguyên nhân chính xác gây viêm túi thừa vẫn chưa được xác định. Một số giả thuyết cho rằng áp lực gia tăng trong đại tràng có thể làm suy yếu thành túi thừa, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Một số khác lại cho rằng các lỗ hẹp của túi thừa là nơi phân ứ đọng lại, có thể dẫn đến viêm túi thừa. Hoặc tình trạng tắc nghẽn miệng túi thừa có thể làm giảm lượng máu nuôi, dẫn đến tình trạng viêm.
Một chế độ ăn uống ít chất xơ sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm túi thừa. Các nhà nghiên cứu chưa có lý giải chính xác cho mối liên kết này. Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ táo bón và phát triển viêm túi thừa đau đớn trong đại tràng.
Không quá khó để tìm nguồn thực phẩm giàu chất xơ để cung cấp cho cơ thể. Chất xơ được tìm thấy trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu (đậu khô, đậu Hà Lan, đậu lăng). Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ khuyến cáo mỗi người nên tiêu thụ khoảng 20 – 35 gam chất xơ mỗi ngày.
Bởi vì viêm túi thừa hầu như không gây ra bất cứ triệu chứng nào nên nhiều trường hợp được chẩn đoán viêm túi thừa khi thăm khám kiểm tra cho một bệnh khác. Các túi thừa có thể được phát hiện qua thông qua hình ảnh chụp X quang hoặc nội soi đại tràng. Khi viêm túi thừa đã tiến triển thành áp xe, siêu âm và chụp CT bụng hoặc xương chậu có thể quan sát thấy các ổ mủ.
Nhiều bệnh có túi thừa có rất ít hoặc không gặp bất cứ triệu chứng nào. Những trường hợp này không cần điều trị cụ thể. Một chế độ ăn uống giàu chất xơ hoặc uống thuốc bổ sung chất xơ được khuyến cáo để ngăn chặn táo bón và hạn chế sự hình thành các túi thừa mới.
Bệnh nhân bị đau bụng nhẹ do viêm túi thừa có thể được điều trị bằng thuốc chống co thắt như atropin, chlordiazepoxide (Librax), dicyclomin (BENTYL), diphenoxylate và atropine (Lomotil), hyoscyamine (Levsin), phenobarbital, và scopolamine.
Nếu các triệu chứng của viêm túi thừa, chẳng hạn như đau bụng, chuột rút, sốt, đều ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần điều trị bằng kháng sinh đường uống. Ðể ruột được nghỉ ngơi, bệnh nhân nhịn ăn hoặc ăn ít vài ngày, sau đó dùng thức ăn lỏng cho đến khi hết đau hẳn. Nếu bệnh nặng, cơn đau nhiều, bệnh nhân phải được chữa trong bệnh viện để có thể truyền nước, kháng sinh vào tĩnh mạch và theo dõi diễn tiến cũng như biến chứng của bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh