Bệnh tiêu chảy cấp là một bệnh lý thuộc đường tiêu hóa do virus hoặc vi khuẩn (thường gặp là vi khuẩn E.Coli hoặc phẩy khuẩn Tả) gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng tại bất cứ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên thường gặp nhất ở trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch hay hệ tiêu hóa kém và Tết là thời điểm mà bệnh tiêu chảy cấp dễ “bùng phát” thành dịch bởi những tác nhân sau:
– Thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh, được “trà trộn” và bày bán tràn lan không kiểm soát hết, khi người dân tiêu thụ những loại thực phẩm này sẽ dễ bị tiêu chảy cấp.
– Khâu chế biến thực phẩm chưa được cẩn thận, thực phẩm chưa được chế biến kỹ, người chế biến thực phẩm không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn.
– Nguồn nước, môi trường sống bị ô nhiễm.
– Các loại thực phẩm chế biến sẵn, bán kẹo, thức ăn nhanh, nước uống không đảm bảo vệ sinh bày bán tràn lan ngoài thị trường.
– Thức ăn chế biến xong không che, đậy kỹ, khiến một số loài côn trùng như ruổi, nhặng,… bay vào gây bệnh.
– Tập trung đông người cũng dễ lây bệnh và khiến mầm bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Khi bị tiêu chảy cấp, người bệnh thường có các biểu hiện như:
– Đầy bụng, sôi bụng
– Tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: phân toàn nước đục như nước vo gạo)
– Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt
– Người mệt lả, có thể bị chuột rút, rối loạn điện giải biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và nếu không có biện pháp xử trí kịp thời người bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Khi bị tiêu chảy cấp người bệnh sẽ bị mất nước và nếu không được bổ sung nước và điện giải nhanh chóng người bệnh sẽ dễ bị suy kiệt và ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó nguyên tắc đầu tiên khi xử trí và phòng ngừa tiêu chảy cấp trong ngày Tết là cần bổ sung đủ nước, để bù lượng nước bị mất đi do tiêu chảy.
Có thể bổ sung oresol là thức uống bù nước bù điện giải và cần tuyệt đối tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi uống oresol. Khi bị tiêu chảy cấp không nên cố cho người bệnh ăn các loại thức ăn (thức ăn mềm như cháo chỉ nên bổ sung sau khi người bệnh đảm bảo đã được bù nước trước đó).
Nếu uống oresol mà người bệnh vẫn tiểu chảy nhiều lần, tiêu chảy ra nước, nôn thì nên cho người bệnh đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ có thể bổ sung nước và điện giải cho bệnh nhân bằng truyền dịch nếu như người bệnh không bổ sung được bằng đường uống.
Tuyệt đối không được sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, men tiêu hóa, men vi sinh khi người bệnh chưa thăm khám với bác sĩ.
Để chủ động phòng ngừa bệnh Tiêu chảy cấp trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm. Người dân nên chú ý thực hiện các biện pháp sau:
– Tuân thủ nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
– Đảm bảo giữ gìn vệ sinh nguồn nước, chỉ sử dụng nguồn nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.
– Giữ gìn vệ sinh tay sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Lựa chọn những loại thực phẩm biết rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không tiêu thụ những thực phẩm ăn nhanh, chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh.
– Mỗi gia đình nên xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi, không đổ phân, rác thải xuống ao, hồ, không sử dụng phân tươi, phân chưa qua xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cho cây trồng.
– Khi thấy người bệnh có biểu hiện bị tiêu chảy cấp, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh