✴️Chiến lược ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Phòng ngừa

Nhiều biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung

Vắc xin HPV

Mối liên hệ giữa ung thư cổ tử cung và một số chủng vi rút HPV đã được chứng minh. Chính vì vậy nếu người phụ nữ thực hiện tốt chương trình chích vắc xin ngừa HPV thì sẽ giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung rất nhiều.

Tình dục an toàn và ung thư cổ tử cung

Vắc xin HPV chỉ bảo vệ với 1 số chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư, nhưng vẫn còn vài chủng vẫn có thể gây ra ung thư cổ tử cung. Vì thế mà sử dụng bao cao su vẫn được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ khỏi nhiễm HPV và sau đó là ung thư cổ tử cung cũng như những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.

Tầm soát ung thư

Tầm soát ung thư cổ tử cung thường quy giúp bạn phát hiện sớm ngay cả khi ung thư chưa có triệu chứng, góp phần ngừa ung thư tiến triển xa hơn. Tầm soát không phát hiện trực tiếp ung thư nhưng giúp xác định được những thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.

Có ít bạn tình

Càng có nhiều bạn tình, nguy cơ lây truyền HPV càng cao và đương nhiên là nguy cơ ung thư cổ tử cung cũng tăng lên.

Giảm quan hệ tình dục sớm

Độ tuổi có lần quan hệ tình dục đầu tiên càng nhỏ, nguy cơ ung thư cũng tăng lên.

Ngưng hút thuốc

Hút thuốc lá và mắc HPV làm tăng nguy cơ ung thư so với những người không hút.

kiểm tra sức khỏe sinh sản

Chẩn đoán

Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm nếu được chẩn đoán sớm sẽ cải thiện tỉ lệ thành công của điều trị rất nhiều.

Chính vì thế mà Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kì (The United States Preventive Services Task Force - USPSTF) khuyến cáo rằng:

  • Dưới 21 tuổi: không tầm soát.
  • Từ 21-29 tuổi: nên tầm soát tế bào học cổ tử cung mỗi 3 năm.
  • Từ 30-65 tuổi: tầm soát ung thư tùy theo phương pháp.
    • Tầm soát tế bào học mỗi 3 năm;
    • Xét nghiệm HPV mỗi 5 năm;
    • Kết hợp cả xét nghiệm HPV và tế bào học mỗi 5 năm.
  • Trên 65 tuổi: không tầm soát nếu trước đó đã có tầm soát đúng theo lịch, trừ khi có nguy cơ cao của ung thư cổ tử cung. Nếu trước đó có cắt tử cung kèm theo cổ tử cung cũng không tầm soát, trừ khi giải phẫu bệnh có ung thư cổ tử cung hoặc tổn thương tiền ung thư.

Ngoài ra, nếu bác sĩ đánh giá tùy theo bệnh nhân nếu có nghi ngờ ung thư cổ tử cung thì sẽ có kế hoạch tầm soát phù hợp.

Tế bào học cổ tử cung

Hiệp hội Ung thư Hoa Kì ước tính rằng trong năm 2019 có tới hơn 13,000 ca nhiễm mới với hơn 4,000 ca tử vong. Và tầm soát thường quy tế bào học có thể giảm con số này xuống rất nhiều.

Tế bào học cổ tử cung không phát hiện trực tiếp ung thư như đã đề cập ở trên, chỉ giúp phát hiện các tế bào bất thường. Và nếu không điều trị thì những tế bào bất thường này có nguy cơ phát triển thành ung thư.

Xét nghiệm HPV DNA

Xét nghiệm này giúp xác định bất kì chủng HPV nào có thể gây ra ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này cũng có thể lấy tế bào ở cổ tử cung để quan sát bất thường.

Với việc có thể tìm ra những chủng HPV nguy cơ cao ung thư cổ tử cung trước cả khi các chủng này có thể làm thay đổi trên tế bào học, xét nghiệm này hiện nay được khuyến cáo rất nhiều để tầm soát ung thư.

Nếu có những dấu hiệu hoặc triệu chứng của ung thư cổ tử cung, hoặc Paps test cho kết quả tế bào học bất thường, bác sĩ sẽ đề nghị làm thêm các cận lâm sàng sau đây:

  • Soi cổ tử cung: bằng cách quan sát trực tiếp cổ tử cung thông qua 1 kính phóng đại để tìm tổn thương.
  • Thám sát dưới gây mê: mặc dù ít được áp dụng nhưng vẫn có trường hợp bác sĩ sẽ khám vùng âm đạo và cổ tử cung 1 cách kĩ lưỡng khi bạn được gây mê.
  • Sinh thiết: bác sĩ sẽ lấy 1 mẫu nhỏ mô để làm giải phẫu bệnh.
  • Sinh thiết chóp:  bác sĩ sẽ lấy 1 mẫu mô dạng hình nón (chóp) ở vùng bất thường để làm giải phẫu bệnh.
  • Khoét chóp bằng dao điện: cũng khá giống với sinh thiết chóp nhưng bác sĩ sẽ sử dụng dao diện để lấy mô bất thường. Mẫu thử cũng sẽ gửi đi làm giải phẫu bệnh.
  • Xét nghiệm máu: các xét nghiệm để tìm ra các vấn đề của gan hoặc thận.
  • Chụp cắt lớp (CT-scan): cũng là 1 phương tiện hình ảnh để quan sát các bất thường của mạch máu vùng nghi ngờ ung thư khi bệnh nhân có tiêm chất cản quang.
  • MRI: kĩ thuật có khả năng chẩn đoán được ung thư cổ tử cung từ giai đoạn khá sớm.
  • Siêu âm vùng chậu:  với tần số cao, siêu âm có thể cho thấy hình ảnh khá chi tiết của vùng cần khảo sát.

Tiên lượng

Tùy theo giai đoạn ung thư mà có thể giúp tiên lượng được khả năng sống còn trong 5 năm

  • Giai đoạn 1:  ở đầu giai đoạn 1, thì tỉ lệ sống còn 5 năm lên tới 93%. Tới cuối giai đoạn 1 thì tỉ lệ còn 80%.
  • Giai đoạn 2: tỉ lệ ở đầu giai đoạn 2 là 63% giảm xuống 58% khi ở cuối giai đoạn 2.
  • Giai đoạn 3: trong giai đoạn này, tỉ lệ giảm từ 35% xuống 32%.
  • Giai đoạn 4: nếu ở giai đoạn này thì tỉ lệ sống còn 5 năm chỉ còn 15-16%.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 và cách điều trị hiện nay |  Vinmec

Những con số trên đây chỉ là tỉ lệ trung bình, không áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Trong 1 số ca thì điều trị thành công vẫn có thể thực hiện ở giai đoạn 4.

Xem thêm: Ung thư nội mạc tử cung

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top