Hẹp bao quy đầu ở trẻ em: Khuyến cáo điều trị bảo tồn và tiếp cận lâm sàng

Hẹp bao quy đầu là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh và những năm đầu đời. Việc nhận thức chưa đầy đủ về đặc điểm sinh lý bình thường cũng như lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp có thể dẫn đến những can thiệp không cần thiết, gây sang chấn tâm lý và biến chứng ngoại khoa.

1. Định nghĩa và phân loại

Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng bao da quy đầu không thể tuột hoàn toàn khỏi quy đầu. Bao quy đầu là lớp da che phủ phần đầu dương vật (quy đầu) và có vai trò bảo vệ quy đầu khỏi các yếu tố ngoại môi.

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: Là tình trạng bình thường ở trẻ sơ sinh do sự dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu. Tình trạng này sẽ cải thiện dần theo thời gian.

  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Là hẹp thực sự do xơ hóa, thường hình thành sau viêm nhiễm hoặc sau nong cơ học sai cách.

Tỷ lệ hẹp bao quy đầu theo độ tuổi:

Lứa tuổi

Tỷ lệ hẹp bao quy đầu

Sơ sinh

96%

1 tuổi

50%

3 tuổi

10%

17 tuổi

1%

2. Nguyên tắc điều trị

Khuyến cáo từ các hiệp hội niệu nhi quốc tế ưu tiên các biện pháp bảo tồn không xâm lấn trong điều trị hẹp bao quy đầu, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chỉ định can thiệp ngoại khoa (cắt bao quy đầu, nong bao quy đầu) cần được cân nhắc kỹ, khi các phương pháp bảo tồn thất bại hoặc có chỉ định đặc biệt.

 

3. Các phương pháp điều trị bảo tồn

3.1. Kéo căng bao quy đầu bằng tay

  • Thực hiện động tác kéo da quy đầu nhẹ nhàng về phía trước (xa thân người) và sau (hướng về gốc dương vật) trong giới hạn trẻ có thể chịu đựng được.
  • Thời gian kéo: giữ khoảng vài phút, thực hiện 2–3 lần/ngày.
  • Sử dụng chất bôi trơn an toàn như vaseline, baby oil hoặc kem dưỡng không gây kích ứng.
  • Có thể kết hợp với ngâm nước ấm để giảm khó chịu.
  • Kỹ thuật phải được thực hiện nhẹ nhàng, kiên trì trong ít nhất 4–8 tuần. Không nên thực hiện ở trẻ <4 tuổi nếu không có biểu hiện bất thường.

3.2. Kéo căng kết hợp bôi thuốc mỡ chứa corticosteroid tại chỗ

  • Sử dụng betamethasone 0,05% (ví dụ: Diprosone), bôi vào mặt trong và ngoài bao quy đầu 2–3 lần/ngày.
  • Kết hợp động tác kéo căng bao quy đầu như đã mô tả ở trên.
  • Thời gian điều trị: tối thiểu 4–6 tuần, có thể kéo dài tới 3 tháng nếu cần.
  • Nếu sau 3 tháng không có cải thiện, xem xét chỉ định can thiệp ngoại khoa.

 

4. Chỉ định ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa được cân nhắc khi:

  • Hẹp bao quy đầu gây biến chứng: tiểu khó, viêm quy đầu – bao quy đầu tái diễn, viêm đường tiết niệu, hẹp bệnh lý có sẹo xơ.
  • Điều trị bảo tồn thất bại sau 3 tháng.
  • Trẻ lớn tuổi (≥ 6 tuổi) vẫn còn hẹp thực sự và có triệu chứng.

Các hình thức ngoại khoa bao gồm:

  • Nong bao quy đầu dưới gây tê tại chỗ.
  • Rạch mở bao quy đầu (preputioplasty).
  • Cắt bao quy đầu hoàn toàn (circumcision).

 

5. Biến chứng cần lưu ý sau can thiệp ngoại khoa

  • Biến chứng cấp: chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo.
  • Biến chứng muộn: sẹo xấu, hẹp tái phát, hẹp lỗ tiểu, rò niệu đạo.

 

6. Khuyến cáo lâm sàng

  • Trẻ < 4 tuổi không nên nong bằng tay hoặc can thiệp ngoại khoa nếu không có dấu hiệu bất thường.
  • Trẻ ≥ 4 tuổi hoặc có các biểu hiện: tiểu khó, phồng bao quy đầu khi tiểu, viêm tái diễn nên áp dụng lần lượt hai phương pháp bảo tồn trước khi xem xét phẫu thuật.
  • Cần hướng dẫn cha mẹ vệ sinh đúng cách và theo dõi định kỳ để ngăn ngừa viêm nhiễm.

 

7. Kết luận

Phần lớn trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ là sinh lý và không cần can thiệp. Áp dụng điều trị bảo tồn đúng cách, an toàn và hiệu quả có thể giúp tránh được các thủ thuật xâm lấn không cần thiết và các hệ lụy kèm theo. Vai trò của cha mẹ và nhân viên y tế trong việc nhận diện, tư vấn và hướng dẫn thực hành đúng là hết sức quan trọng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top