✴️ Xơ gan có mấy cấp độ và dấu hiệu nhận biết

Mục đích của việc xác định xơ gan có mấy cấp độ nhằm giúp bác sĩ dễ dàng xác định mức độ gan tổn thương, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế xơ gan tiến triển nặng.

Xơ gan được phân ra 04 cấp độ, từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng, phương pháp điều trị, tỷ lệ chữa khỏi khác nhau

 

1. Xơ hóa gan là bệnh gì?

Xơ gan là một tổn thương ở bộ phận gan diễn ra trong thời gian dài không thể phục hồi. Sử dụng rượu bia, nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C là những nguyên nhân phổ biến của xơ gan.

Căn bệnh nếu không điều trị sớm sẽ để lại nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây ra suy nhược, chán ăn, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi. Nguy hiểm hơn là tiến triển sang suy gan, tổn thương chức năng gan nghiêm trọng.

Xơ gan không phải là ung thư. Tuy nhiên, hầu hết những người bị ung thư gan đều bị xơ gan. Nếu bạn bị xơ gan, bạn cũng sẽ gia tăng nguy cơ ung thư gan.

Bản thân bệnh xơ gan không phải là một bệnh di truyền (truyền từ cha mẹ sang con cái). Tuy nhiên, một số bệnh có thể gây tổn thương gan dẫn đến xơ gan lại là bệnh di truyền.

Xơ gan thường được chẩn đoán sớm thông qua khám sức khỏe định kỳ, đánh giá tiền sử uống rượu bia, xét nghiệm máu hoặc sinh thiết gan. Vì vậy việc thăm khám thường xuyên với bác sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh lý gan mật và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

 

2. Xơ gan có mấy cấp độ?

Căn bệnh xơ gan được phân ra 04 cấp độ, từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng, phương pháp điều trị, tỷ lệ chữa khỏi khác nhau.

2.1. Xơ gan có mấy cấp độ?

Xơ hóa gan có 04 giai đoạn bao gồm:

-F1 (xơ hóa khoảng cửa)

-F2 (xơ hóa khoảng cửa với vài cầu nối)

-F3 (xơ hóa bắt cầu)

-F4 (xơ gan).

Có 4 mức độ xơ hóa gan:

-Không xơ hóa hay xơ hóa nhẹ khi bệnh nhân ở giai đoạn: F0, F1. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn F1, F2 thì việc điều trị sớm có thể giúp gan phục hồi chức năng.

-Xơ hóa đáng kể ở giai đoạn F2, F3, F4

-Xơ hóa nặng ở giai đoạn F3, F4. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn này thường điều trị rất khó phục hồi, chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn không cho tình trạng xơ hóa trở nên nghiêm trọng hơn.

-Xơ gan (F4). Xơ gan nặng ở giai đoạn F4, có thể đe dọa tính mạng.

2.2. Mục đích xác định các mức độ xơ hóa gan

Mục đích của việc xác định các cấp độ xơ hóa gan là để bác sĩ:

– Dễ dàng xác định mức độ gan tổn thương để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, nhất là trường hợp bệnh nhân viêm gan mạn tính do virus. Bên cạnh điều trị là hạn chế xơ gan tiến triển nặng sang các giai đoạn nguy hiểm hơn.

– Giúp bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân chế độ ăn uống, luyện tập, theo dõi tiến triển bệnh phù hợp.

– Giúp bác sĩ xác định thời gian hợp lý để bắt đầu đưa ra biện pháp tầm soát biến chứng xơ gan như ung thư gan, giãn tĩnh mạch thực quản, xơ gan nặng…

– Đánh giá phương pháp điều trị áp dụng đã phù hợp hay chưa, và đánh giá tiến triển hay thoái triển xơ hóa gan.

Bệnh xơ gan thường được chẩn đoán thông qua khám sức khỏe định kỳ, tiền sử uống rượu bia, xét nghiệm máu hoặc sinh thiết gan

 

3. Dấu hiệu nhận biết các cấp độ xơ gan

Bệnh xơ gan thường diễn tiến âm thầm trong một thời gian dài. Ở giai đoạn đầu mắc bệnh, cơ thể thường không có biểu hiện rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường. Càng để lâu thì tình trạng xơ gan càng trở nên trầm trọng và gây ra nhiều dấu hiệu đáng ngờ về sức khỏe như mô tả dưới đây.

3.1. Giai đoạn đầu F1

Trong giai đoạn đầu các mô sẹo gan bây giờ mới bắt đầu hình thành, bệnh nhân rất ít khi xuất hiện triệu chứng hoặc nếu có thì khá mờ nhạt. Dấu hiệu chỉ là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sút cân, rối loạn tiêu hóa…. Vì vậy giai đoạn này rất dễ bị chúng ta chủ quan bỏ qua hoặc lầm tưởng cơ thể mắc bệnh khác.

3.2. Giai đoạn F2

Sang giai đoạn này, bộ phận gan bắt đầu xuất hiện nhiều mô sẹo hơn. Các mô xơ hóa gan có thể nhìn rõ hơn. Số lượng tế bào gan xơ hóa tăng trưởng làm chức năng gan suy yếu. Chất độc không được đào thải toàn bộ nên ứ đọng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Từ đó xơ gan có thể gây rối loạn các chuyển hóa trong cơ thể.

Dấu hiệu dễ dàng nhận biết nhất ở giai đoạn này là vàng da, vàng mắt, vàng tay, vàng chân…bất thường. Ngoài ra là một số biểu hiện khác như:

– Đầy bụng, khó tiêu.

– Móng tay chân khô lại, chuyển màu trắng hơn.

– Cơ thể mệt mỏi, hay sốt nhẹ về chiều tối.

– Đau phần bụng hạ sườn bên phải nhưng không thường xuyên.

– Nước tiểu chuyển màu vàng sậm.

– Chảy máu chân răng, chảy máu cam.

3.3. Giai đoạn F3

Nếu để bệnh tiến triển sang giai đoạn 03 thì chức năng gan đã mất đi gần hết. Hoặc chúng đã bị tổn thương do các mô xơ hóa dần thay thế phần lớn tế bào gan. Các tế bào bình thường còn lại phải gồng mình làm việc, dẫn đến quá tải và cuối cùng cũng chịu chung số phận.

Giai đoạn 03 người bệnh cũng bộc lộ nhiều triệu chứng như:

– Đau mỏi cơ thể, tay chân phù nề, vàng da, sụt cân, ăn không ngon miệng.

– Tiêu hóa rối loạn, đi ngoài phân đen.

– Buồn nôn, nôn ra máu.

– Đau bụng, bụng phình trướng.

– Vàng da toàn thân.

– Hay chóng mặt, tăng nhịp tim, ngất xỉu.

3.4. Giai đoạn F4

Sang giai đoạn này, các tế bào gan bị tổn thương gần như hoàn toàn. Bộ phận gan không còn chức năng, khiến sức khỏe có những chuyển biến xấu hơn. Bệnh nhân cuối cùng phải đối mặt với nhiều triệu chứng do biến chứng xơ gan gây nên. Xơ hóa gan F4 là giai đoạn nguy hiểm nhất trong các giai đoạn gan xơ hóa.

Mục đích của việc xác định xơ gan có mấy cấp độ giúp bác sĩ dễ dàng xác định mức độ gan tổn thương, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế xơ gan tiến triển nặng

 

4. Các xét nghiệm đánh giá mức độ xơ hóa gan

Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường của cơ thể nói trên, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện uy tín thăm khám cùng bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về thói quen sinh hoạt, ăn uống, sử dụng rượu bia và tiền sử bệnh lý trước đây. Bác sĩ cũng sẽ khám để kiểm tra xem gan có mềm hay lớn hơn bình thường không.

4.1. Xét nghiệm máu

Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc xơ gan, họ sẽ chỉ định xét nghiệm máu. Lý do là bởi khi gan bị xơ, các mô sẹo sẽ cản trở dòng máu qua gan, khiến máu chảy ngược về lá lách làm bộ phận này phình to. Lá lách sẽ giữ lại máu và phân hủy tế bào máu. Từ đó làm số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu giảm. Kết quả sẽ chỉ ra dấu hiệu cho thấy gan có hoạt động bình thường không, chẳng hạn như:

– Men gan tăng cao

– Sự tích tụ của bilirubin, hình thành từ sự trao đổi chất của heme.

– Lượng protein trong máu giảm.

– Công thức máu bất thường, giảm hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu

– Nhiễm virus

– Các kháng thể xuất hiện khi cơ thể mắc bệnh gan tự miễn

4.2. Siêu âm

Bác sĩ cũng có thể cho làm xét nghiệm hình ảnh bụng người bệnh, như chụp MRI hoặc siêu âm. Đây là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhanh gọn, không nguy hiểm cho người bệnh. Qua hình ảnh, bác sĩ chuyên môn dễ dàng đánh giá kích thước gan, cấu trúc gan có sẹo hay không, có bất thường khác như u gan, gan nhiễm mỡ, áp xe gan hay không…

4.3. Sinh thiết gan

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định làm sinh thiết gan, nghĩa là lấy một mẫu mô gan để xem mức độ tổn thương đang ở giai đoạn nào.

Tóm lại, với câu hỏi xơ gan có mấy cấp độ chúng ta đã có câu trả lời đầy đủ phía trên. Đây là một bệnh lý dễ dàng điều trị nếu phát hiện sớm ngay ở giai đoạn đầu. Vì vậy, việc thăm khám sức khỏe thường xuyên là điều rất quan trọng, nhất là với người hay lạm dụng rượu bia, thuốc lá, béo phì, tiểu đường, huyết áp…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top