✴️ Vướng nghẹn cổ và khó nuốt

Nội dung

1. Đôi điều về phản xạ Nuốt

1.1. Các giai đoạn nuốt

Nuốt là một động tác nửa tự động có cơ chế rất phức tạp được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu – nuốt có ý thức

Thức ăn được đặt trên lưỡi, lưỡi cử động lên trên và ra sau để đẩy thức ăn vào họng.

Giai đoạn nuốt không có ý thức

Giai đoạn này xảy ra ở họng và thực quản. Là phản xạ ruột – một phản xạ đặc biệt của ống tiêu hóa, khi thức ăn kích thích vào một đoạn nào đó của ống tiêu hóa thì đoạn đó và đoạn ở trên sẽ co lại trong khi đoạn dưới giãn ra.

Phản xạ nuốt

Với phản xạ nuốt,  thức ăn kích thích vùng nhận cảm nuốt quanh vòm họng, truyền tín hiệu về thân não gây co các cơ của họng theo tuần tự tác động vào thiết hầu, nếp gấp khe họng, dây thanh âm, thanh quản. Trong khi nuốt trung tâm nuốt ức chế trung tâm hô hấp vì thế bạn không thể vừa nuốt xuống vừa thở ra được. Chức năng của thực quản là đưa thức ăn từ họng đến dạ dày nhờ các sóng nhu động, được kiểm soát bởi các dây thần kinh IX, X và đám rối thần kinh Auerbach ở thực quản.

1.2. Nuốt là sự kết hợp của nhiều cơ quan

Động tác nuốt rất phức tạp và phải được thực hiện một cách nhịp nhàng, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hệ thần kinh ngoại vi thuộc sự chi phối của ý thức và hệ thần kinh tự động thuộc sự điều khiển của tiềm thức. Chỉ khi có được sự đồng điệu nhất định giữa các cơ quan thì việc nuốt mới trở nên suôn sẻ, đầu xuôi đuôi lọt.

Mỗi ngày chúng ta nuốt khoảng 600 – 2000 lần, mỗi lần nuốt có sự phối hợp của 20 cặp cơ. Cơ chế phức tạp, số lần nuốt nhiều như vậy nhưng mọi thứ thường hoạt động tốt bởi việc này đã được tập dượt nhiều lần ngay khi chúng ta còn ở trong bụng mẹ bằng việc nuốt 0,5 lít nước ối mỗi ngày.

Như vậy rõ ràng khi việc nuốt xảy ra trục trặc thì có thể vấn đề nằm ở cơ, thần kinh, thực phẩm ăn uống, cũng có thể xảy ra ở nhiều phân đoạn giải phẫu như miệng, họng, thanh quản, thực quản…

2. Phân biệt vướng nghẹn vùng cổ – khó nuốt

Bạn hãy tưởng tượng vướng nghẹn vùng cổ cũng giống như việc bạn tham gia giao thông, có lúc tắc đường giờ cao điểm, có lúc đường thông hè thoáng một mình một đường; nhưng nếu là khó nuốt thì nó chính là cái viễn cảnh lúc nào cũng gặp tắc đường cho dù bạn ra đường vào thời điểm nào, di chuyển bằng phương tiện nào đi chăng nữa.

 
  Vướng nghẹn cổ Khó nuốt

Triệu chứng

Xuất hiện rõ nhất khi nuốt nước bọt, không xuất hiện trong khi ăn, có thể kèm ợ chua, ợ nóng, buồn nôn…

Không xuất hiện thường xuyên, có thể lúc bị lúc lại như bình thường.

Khó nuốt đồ ăn thức uống, buồn nôn, ho, nghẹt thở, đau khi nuốt, khàn tiếng…

Xuất hiện thường xuyên bất kể khi nào ăn uống.

Tần suất

Hay gặp, 68% người bị trào ngược có triệu chứng này.

Hiếm gặp hơn ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày.

Nguyên nhân

Trào ngược dạ dày thực quản, loạn cảm họng,. Viêm thực quản (phổ biến là do trào ngược dạ dày thực quản), ung thư thục quản, chứng co thắt thực quản, polyp – u thực quản, ung thư vòm họng, u trung thất, nhược cơ, đột quỵ, bại não, viêm họng, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý cột sống cổ…

Xét nghiệm cơ bản

Nội soi dạ dày thực quản, nội soi tai mũi họng, nuốt bari, đo áp lực thực quản, X-quang lồng ngực, theo dõi độ pH của vùng họng thanh quản – thực quản, chụp MRI.

Tiên lượng

Thường không nguy hiểm vì đây chỉ là cảm giác có thứ gì đó  chứ hoàn toàn không có bất tổn thương nào ở hầu họng thực quản, đa số sẽ tự mất đi

Tuy nhiên sẽ trỏ nên nguy hiểm khi xuất hiện khó nuốt, nuốt đau và gầy sút cân

Luôn là một dấu hiệu nguy hiểm khi chưa xác định được nguyên nhân.

Hướng giải quyết

Điều trị trào ngược dạ dày nếu có.

 

Điều trị các nguyên nhân khác

Ngôn ngữ trị liệu, liệu pháp tâm lý…

Điều trị nguyên nhân.

 

Bài tập cơ nuốt, ngôn ngữ trị liệu, thay đổi các dạng thức ăn, nong giãn thực quản, phẫu thuật.

3. Làm gì khi có triệu chứng vướng nghẹn cổ – khó nuốt???

Làm gì khi gặp triệu chứng vướng nghẹn cổ, khó nuốt?

Cả vướng nghẹn vùng cổ và khó nuốt đều là 2 triệu chứng có liên quan đến phản xạ nuốt, đều có thể gặp trong bệnh trào ngược song trong khi vướng nghẹn cổ là một chẩn đoán loại trừ thì khó nuốt lại là một chẩn đoán xác định cụ thể, mức độ nguy hiểm tuy khác nhau xong cả 2 đều có thể tiến triển xấu đi và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy ngay khi bạn có các triệu chứng này bạn nên tìm gặp bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top