✴️ Áp xe vú là bệnh gì? nguyên nhân và điều trị

Áp xe vú là căn bệnh ít gặp ở nam giới nhưng lại hay gặp ở phụ nữ, nhất là trong thời kỳ người phụ nữ sinh đẻ, nuôi con.  

Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập trực tiếp vào tuyến vú từ trên da vào tuyến vú qua các ống dẫn sữa hoặc các vết sây sát ở núm vú và vùng quầng vú; đường gián tiếp: vi khuẩn từ một ổ nhiễm khuẩn ở nơi khác trong cơ thể qua đường máu hoặc đường bạch huyết đến gây áp-xe vú.

 

Những yếu tố gây áp-xe vú

Áp-xe vú gặp ở cả nam và nữ, do vi khuẩn gây ra, trong đó hay gặp nhất là tụ cầu và liên cầu, ít gặp hơn là phế cầu, lậu cầu, trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn kỵ khí.

Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm do ốm đau, ăn uống thiếu chất, thức đêm nhiều, lao động vất vả ít được nghỉ ngơi… ứ đọng sữa trong tuyến vú là các yếu tố chủ yếu gây áp-xe vú ở phụ nữ.

Vị trí ổ áp-xe có thể trước tuyến, trong tuyến, sau tuyến. Một ổ áp-xe thường trải qua hai giai đoạn viêm và tạo thành áp-xe, hoại thư vú.

Áp xe vú

 

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn bệnh: giai đoạn viêm, bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Đau nhức sâu ở trong tuyến vú, đau tăng khi khám, khi cử động vai, cánh tay. Bên vú bị viêm to ra, mật độ chắc, hạch ở nách cùng bên to và đau.

Da trên ổ viêm có thể bình thường nếu ổ viêm ở sâu trong tuyến, có thể nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da hoặc trên bề mặt của tuyến. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng cao. Giai đoạn tạo thành áp-xe là những túi mủ khu trú ở vú hình thành do sự hoại tử các mô. Có thể có một hay nhiều ổ áp-xe nằm ở một hoặc nhiều thùy khác nhau của tuyến vú.

Giai đoạn này, mọi triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng lên: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, khát nước, da xanh, gầy yếu nhanh. Bệnh nhân thấy đau nhức nhối sâu trong tuyến vú, đau tăng khi vận động vai, cánh tay, khi cho con bú. Vú sưng to, vùng da trên ổ áp-xe thường nóng, căng, sưng đỏ hay phù tím.

Nếu ổ áp-xe nằm ở sâu thì da cũng có thể vẫn bình thường. Các tĩnh mạch dưới da nổi rõ, có biểu hiện viêm hạch bạch huyết, núm vú tụt. Nếu ổ áp-xe thông với các ống dẫn sữa thì có thể thấy sữa lẫn mủ chảy qua đầu núm vú. Chọc đúng ổ áp-xe có thể hút được mủ.

Áp xe vú viêm vú

 

Biến chứng của áp-xe vú

Áp xe vú nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây biến chứng: viêm xơ tuyến vú mạn tính, do dùng kháng sinh kéo dài ở giai đoạn áp-xe hoặc là hậu quả của việc tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến vú để điều trị áp-xe vú. Lúc này biểu hiện toàn thân khá hơn: không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, ranh giới không rõ ràng, không dính da, ít đau.

Viêm tấy tuyến vú là quá trình viêm mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, mô lỏng lẻo dưới da, mô liên kết và mô tuyến vú. Vùng viêm khuếch tán lan rộng và thấm vào các mô. Bệnh nhân có biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, vùng thâm nhiễm không có ranh giới rõ ràng. Biến chứng nặng nhất là hoại thư vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra.

Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, tụt huyết áp, toàn thân suy sụp. Vú căng to, phù nề, da trên ổ áp-xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử. Hạch bạch huyết sưng đau. Bệnh ở giai đoạn áp-xe hoặc viêm tấy cần phân biệt với ung thư vú thể cấp dạng viêm, có thể bị ung thư cả hai vú cùng một lúc, vú to ra rất nhanh nhưng không đau, toàn thân suy sụp nhanh, xét nghiệm tế bằng chọc hút hoặc làm sinh thiết thấy tế bào ung thư.

 

Chữa trị và phòng bệnh

Khi đã tạo thành áp-xe thì phải dùng kháng sinh và chích rạch, tháo mủ. 

Đối với các ổ áp-xe nông dưới da, vùng quầng vú thì chích nặn mủ. Các áp-xe thể tuyến cần gây mê hoặc gây tê tại chỗ, chích áp-xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên vùng áp-xe. Rạch từ 7-10cm nhưng phải cách núm vú từ 2-3cm.

Sau khi tháo mủ cần đặt dẫn lưu bằng ống cao su hoặc mét gạc. Cần bơm rửa ổ áp-xe hằng ngày qua ống dẫn lưu bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp với dùng kháng sinh toàn thân.

Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ có kinh nghiệm điều trị hiệu quả, tránh tiền mất tật mang.

Phòng bệnh: muốn tránh áp-xe vú trong thời kỳ cho bú cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Cho trẻ bú đúng cách, không cho ngậm nhai vú lâu. Tránh làm sây sát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top